Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Tình cha con

fatherandkid

* Tạp bút

Từ ngàn xưa tình phụ tử thường có sự phân biệt giữa con trai và con gái. Vấn đề nổi bật là tình yêu giữa cha và con trai. Bởi vì cha và con trai đều có bản chất nam tính (masculin), nên tự nhiên có những xung đột về mặt văn hóa và tâm lý.

Về mặt văn hóa, khi một bé trai được sanh ra, nó mặc nhiên mang một ngôi vị và trách nhiệm. Nó là người chính danh lưu truyền danh dự của dòng họ. Sự liên hệ giữa cha và con dựa trên nền tảng văn hóa đó. Về mặt kinh tế, người cha thường bị đẩy ra xa con cái. Bình thường, cha đi làm đến tối mới về. Trong một số hoàn cảnh, cha chỉ về nhà vào cuối tuần, hoặc cả tháng mới về nhà một lần. Vô hình trung mẹ là người “ở nhà” săn sóc con cái. Cha là người “ở ngoài” lo kiếm ăn. Sự vắng bóng gần gũi cha và sức ép từ kỳ vọng văn hóa, theo tâm lý học, con trai bị thiệt thòi nhiều hơn con gái.

Dân Úc có câu chuyện dân gian như sau. Có ông bố đang làm việc thì đứa con trai của ông đến gần hỏi, “Bố làm một giờ được trả bao nhiêu?” (Như bạn biết, bên Âu châu, người ta tránh hỏi tiền lương của người đàn ông và tránh hỏi tuổi tác người đàn bà.) Câu hỏi của cậu bé khiến người cha đỏ mặt giận dữ vì ông nghĩ rằng mình bị coi rẻ. Tuy nhiên đứa con cứ lặp đi lặp lại câu hỏi với vẻ khẩn khoản. Người cha miễn cưỡng trả lời, “10 đô.” Đứa con tính toán một lát rồi nói, “Bố cho con mượn 4 đô được không?” Cơn giận bùng lên, người cha mắng con, “Đồ ích kỷ, thì ra mày hỏi chỉ để thăm dò đặng mượn tiền mua cái con khỉ gì đó. Cút mau.” Đứa con buồn bã chạy vào phòng đóng cửa lại. Vài phút sau ông bố nguôi giận, ông gõ cửa phòng đứa con và bảo nó, “Đây 4 đô, cầm lấy.”  Đứa con vội lật chiếc gối lên, nó moi ra gói tiền lẻ, rồi nói, “Con cố để dành mãi mà chỉ được có 6 đô. Nay với 4 đô bố cho mượn là đủ 10 đô. Vậy con có thể đưa cho bố để ngày mai bố ở nhà với con một giờ được không?” Câu chuyện nói lên nỗi lòng của đứa con trai mong được gần cha. Tuy biết thế nhưng không phải ông bố nào cũng làm được.

Tác động của bản chất nam tính như thế nào? Tôi xin đưa ra một hình ảnh. Tôi có người hàng xóm, con của anh đi học bị bạn xấu chận đường hành hung. Nó vội chạy về nhà. Bà mẹ rối rít khen con khôn ngoan. Nhưng người cha lớn tiếng mắng, “Tao cho mày học võ, tốn bao nhiêu tiền, rồi bây giờ bị chúng đánh, mày bỏ chạy hả. Đồ ngu.” Nếu có con gái bị đánh, chắc chắn anh bạn này không phản ứng như vậy. Cha đối xử với con gái nâng niu nhẹ nhàng, nhưng khó có thể đối xử như thế với con trai.

Mặc dù không thường xuyên được gần cha, nhưng con trai nếu tinh ý vẫn có thể nhận ra từ cha ý thức về hướng đi của đời sống. Chuyện sau đây xảy ra ở bên Mỹ. Cậu Andrew được nhận vào đại học làm cả nhà vui mừng và hãnh diện. Hai mẹ con bàn tính sẽ xin bố một chiếc xe hơi để con đi lại. Rồi người mẹ nói cho chồng mình biết ước vọng của con. Người cha nghe xong không nói gì cả. Đến ngày con lên đường, ông nói, “Bố chúc con thành công. Bố có món quà đặc biệt cho con.” Nói xong ông đưa cho cậu quyển thánh kinh. Cậu con sững người vì thất vọng. Cậu tức giận cầm cuốn sách mang về phòng ném lên kệ sách rồi xách va ly chạy ra khỏi nhà. Quá tự ái và bất mãn, từ đó cậu chấm dứt liên lạc với cha. Mẹ cậu nhiều lần gọi điện thoại năn nỉ cậu về nhưng cậu đều từ chối. Rồi vào một ngày rất buồn, cậu cũng phải về chỉ để dự tang lễ của cha. Sau tang lễ, cậu lên căn phòng cũ của mình. Mọi thứ trong phòng vẫn còn y nguyên như cũ, kể cả sự bừa bãi của nó. Cha mẹ cậu cố tình giữ căn phòng như tình trạng cậu còn ở nhà để có cảm giác cậu vẫn ở đây. Cậu nhận ra quyển thánh kinh vẫn nằm im trên kệ. Cậu thẫn thờ cầm lấy sách. Có một tờ giấy kẹp trong sách như đánh dấu trang sách đó. Cậu lật trang ấy ra, rồi cầm mảnh giấy đọc. Cậu hết hồn vì đó là tờ biên lai chủ quyền chiếc xe hơi. Cậu còn kinh ngạc hơn khi thấy trang sách có đánh dấu một dòng chữ. Đó là câu thánh thư thánh Gio-an. Câu đó viết rằng: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta như thế, thì ta cũng phải yêu mến nhau như vậy” (1 John 4:1). Andrew úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở vì hối hận.

Những câu chuyện mang tính cách dụ ngôn nhưng biểu lộ rõ điều người ta muốn nói. Tình yêu thâm diệu của cha dành cho con trai đều nằm bên dưới cái bề mặt thô cằn. Con muốn có chiếc xe hơi, cha cho con chiếc xe hơi. Nhưng cha còn muốn con có thêm một tâm hồn đạo đức. Đó là ý hướng về đời sống mà cha muốn dạy con. Cái lối truyền đạt mập mờ này thường tạo nên những cơn dao động. Có những dao động đủ mạnh để tạo nên những huyền thoại mà chúng ta thấy đầy dẫy trong lịch sử nhân loại.

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California Father’s Day 16-6-2013)

+ Nguồn minyh họa: Internet. Thanks.