Thứ Bảy ngày 27 tháng 4 năm 2024

Bi kịch cuộc đời…

 

Ông bà mình dạy: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Ngặt một nỗi hoặc tay sử quan ghi thiếu hay ông bà đãng trí quên dặn nên đi đâu. Rối cho con cháu là ở chỗ đó. Nơi cần đi lại không đi, chỗ không nên tới lại “liều nhắm mắt đưa chân”. Bi kịch!

Có những lời khuyên dựa trên trải nghiệm và thực tiễn khách quan. Nhưng ác nghiệt ở chỗ chúng đúng với người này, lại sai với kẻ khác; hay có lúc thì đúng đắn, khi lại trật lất. Thậm chí với cùng một người, mới gật gù tâm đắc đó, lát sau lại bỉu môi chê trách. Hỗng lẽ để cho an toàn và không mất lòng nhau, ta chỉ được chọn một trong 2: hoặc chấp nhận mang tiếng thờ ơ mà không khuyên gì hết, hoặc khuyên nước đôi? Thiệt ra, vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ ta hổng biết người kia muốn được khuyên gì? Bi kịch!

Hồi trước 1975 ở Saigon có câu cà khịa: “Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ”. Mà ai chẳng có lòng tham, làm sao chịu bị lỗ cho được. Vậy thì hè nhau chia động từ “love”, để rồi “we love” – chúng ta đều yêu. Mới nứt mắt đã tập tễnh học đòi yêu. Ban đầu rụt rè yêu người chung xóm, sau đó có tiến bộ yêu tới người láng giềng, yêu bạn chung lớp, yêu đồng nghiệp… rồi ra yêu tá lả tùm lum. Bi kịch!

Người ta có thể yêu nhiều lần, nhưng mỗi lần chỉ nên yêu một người. Biết là như vậy, nhưng cái từ “chung tình” giờ chỉ còn trong sách cổ. Ai biểu Thượng đế sinh ra con có trái tim tới 4 ngăn (2 tâm thất, 2 tâm nhĩ) mần chi. Bi kịch!

Yêu ai cũng như yêu lần đầu. Ngu ngơ, khù khờ, nhưng cháy bỏng lửa tình – hùng hục yêu, cắm đầu cắm cổ yêu. Bởi vậy nên cho dù đầu tóc bạc nhiều hơn tóc đen, hễ lần nào thất tình cũng đều đau như bị bò đá. Bi kịch!

Yêu như thể ngày mai ra Bình Hưng Hòa. Cho nên, mới nhác thấy ai hạp nhãn thoáng qua là đã rừng rực lòng yêu. Đêm về lăn qua trở lại mà nghêu ngao câu hát trong bài Ảo ảnh của nhạc sĩ Y Vân: “Yêu cho biết sao đêm dài…”. Bi kịch!

Yêu thật sự là phải biết hy sinh và không tính toán thiệt hơn. Yêu là cho đi, nhưng cũng sẵn sàng đón nhận (không nên là “chờ nhận”). Có điều cả hai người phải đồng lòng như vậy. Chớ mình cứ cho riết, người đó cứ nhận miết mà hỗng hồi đáp chút đỉnh gì cho toại lòng nhau thì… cũng oải lắm chớ. Bi kịch!

Ta cực kỳ yêu một người, yêu bằng hết “linh hồn và trí khôn”, hiến dâng hết “thể xác và tâm hồn”. Vậy mà có những lúc người đó coi như ta không hề tồn tại trên cõi hồng trần này. Bi kịch!

Có một người đặt cho tôi cái nickname là “ông dừa”. Ông dừa ở đây hỗng liên can gì tới ông Đạo Dừa ngày xưa ở xứ dừa Bến Tre đâu, mà chỉ vì biết tôi cực kỳ khoái uống nước dừa. Giàng ơi, nước dừa vừa mát, vừa lành, vừa bổ. Hồi thời khó khăn, có những bệnh viện dùng nước dừa thay nước biển để truyền cho bệnh nhân. Các nhà khoa học cho rằng nước trong trái dừa có mức độ vô trùng bảo đảm để có thể sử dụng thay dung dịch truyền cho các bệnh nhân bị mất nước. Binh lính Nhật Bản và Anh trong Thế chiến thứ 2 từng được truyền nước thẳng từ trái dừa. Du khách nước ngoài thích uống nước dừa ngay từ trong trái dừa (chỉ cần vạt đầu trái và cắm ống hút vào) do vệ sinh hơn là đổ ra ly. Hôm 18-2-2013, khi đi ăn trưa với mấy học trò cũ, ông thầy ở trường xưa của tôi đã kêu một trái dừa “nguyên con”. Ông nói đây là món uống khoái khẩu của mình từ hồi ở Việt Nam, khi qua Mỹ định cư, ông không còn uống được vì bang Colorado của ông hỗng có trồng dừa. Thầy ơi, cần gì phải qua Mỹ, ngay ở Saigon này mà một kẻ mê nước dừa như em đâu phải hễ lúc nào muốn uống là cũng có. Bi kịch!

Thất bại là mẹ thành công, là ông thành đạt. Bởi nên thua keo này, ta bày keo khác. Người ta không cười người thất bại, mà chỉ chê kẻ thất chí. Nhưng mấy người già mà thất bại thì thường đồng nghĩa với bại liệt, sức đâu và thời gian đâu mà đứng dậy. Bi kịch!

Người thành đạt bởi có chí thì nên. Kẻ hèn kém do có chí thì… ngứa. Nhưng chí gì cũng được, miễn đừng là… Chí Phèo. Bi kịch!

Từ xa xưa, ai mà dính phải tứ đổ tường (hút xách, cờ bạc, rượu chè, trai gái) đều tan nhà nát cửa. Nhưng sao đời tôi vẫn đen như mõm chó, vẫn cứ như cái bầu “trời tối như mực” của chị Dậu trong Tắt đèn (tiểu thuyết của Ngô Tất Tố), khi mà trong tứ đổ tường tôi chỉ dính có một nửa: hút mà không xách, bạc mà không cờ, rượu mà không chè, gái mà không trai. Bi kịch!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-2-2013)

Đây là cái ổ của tôi tại tòa soạn báo Long An năm 1981. Thời đó cực kỳ khó khăn. Buổi trưa, chưa tới giờ bếp ăn tập thể cho ăn, tôi đành dùng tiếng đàn guitar át tiếng bụng réo vì đói. Bạn đồng nghiệp Hồng Khanh thì ở trên lầu lôi cây đàn violin ra kéo như tiếng bao tử rên rỉ. Bi kịch!