Thứ Hai ngày 16 tháng 9 năm 2024

Nhật ký ghi vội: thứ Hai 4-3-2013

 

1.

Đi xe gắn máy giữa Saigon có sướng không? Hỏi tào lao thiệt, xe máy là cái chưn cái cẳng của người ta, sướng hay khổ gì cũng phải xài nếu muốn xê dịch. Giống như bà con mình ở Mỹ mà không có chiếc xe hơi là coi như cụt cẳng!

Ai sao hỗng biết chớ với tôi, đi xe gắn máy thiệt tình chỉ nhanh hơn đi bộ, đỡ mỏi giò hơn đi bộ. Mỗi lần chạy xong một cuốc xe ngoài đường phố Saigon là tôi mệt đứ đừ vì đầu óc quá căng thẳng. Tay chưn luôn trong tư thế sẵn sàng mà thắng gấp. Mắt phải quan sát tứ phía coi có ai, có xe nào đột ngột dọt ra không. Sợ nhất là xe phía sau muốn qua mặt bên nào tùy thích và xe phía trước muốn quẹo đâu cứ quẹo chẳng thèm nhá đèn xi-nhan hoặc vừa nhá đèn đã quẹo. Đang chạy muốn tấp vô lề thì cứ tấp. Khi chạy xe ngang qua những con hẽm, đường lô, sợ nhất là xe bên trong lao thẳng ra. Nói chung là thiên hạ chạy xe cứ như trên đường chỉ có mình ên họ.

Vì thế hễ chạy xe ngoài đường là tôi cực kỳ căng thẳng đầu óc, luôn sẵn sàng xử lý những bất ngờ xảy ra. Ở Việt Nam mình, chạy xe đúng luật giao thông chỉ đỡ nguy hiểm thôi chớ không phải là đã an toàn. Mình tuân thủ luật giao thông thì giảm nguy cơ gây tai nạn cho người khác, nhưng vẫn luôn có thể gặp tai ương từ những kẻ phạm luật.

Mấy anh cảnh sát giao thông thì cứ như canh me, giăng bẫy người đi đường. Chuyện xử phạt vi phạm giao thông cũng đầy tính hên xui. Cả chục xe cùng lấn tuyến, nhưng cây gậy của CSGT chỉ trúng ai, người nấy dính. Mà nghĩ cũng lạ, hễ CSGT mà huýt còi là ta cách gì cũng có lỗi. Hỗng phải hễ đèn đỏ là giao lộ nào cũng có quyền quẹo phải đâu mà ham, chỉ làm được như vậy ở chỗ nào có biển hiệu cho phép quẹo phải khi đèn đỏ. Ở nơi có đường phân tuyến đứt quãng, theo luật là khi kẹt, ta có thể lấn qua bên kia để qua mặt hay né xe rồi quay lại ngay; nhưng sẽ bị thổi phạt nếu khi lấn qua mà không bật đèn xi-nhan – chuyện hiếm có ai nhớ trong những tình huống như vậy. Có những khi bi buộc phải phạm lỗi để bị chịu phạt. Đang chạy xe thấy cái nắp cống giữa đường nhô lên mà không thể né sang phải đành lấn tuyến một chút rồi trở lại ngay mà có khi bị anh CSGT chờ sẵn phía trước chỉ gậy buộc tấp vô. Có lần dừng xe vì đèn đỏ ở ngã tư Nguyễn Tri Phương – 3 tháng 2, bị xe phía sau thúc, gặp chiếc xe Lead bè bè phía trước lùi lại ép bánh trước của xe tôi phải văng ra khỏi lằn ranh phân tuyến, vậy là có tiếng còi ré lên thổi phạt.

Khi ngồi trên xe chạy ra đường hòa cùng dòng lưu thông, tôi không sợ. Nhưng khi đi bộ đứng trên lề đường nhìn xe cộ chạy thấy mà bắt rét, nhất là khi phải băng qua đường. Chẳng trách mà du khách nước ngoài nói là họ sợ nhất là giao thông ở Việt Nam.

Có thể nói thẳng là người mình bây giờ chạy xe rất hỗn, cứ đâm đầu lao vào người khác, ai sợ thì tránh, không biết nhường đường cho ai – trong khi biết nhường đường là một yêu cầu trong luật giao thông. Cái này phần chính xuất phát từ nền tảng văn hóa ứng xử của người ta. Hồi xưa, ngay từ khi mới học lớp Năm (nay là lớp 1), chúng tôi đã được dạy phải biết sống nhường nhịn lẫn nhau, ra đường phải nhường nhau. Còn bây giờ trẻ em không được học như vậy mà nhìn quanh để lớn lên với cái quan niệm: ăn thua đủ, hơn thua nhau. Làm gì cũng phải hơn người mới hả hê, nếu không đủ tài sức thì dùng chiêu miếng, thủ đoạn. Không bon chen, cứ an phận thủ thường thì bị chê là hèn kém, nhu nhược. Chen lấn, khoèo chân người khác cho té để vượt lên lại được khen là khôn ngoan, năng nổ. Tất nhiên sống trên đời cần phải có chí cầu tiến, luôn phấn đấu để tiến bộ, nhưng đó là thi đua chớ hỗng phải là ganh đua. Thiệt là nguy cho xã hội hiện tại và tương lai khi người ta đi ngược chiều, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ,… với vẻ mặt dương dương tự đắc. Tôi đã không ít lần bị chửi, bị hứ háy chỉ vì dừng xe ngay khi đèn đỏ bật sáng!

Khi tham gia giao thông, người ta không chỉ tuân thủ luật giao thông mà còn phải thể hiện văn hóa giao thông. Bi kịch ở chỗ: luật thì bất cập mà văn hóa thì ngày càng ít người sở hữu!

Nhưng gì thì gì, ai chê bai thì cứ việc, tôi luôn cố gắng hết sức mình để tuân thủ luật giao thông khi đi ngoài đường. Nó tăng xác suất an lành cho tôi và mọi người. Tuân thủ luật lệ là công dân tốt, còn giữ văn hóa ứng xử là người tốt, suy ra nếu có được cả hai, bạn chính là “người-công-dân tốt”.

– Có khi tôi mơ mình sẽ tậu được một chiếc xe như vầy để chạy trong thành phố vừa an toàn, vừa không sợ đường ngập nước.

 

2.

Dạo gần đây tôi phải sống trong tâm trạng bất an khi phát hiện có một chàng ca sĩ đang nổi đình đám có tên họ y chang với mình. Đó là bạn Phạm Hồng Phước, sinh viên đại học sư phạm kiêm MC và vừa dự thi Vietnam Idol 2012.

Tôi bất an hỗng phải vì “con chim ganh nhau tiếng hót” (sure vì tôi chớ hề biết hót lấy gì ganh), mà bởi sợ cả hai người lỡ có gì mất cảnh giác có thể làm mất mặt bầu cua của nhau, do cái sự trùng tên quá kỹ!

Bạn Phước kia chắc cũng biết tin học, nhưng có lẽ không hơn được tôi; tôi cũng biết hát nhưng chắc chắn không thể sánh với bạn. Xin bật mí: có người bạn mất ngủ đã ngủ lại được nhờ nghe tôi… hát!

Tôi là Phước “ai-ti” (IT) chớ hỗng phải Phước “ai-đồ” (Idol). Phước “ai-ti” nhắn với Phước “ai-đồ” rằng tụi mình ráng đừng để cho nhau phải “ai oán” hén.

Tôi có thể đoan chắc với bạn rằng trong đời mình tôi chưa hề “thấy người sang bắt quàng làm họ” đâu – ngoại trừ lần duy nhứt có ai đó hỏi tôi có bà con gì với Phạm Hồng Thái không, tôi đã: “Yes, I’m”.

 

3.

Sáng nay, cảm thấy “kê thể bất an” và tâm trạng chập cheng, tôi rủ ông bạn đồng nghiệp – người vừa đánh mất một cuộc tình tới nhà ăn sáng. Món ăn tiêu biểu và mang tính truyền thống: mì gói!

Đợi cả hai ăn xong tô mì, tôi hỏi hắn – không phải vì tò mò mà là do lo lắng cho bạn bè – bi kịch ra sao rồi? Như có một đám mây đen che ngang trước mặt ông bạn: có tin người ấy sắp lấy chồng!

Ông bạn tâm sự: Cho dù cô ấy lấy chồng, tôi vẫn mãi yêu cô ấy – người đã cho tôi biết thế nào là hương vị của tình yêu – kể cả mật ngọt lẫn mật đắng. Cho dù mới yêu nhau vài ba tháng, nhưng tôi hoàn toàn có cảm nhận như chúng tôi yêu nhau từ đời kiếp nào – tiền định chăng? Tôi đã trải qua không ít tình yêu, nhưng chưa ai tôi yêu như cô ấy! Hắn buồn buồn: Giờ đây tôi canh cánh nỗi lo rằng không biết có ai yêu cô ấy nhiều như tôi và biết trân quý cô ấy như tôi. Cô ấy trẻ, có sắc, có tài thơ văn và có tiền, toàn là những thứ cám dỗ kẻ khác và gây cho cô ấy nhiều bất trắc.

Vậy là ông bạn tôi chết chắc rồi! Tôi ân hận vì vô tình mời hắn ăn mì gói – cái món mà cô người yêu của hắn vẫn thường ăn khi mần biếng nấu ăn!

Tôi nói với bạn: Yêu nhau thiệt sự là phải cho nhau được hạnh phúc. Khi anh không thể đem lại hạnh phúc cho người mình yêu thì có ai làm được chuyện đó, anh dù đau nhưng vẫn nhẹ lòng hơn chớ.

Thiệt ra, tôi cũng chỉ nói để mà nói thôi. Với một người sống thiên về nội tâm và nặng tình nghĩa như hắn, chuyện phải chia tay với người mà hắn rất mực yêu tệ tới mức có thể tống hắn vô nhà thương Chợ Quán. Tôi tin rằng hắn sẽ không bao giờ quên được người con gái ấy. Và biết người biết ta, nếu tôi rơi vào tình cảnh như hắn, bi kịch còn cực kỳ tàn tệ hơn!

Nguồn minh họa: Internet. Thanks.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-3-2013)