Thứ Hai ngày 14 tháng 10 năm 2024

Vì sao bộ đồ mặc tới 2-3 ngày ở Mỹ?

130523-phphuoc-washingtondc-recycle-1024

Ai mà mang cái ý nghĩ ở Mỹ cái gì cũng sang trọng thì khi qua đây ắt sẽ bị sốc. Tiện nghi và tiện lợi thì đệ nhất thiên hạ, nhưng nó chớ hề đồng nghĩa là sang trọng.

Mỹ làm gì cũng bền chắc, xài lâu nên chuyện xài đồ cũ kỹ là bình thường. Người Mỹ mang tiếng là giàu nhứt thiên hạ, nhưng lại rất tiết kiệm, cái từ lãng phí chớ hề có trong vốn từ vựng của họ. Cái gì cho dù có bị sứt mẻ, cũ kỹ nhưng hễ còn xài được và trong thời hạn an toàn là vẫn được xài.

Nhiều ngôi nhà trông bề ngoài xập xệ, đơn giản, nhưng bên trong thì tiện nghi. Ngay tại thủ đô Washington DC cũng có nhiều ngôi nhà coi rất “oải” vì nhếch nhác. Có lẽ do người Mỹ quan niệm về nhà là cố thủ trong nhà nên bên ngoài họ không care. Trong ảnh này là một ngôi nhà gần khu ngoại giao của thủ đô Washington với cái sân trước có mấy cái thùng rác to đùng, những món đồ tạp nhạp… Các khu dân cư ở DC có phần luộm thuộm do nhà chật, thường không có garage, phải đậu xe cặp bên đường trước nhà. Nhiều ngôi nhà ờ vùng ngoại ô DC nhìn bề ngoài thấy bắt chán, có những ngôi nhà giống như bị nghiêng, bị lún.

Mỹ rất đề cao chuyện bảo vệ môi trường. Tại những khách sạn 4 sao, 5 sao, khăn ăn (napkin) hay giấy vệ sinh có khi màu vàng xỉn do là giấy tái sinh. Tại khách sạn Hampton Inn, tôi cầm chiếc ly giấy lên mà muốn mắc nghẹn khi thấy trên design trang trí có ghi ly làm bằng giấy, giấy làm từ cây, nên ta nợ môi trường một cây mới. Cái vòng giấy dày để khách tròng vào thân ly cầm cho đỡ nóng cũng xám xỉn vì làm từ 100% nguyên liệu tái chế. Trong các khách sạn đều có thông báo khuyến khích khách xài lại khăn tắm, khăn mặt để khỏi phải giặt hàng ngày, gây ô nhiễm môi trường.

Hầu hết siêu thị in các tờ quảng cáo của mình trên giấy mỏng tang và là loại giấy tái chế vàng khè.

Ở Mỹ, bảo vệ môi trường không phải chỉ là những lời hô hào. Nó là một trong những chuẩn mực văn hóa sống của người Mỹ, và thậm chí còn được luật hóa.

Tôi chỉ ráng khiêm nhượng ủng hộ việc bảo vệ môi trường ở Mỹ bằng cách mặc một bộ đồ… 2-3 ngày mới giặt! Thiệt ra ở Mỹ mặc đồ ít dơ lắm à nghen! Mà ít dơ thì sao lại mất công thay đồ khác hén. Có lần tôi đi Mỹ với một anh bạn chỉ mang theo có 2 bộ đồ cộng thêm bộ mặc trên người là 3, cho 3 tuần ở Mỹ. Khi cần mặc đồ mới, cứ việc chạy vô siêu thị mua áo thun đang sale. Người Mỹ không hề quan tâm tới chuyện người ta ăn mặc ra sao – miễn là sạch sẽ và không gây sốc! (Hèn gì ở Mỹ, các loại thuốc khử mùi, nước hoa bán rất chạy.) Chuyện ủi quần áo cũng chẳng phải là điều đáng quan tâm ở Mỹ – trừ khi phải đóng đồ vía đi làm văn phòng hay giới doanh nhân.  Thầy cô tôi qua Mỹ từ năm 1975 cho biết từ đó tới nay ông bà chưa hề đụng tới cái bàn ủi. Sau khi giặt và sấy xong, chỉ cần gấp quần cáo cho phẳng phiu là OK. Thậm chí người Mỹ cũng chẳng nói gì nếu có ai đó đủ can đảm làm Sir Adam – miễn là coi đừng quá tệ tới mức họ phải gọi 911 mà than phiền là bị xốn mắt!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Đông Bắc Hoa Kỳ 23-5-2013)