Thứ Tư ngày 24 tháng 4 năm 2024

Kẻ đánh bom Boston đã được chôn cất

130506-boston-protest-burial-02

Cục Điều tra Liên bang FBI vẫn tiếp tục bị tạt thêm xăng vào đống lửa đang ngồi cho cách làm việc thiếu hợp tác của mình. Họ chưa bao giờ báo cho cảnh sát bang Massachusetts hay thành phố Boston biết về những mối quan hệ có tính chất khủng bố với phía quê nhà bên Nga của hai anh em đánh bom Boston chiều 15-4-2013. FBI chỉ thông báo sau khi vụ đánh bom đã xảy ra 3 ngày rưỡi – có lẽ để cảnh sát địa phương…. tham khảo.

Trong cuộc điều trần ngày 9-5-2013 trước Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ, Ủy viên Cảnh sát Boston, Ed Davis, báo cáo với Dân biểu Mike McCaul (đảng Cộng hòa, bang Texas), chủ tịch ủy ban, rằng: sở cảnh sát thành phố chẳng hề được thông báo về chuyện FBI đã mở cuộc điều tra về Tamerlan Tsarnaev hay chuyện nghi phạm số 1 này từng đi về Bắc Caucasus (Nga), cho dù cảnh sát Boston đã cử 3 thanh tra và 1 hạ sĩ quan tham gia lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố phối hợp (JTTF) với FBI.

Hạ nghị sĩ McCaul nhận xét: “Tôi e rằng các tên đánh bom Boston đã thành công vì hệ thống chúng ta bị lỗi.”

Sếp cảnh sát Boston cũng bó tay không biết vì sao mà sau khi hình ảnh của hai nghi can đã được công bố rộng rãi để truy nã, không hề có một sinh viên nào của trường Đại học Massachusetts Dartmouth gọi điện cho cảnh sát, trong khi nghi can số 2 Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi, là sinh viên năm thứ 2 của trường này. Chẳng lẽ dân Mỹ sợ khủng bố trả thù sao?

Cũng trong ngày 9-5, cảnh sát tại thành phố Worcester, nơi có dịch vụ mai táng Graham Putnam & Mahoney Funeral Parlors tiếp nhận và lưu giữ xác của nghi phạm số 1 Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, từ ngày 1-5, cho biết xác của anh ta đã được chuyển ra khỏi thành phố này và đã được chôn ở một nơi bí mật.

Trước đó, Zubeidat Tsarnaeva, mẹ của hai kẻ đánh bom đang sống ở Nga cho biết có nhiều khà năng chính phủ Nga không đồng ý nhận xác con trai bà về nước này nếu như xếp Tamerlan vào diện khủng bố. Bà than: “Ngay cả tro của nó cũng có thể không được mang về quê hương.” Có tin nói rằng Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo của Chechnya, một vùng bán tự trị của Nga và là quê hương của người cha Anzor Tsarnaev, cũng từ chối giúp gia đình này đưa xác con trai về quê nhà.

Tamerlan cuối cùng cũng đã được mai táng, 20 ngày sau khi bị bắn chết, đã kết thúc cuộc tranh cãi kéo dài gây chia rẽ cả nước Mỹ về việc anh ta sẽ được chôn ở đâu và như thế nào. Suốt từ khi dịch vụ mai táng ở Worcester nhận xác anh ta từ cơ quan pháp y về, phía trước cơ sở này luôn có hàng chục người biểu tình phản đối việc chôn anh ta ở Mỹ. Thậm chí họ hăm he sẽ đào xác anh ta lên nếu chôn ở đâu. Trong khi các nghĩa trang ở Massachusetts từ chối tiếp nhận Tamerlan, một số người ở những bang khác đã đề nghị nhận xác anh ta về chôn.

Giám đốc nhà mai táng Peter A. Stefan đã vất vả chạy ngược chạy xuôi suốt 6 ngày qua để tìm một nơi chôn Tamerlan. Thậm chí ông đã đề nghị chịu mọi chi phí vận chuyển để đưa xác anh ta về Nga, nếu như chính phủ nước này chấp nhận. Trước những lời phê phán, người đàn ông dũng cảm này nói rằng ông chỉ làm một việc đúng đắn theo đúng công việc của mình. “Chúng tôi đang chôn một người chết.” Đơn giản là như vậy. Nghĩa tử là nghĩa tận. Tamerlan đã phải trả giá cho hành động tội ác của mình bằng cái giá cao nhất là chính mạng sống anh ta. Ngay cả báo The New York Times (9-5) khi viết về việc chôn cất Tamerlan cũng đã gọi anh ta là “Mr. Tsarnaev”.

Cảnh sát Worcester trong thông báo trên website của mình sáng 9-5 cho biết: xác Tamerlan đã được chuyển khỏi nhà mai táng vào khuya 8-5 và đưa ra khỏi địa bàn bang Massachusetts. Thông báo của cảnh sát viết: “Một người can đảm và giàu lòng trắc ẩn đã xung phong cung cấp sự trợ giúp cần thiết để mai táng một cách đúng đắn người chết.” (A courageous and compassionate individual came forward to provide the assistance needed to properly bury the deceased,) Quả là một cách cư xử đầy tính nhân văn để phân biệt người tốt với kẻ xấu, cái thiện với cái ác. (Xin mở ngoặc nói thêm: cảnh sát Worcester mừng húm, vì hỗm rày họ đã tốn thêm khoảng 30.000 USD khi phải cử cảnh sát tới túc trực chung quanh cơ sở mai táng đang lưu giữ xác Tamerlan.)

Theo Boston.com (9-5), Kheda Saratova, một nhà hoạt động nhân quyền người Chechen đang làm việc với gia đình Tsarnaev ở Nga, cho biết cha mẹ của Tamerlan đã an lòng khi biết con trai mình cuối cùng cũng đã được chôn cất. Chính ông chú Ruslan Tsarni đang sống ở bang Maryland gọi điện sang Nga báo tin này. Cha mẹ hai anh em đánh bom Boston cho biết họ sẽ tới thăm mộ con khi nào trở lại Mỹ (cả hai đều là di dân Chechnya đã có quốc tịch Mỹ).

Tamerlan, người Hồi giáo gốc Chechnya mang quốc tịch Nga, đã chết trong cuộc đọ súng dữ dội với cảnh sát săn đuổi lúc nửa khuya về sáng ngày 19-4 tại ngoại ô Boston, 4 ngày sau khi cùng em trai gây ra vụ đánh bom kép tại mức đến của cuộc chạy đua Boston Marathon làm 3 người chết và 264 người bị thương. Các nhà pháp y xác nhận nguyên nhân cái chết của Tamerlan là những vết thương đạn bắn cũng như những chấn thương nơi đầu và mình, hậu quả của đạn cảnh sát trúng khắp cơ thể và do bị em mình lái xe cán qua khi Dzhokhar hoảng loạn tìm cách chạy trốn.

Hiện nay Dzohkhar vẫn đang được tiếp tục chữa trị tại bệnh viện nhà tù ở Fort Devens (bang Massachusetts), nơi anh ta được chuyển tới hôm 26-4 sau gần một tuần được cấp cứu tại bệnh viện ở Boston. Anh ta bị bắt vào tối 19-4 trong khi đang trốn trong một chiếc thuyền máy để ở sân sau một ngôi nhà tại Watertown (ngoại ô Boston). Ngay sau đó, Dzohkhar đã được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng thập tử nhất sinh với nhiều vết đạn trên người. Dzohkhar đã bị truy tố với các tội danh sử dụng vũ khí giết người hàng loạt, mà nếu bị buộc tội có thể lãnh án tử hình.

Các nhà điều tra hiện đang tìm hiểu coi liệu một người em họ xa của Tamerlan có ảnh hưởng gì tới việc anh ta trở nên cực đoan không. Tay Magomed Kartashov này đã sáng lập một nhóm gọi là “Liên minh Công bằng” (UJ) cổ vũ cho việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia khắc nghiệt và chống Mỹ.

Ngày 9-5, các luật sư của Katherine Russell, người vợ góa của nghi phạm số 1, cho biết thân chủ mình tiếp tục làm việc với các nhân viên điều tra. Chị vừa thuê thêm một luật sư nữa là Joshua Dratel, một luật sư hình sự có nhiều kinh nghiệm bào chữa cho các nghi phạm khủng bố. Động thái này xảy ra sau khi những tình tiết gần đây cho thấy nhà chức trách đang làm rõ vai trò của Katherine trong vụ án đánh bom, liệu chị có biết gì về âm mưu của hai anh em chồng.

Thống đốc bang Massachusetts, Deval Patrick nói rằng: “Việc chúng ta phải tập trung bây giờ là hồi phục cho những người đã bị tổn thương và các gia đình đã bị mất ngườ thân, cũng như bảo đảm công lý được thực thi trong vụ án đang được tiếp tục điều tra.”

Bây giờ, vụ đánh bom Boston đã không còn là một điểm nóng thời sự ở Mỹ nữa. Phần còn lại là thuộc các cơ quan tư pháp. Nhà chức trách vừa phải củng cố hồ sơ truy tố nghi can số 2 còn sống, vừa tìm hiểu ngọn nguồn sự việc để có thể… rút kinh nghiệm. Người Mỹ lúc này còn có quá nhiều chuyện để quan tâm. Nổi đình đám nhất là vụ 3 phụ nữ bị gã Ariel Castro, 52 tuổi, bắt cóc làm nô lệ tình dục trong nhà hắn cả 10 năm trời mới được phát hiện tại Cleveland (bang Ohio).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 10-5-2013)

+ CẬP NHẬT: Báo Boston Globe cho biết: xác của Tamerlan Tsarnaev đã được chôn tại nghĩa trang Hồi giáo Al-Barzakh Cemetary tại Doswell (bang Virginia). Nơi đây hiện có 12 ngôi mộ Hồi giáo. Các nghĩa trang đa tôn giáo ở bang Massachusetts đã không đồng ý nhận Tamerlan vì anh ta đánh bom trong cuộc chạy đua marathon ở Boston ngày 15-4-2013.

130505-boston-Ruslan Tsarni-Peter-Stefan

Ông chú Ruslan Tsarni (trái) và ông chủ dịch vụ mai táng Peter A. Stefan, hai người có công lớn nhất trong việc chôn cất Tamerlan – khép lại một cuộc tranh cãi kéo dài gậy chia rẽ cả nước Mỹ. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

130506-boston-protest-burial-01

Cảnh sát Worcester đã tốn 30.000 USD để bảo vệ dịch vụ mai táng khi lưu giữ xác Tamerlan. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

+ Thú thiệt là tôi không rõ về cơ chế luật pháp ở Mỹ nên chẳng biết bây giờ nên gọi hai anh em nhà Tsarnaev là gì. Cho tới hôm nay, hầu như các hãng tin và báo Mỹ vẫn dùng từ “suspect” (nghi phạm) để gọi hai anh em. Một vài tờ có lúc gọi là “suspected bomber” (kẻ đánh bom bị tình nghi), “accused bomber” (kẻ đánh bom bị truy tố). Do chưa có bản án của tòa nên cũng chưa ai dám “mạnh miệng”. Tamerlan đã chết nên kg bị truy tố, vì thế coi như không có tội. Để tối nay nằm vắt chân lên trán, tôi thử tìm một cách gọi như thế nào cho ổn thỏa.