Thứ Bảy ngày 16 tháng 11 năm 2024

Sự chia rẽ ngày càng khoét sâu trong thế giới Hồi giáo

 

Trước nay trong thế giới Hồi giáo vẫn tồn tại sự chia rẽ căng thẳng giữa hai phái Sunni và Shiite. Có những lúc, những nơi, sự đối đầu này trầm trọng tới mức trở thành hận thù giáo phái dẫn tới bạo lực đẫm máu theo kiểu ăn miếng trả miếng với nhau.

Nhiều tháng nay, đất nước Hồi giáo Iraq trở thành một điển hình cho sự đối đầu giữa hai giáo phái Hồi giáo. Khi những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi nước Arập Tây Á này hồi tháng 12-2011, người ta hy vọng rằng người Shiite chiếm đa số, người Sunni thiểu số và người Kurd sẽ học được cách chung sống hòa bình với nhau, giải quyết được những bất đồng của họ mà lâu nay mượn nguyên cớ là sự có mặt của quân ngoại bang. Thời kỳ còn chiến tranh, Iraq bị nhận chìm trong những vụ tấn công giáo phái đẫm máu liên tục xảy ra. Người Iraq tự giết lẫn nhau. Còn bây giờ, khi chỉ còn không lâu nữa là tới kỷ niệm 10 năm Mỹ đưa quân vào tấn công Iraq (20-3-2003/2013), tình hình căng thẳng giáo phái ở nước này càng tăng cao nguy hiểm.

Lần này là việc những người Sunni biểu tình chống lại chính quyền do phái Shiite cầm chịch. Họ bất bình trước những cố gắng thâu tóm quyền lực của Thủ tướng Nouri al-Maliki và đang đòi cải tổ bộ máy chính quyền. Tất nhiên cộng đồng Sunni hiểu rõ cái thế thiểu số của mình, nhất là khi người Shiite đang chiếm đa số trong chính quyền, quân đội và cảnh sát.

Người Sunni giận dữ hơn sau khi xảy ra vụ lực lượng an ninh Iraq bắn chết nhiều người Sunni biểu tình tại thành phố Fallujah hồi cuối tháng 1-2013. Hiện nay họ đã dựng một thành phố lều trại với hơn 50 chiếc lên bên ngoài thành phố Ramadi để biểu tình chống chính quyền Shiite. Những cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại thủ đô Baghdad và những thành phố có đông người Sunni như Samarra, Tikrit và Mosul.

Điều nguy hiểm là đã có sự can dự của hệ thống khủng bố al-Qaeda trong tình hình căng thăng giữa hai giáo phái Sunni và Shiite. Chi nhánh Iraq của al-Qaeda đã nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom xe hơi ngày 18-2 giết chết 28 người tại các khu vực của người Shiite ở Baghdad, nói là để báo thù việc chính quyền đàn áp người Sunni.

Đẫm máu nhất là vụ đánh bom ngày 16-2 tại khu chợ chính của thành phố Quetta (Pakistan) làm 65 người chết, hầu hết là người Hồi giáo Shiite. Thủ phạm là Lashkar-e-Jhangvi, một nhóm cực đoan thuộc cộng đồng Sunni chiếm đa số ở nước Hồi giáo Nam Á này. Có hơn 400 người Shiite đã bị giết chết trong năm 2012, phần nhiều là bởi những tay sát thủ hay những vụ đánh bom có liên quan tới người Sunni. Một số nhóm Shiite cứng rắn đã trả đũa bằng cách giết những giáo sĩ Sunni.

Trong khi đó ở vương quốc Arập Hồi giáo Bahrain tại Vùng Vịnh, tình trạng căng thẳng vẫn tiếp tục giữa chính quyền của người Sunni với các tổ chức đối lập người Shiite. Ở đây, người Shiite chiếm đa số (khoảng 70%). Ngày 19-2, hai nhóm Sunni là Al-Saff Al-Islami và Al-Minbar Al-Islami đã tuyên bố ngưng tham gia đối thoại với các nhóm Shiite đối lập để phản đối tình trạng bạo lực lan rộng trong dịp kỷ niệm 2 năm ngày nổi dậy. Bahrain là căn cứ của Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-2-2013)

65 người chết trong vụ đánh bom của những phần tử quá khích Sunni ở Quetta (Pakistan) ngày 16-2-2013.

Ngày 24-1-2013, đám dông người Sunni Iraq biểu tình tại thành phố Ramadi để chống lại chính quyền do giáo phái Shiite thống trị.

Ngày 24-1-2013, đám dông người Sunni Iraq biểu tình tại thành phố Ramadi để chống lại chính quyền do giáo phái Shiite thống trị.

Một chiếc quan tài giả để tưởng nhớ những người Sunni bị lực lượng an ninh Iraq bắn chết trong cuộc biểu tình tại thành phố Fallujan hồi tháng 1-2013. Ảnh chụp ngày 18-2-2013 tại một khu của người Sunni ở Fullujan. 

VIDEO CLIPS

Bombings and rallies mark Iraq tension

Iraq Sunnis rally against Shia-led government