Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Gần 100 người chết vì sập xưởng may ở Bangladesh

Nguyên một tòa nhà 8 tầng là nơi có những xưởng may quần áo và một trung tâm mua sắm ở ngoại ô thủ đô Dhaka (Bangladesh) ngày 24-4-2013 đã đột ngột sập xuống làm chết gần 100 người và hàng trăm người bị thương.

Lính cứu hỏa và quân đội đã nỗ lực suốt cả ngày tại tòa nhà Rana Palza ở Savar, cách thủ đô Dhaka khoảng 30km (19 mile) để tìm cứu những nạn nhân đang bị kẹt trong đống đổ nát. Truyền hình chiếu cảnh những nữ công nhân trẻ, một số bất tỉnh, đang được kéo ra từ những đống gạch vụn.

Một quan chức ở phòng tiếp nhận thông tin nạn nhân cho biết có 96 người đã được xác nhận là thiệt mạng và hơn 700 người bị thương.

Có khoảng 2.000 người đang ở trong tòa nhà này khi các tầng bên trên đổ sập lên nhau. Một cư dân nói rằng giống như một trận động đất. Zohra Begum, một công nhân làm tại một xưởng may kể: “Tôi đang làm việc ở tầng 3 thì đột nhiên nghe có âm thanh điếc lỗ tai, không hiểu điều gì đã xảy ra. Tôi chạy và đụng phải cái gì ở đầu.”

Mohammad Asaduzzaman, phụ trách đồn cảnh sát địa phương, cho biết các chủ xưởng may đã phớt lờ lời cảnh báo không cho phép công nhân vào tòa nhà này sau khi phát hiện có vết nứt trong tòa nhà ngày 23-4.

Có tới 5 xưởng may quần áo nằm trong tòa nhà này, gồm Phantom Apparels Ltd., New Wave Style Ltd., New Wave Bottoms Ltd., New Wave Brothers Ltd, và The Children’s Place and Dress Barn. Các công nhân hầu hết là nữ. Muhammad Anisur Rahman, chủ xưởng may Ether Tex Ltd. nói rằng mình không hề nhận được một lời cảnh báo nào đừng mở cửa xưởng. “Có một số vết rạn nứt ở tầng 2, nhưng xuởng của tôi ở tận tầng 5. Chủ tòa nhà nói với người quản lý tầng của chúng tôi rằng không có vấn đề gì và các anh có thể mở cửa xưởng.” Xưởng của ông đang may theo hợp đồng cho hệ thống bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart Stores Inc và C&A của châu Âu.

Bangladesh là nơi đang bùng nổ ngành kỹ nghệ may quần áo với doanh số lên tới 20 tỷ USD một năm. Cả nước có khoảng 4.500 xưởng may. Nhưng các xưởng may ở đây đã để xảy ra nhiều vụ cháy và tai nạn trong những năm qua. Hồi tháng 11-2012, có 112 công nhân đã chết trong vụ cháy xưởng Tazreen ở khu công nghiệp gần đó. Năm 2005, xưởng áo len Spectrum tại Dhaka bị đổ sập giết chết 64 người và bị thương 80 người.

Bangladesh là nơi hấp dẫn các hệ thống bán lẻ thế giới như Tesco, Walmart, JC Penney, Kohl’s, Carrefour, Sears,… để đặt hàng gia công quần áo vì có mức lương thấp – chỉ khoảng 37 USD một tháng. Chính ngành may mặc đã trở thành nguồn thu xuất khẩu lớn của nước này, chiếm tới 80% trong kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD của Bangladesh.

Các tòa nhà cao tầng ở thành phố Dhaka đông đúc có khi được xây dựng không giấy phép và không tuân thủ các quy định xây dựng. Khi tới thăm hiện trường tai nạn, Bộ trưởng Nội vụ Muhiuddin Khan Alamgir cho biết tòa nhà này đã vi phạm các quy định xây dựng. Ông hứa rằng “những kẻ tội phạm sẽ bị trừng trị.”

Trong những năm qua, nhiều tổ chức quần chúng ở Bangladesh đã kiến nghị các đối tác bán lẻ nước ngoài có ý kiến yêu cầu các xưởng may mặc chú trọng tới an toàn lao động cho công nhân.

Phải chăng chính các hệ thống bán lẻ nước ngoài cũng phải chịu phần nào trách nhiệm đối với tình trạng an toàn lao động tồi tệ ở đất nước Nam Á này. Có một cái vòng lẩn quẩn mà cuối cùng người lao động lãnh đủ. Giá gia công rẻ mạt thu hút các hệ thống bán lẻ đặt hàng gia công. Một nền công nghiệp may gia công hình thành và tăng vọt. Để cạnh tranh lẫn nhau, các xưởng may đạp giá xuống thật thấp. Do giá gia công thấp nên các xưởng may không có khả năng bảo đảm an toàn lao động. Tôi ước ao giá như các hệ thống bán lẻ quốc tế đưa an toàn lao động thành một điều kiện trong hợp đồng gia công với các xưởng may ở Bangladesh, cũng như ở các nước thế giới thứ ba khác. Và có lẽ sẽ có những người tiêu dùng trong siêu thị khi cầm chiếc áo có in nhãn Made in Bangladesh lên sẽ nghĩ tới tình cảnh những người công nhân nghèo khổ đang bán mạng mình để gia công những chiếc áo quần như vậy. Cả người đặt hàng mê của rẻ lẫn kẻ gia công cốt kiếm lời đều phải hiểu cái giá phải trả!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 24-4-2013)

+ Ảnh hiện trường vụ sập tòa nhà xưởng may ở Bangladesh ngày 24-4-2013.

Nguồn ảnh: Internet. Thank.

 

VIDEO CLIPS