Thứ Tư ngày 18 tháng 9 năm 2024

Gánh nặng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử Liên Hiệp Quốc

130613-syria-refugees 

Hồi cuối thưọng tuần tháng 6-2013, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi lập quỹ hỗ trợ nhân đạo lớn nhất trong lịch sử tổ chức này – lên tới hơn 5 tỷ USD trong năm 2013. Quỹ này dành cho Syria, nơi cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng nổi dậy chống ông đã bước sang năm thứ ba, ước tính có khoảng 94.000 người đã chết.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước Arập Tây Nam Á này ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tới nay đã có hơn 1,6 triệu người tị nạn Syria chạy khỏi nước mình, với hơn 200.000 người di tản mỗi tháng. Hàng triệu người khác phải sơ tán trong nước. Người dân Syria đang cần khẩn cấp lương thực, y tế, vệ sinh, nơi ở và trường học cho trẻ em. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng vừa cảnh báo về khả năng có thể bùng phát nhiều dịch bệnh có thể ngăn ngừa được.

Báo The Christian Science Monitor cho biết nhu cầu cấp thiết nhất cho Syria lúc này là trợ giúp nhân đạo. Báo này nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để Tổng thống Mỹ Barack Obama giúp đỡ Syria là thúc đẩy tác động ngoại giao để sớm kết thúc cuộc chiến ở đây và gia tăng viện trợ nhân đạo cho người dân nước này, chứ không phải là cung cấp vũ khí.     

Một số nhà bình luận phương Tây cho rằng việc giúp đỡ vũ khí cho phe đối lập ở Syria là không nên và có quá nhiều bất trắc, đặc biệt là nguy cơ làm lây lan ngọn lửa xung đột giáo phái ra cả khu vực.

Không ai nghi ngờ gì việc gửi vũ khí và trợ giúp quân sự từ phương Tây có thể giúp quân nổi dậy ở Syria trong cuộc nội chiến. Người ta tin rằng một khi được Mỹ trợ giúp, phe nổi dậy có thể khắc phục được hai vấn đề cốt tử là không có sự thống nhất và thiếu sự chỉ huy hiệu quả. Trên thực tế, tình hình ở Syria cực kỳ phức tạp, nhất là cộng đồng quốc tế cho tới nay vẫn khá mù mờ về thực chất của các lực lượng đối lập ở đây. Nhiều nhóm chiến đấu trung thành với các thủ lĩnh dân quân địa phương hơn là với Quân đội Syria Tự do (FSA) – lực lượng quân sự chính của phe đối lập.

Nguy hiểm hơn cả là việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria cũng có thể có nghĩa là vũ trang cho phiến quân khủng bố al-Qaeda. Từ lâu nay vẫn có tin nói rằng hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế này đã có mặt trong một số nhóm dân quân ở Syria. Chẳng hạn như tổ chức Hồi giáo Mặt trận al-Nusra đang ngày càng chiếm ưu thế trong lực lượng nổi dậy lại có liên hệ với al-Qaeda.

Ngoài ra, việc phương Tây trợ giúp quân sự cho phe đối lập cũng có nghĩa là gia tăng quốc tế hóa cuộc chiến đẫm máu ở Syria. Lâu nay, lực lượng này đang nhận sự trợ giúp từ hai nước láng giềng Saudi Arabia và Qatar. Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria vẫn nhận sự hỗ trợ từ Iran và phong trào Hezbollah (Lebanon), đặc biệt là với các hợp đồng mua vũ khí từ Nga.

Có một thực tế là sau hơn 2 năm chiến đấu, lực lượng nổi dậy ở Syria vẫn còn là một “đám quân ô hợp”, trong khi quân đội chính phủ vẫn còn mạnh mẽ, cho dù từng xảy ra hàng loạt vụ đào ngũ ở cấp cao.

Một chuyển biến mới đang tạo nhiều hy vọng khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau cuộc gặp nhau ở Moscow vừa qua đã ra thông cáo chung về việc hai nước sẽ triệu tập một hội nghị ở Geneva để tìm giải pháp kết thúc cuộc xung đột ở Syria và bắt đầu thương thảo về một chính quyền chuyển tiếp ở nước này. Chính phủ Syria cho biết sẽ tham dự cuộc họp này. Còn phe nổi dậy ra giá rằng họ chỉ tham dự nếu như được phương Tây cung cấp vũ khí.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-6-2013)

130613-syria-refugees

Cuộc xung đột kéo dài chỉ làm cho hàng triệu người dân Syria khốn khổ phải bỏ nhà cửa chạy loạn. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)