Thứ Hai ngày 11 tháng 11 năm 2024

Tờ báo e-CHÍP số đầu và số cuối

 130628-phphuoc-echip-first-last-03-2000

Trên tay tôi là 2 tờ tạp chí e-CHÍP số đầu tiên (ra ngày thứ Sáu 21-2-2003) và số in cuối cùng 384 (ra ngày thứ Sáu 28-6-2013).

Số 1 dày 48 trang, giá bìa 4.800 đồng.

Số 384 dày 52 trang, giá bìa 7.000 đồng.

Khoảng cách không gian giữa 2 tờ báo trên tay tôi chỉ trong gang tấc. Nhưng khoảng cách thời gian giữa 2 số báo đó lên tới hơn 10 năm.

Kể từ đầu tháng 7-2013 (tức sau số 384 này), hai tờ báo e-CHÍP – Tin học trong tầm tay (in nhiều màu, ra thứ Sáu) và e-CHÍP – Đọc xong vọc liền (in 2 màu, ra thứ Ba) không còn được in trên giấy nữa. Trong 3 ấn phẩm hiện hữu của e-CHÍP, chỉ còn lại tờ e-CHÍP M! (chuyên về các thiết bị di động) sẽ duy trì bản in, ra ngày thứ Tư hàng tuần.

e-CHÍP hoàn toàn không phải là “đình bản”. e-CHÍP chỉ chuyển hình thức xuất bản từ bản in sang bản điện tử với thương hiệu chung e-CHÍP Online (www.echip.com.vn). Cũng xin nói thêm, đây là một bản online, không phải là hình thức e-magazine có layout như một tạp chí bình thường nhưng được xuất bản dưới hình thức điện tử có thể đọc online và offline (như tạp chí Siêu Thị Số và một số tạp chí khác đang thực hiện).

Nhân tiện, để dành cho những ai sau này muốn viết “lịch sử e-CHÍP”, tôi xin cung cấp một số chi tiết cho thấy quá trình hình thành và phát triển e-CHÍP cũng thật là gian truân, ít nhất là về mặt giấy tờ.

– Ngày 24-6-2002, Vụ Báo chí của Bộ Văn hóa – Thông tin cho phép Công ty Phát triển Phần mềm VASC của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VNPT xuất bản “bản tin” công nghệ với tên gọi “Thông tin mạng”.

– Ngày 18-11-2002, Vụ Báo chí cho phép đổi tên bản tin (chưa ra) thành “@ chíp”.

– Ngày 23-12-2002, Vụ Báo chí lại cho phép đổi tên bản tin thành “e-CHÍP”.

– Ngày 21-2-2003, e-CHIP ra số đầu tiên, gọi là “tuần tin công nghệ thông tin – viễn thông – VASC”. Mấy số đầu, tòa soạn ghi chức danh là tổng biên tập, phó tổng biên tập thường trực, thư ký tòa soạn,…. Nhưng ngay sau đó bị Vụ Báo chí “thổi còi” vì “bản tin không có các chức danh đó”. Do anh Nguyễn Anh Tuấn đang là Tổng biên tập báo điện tử VietNamNet nên vẫn giữ nguyên chức danh đó, còn lại phải đổi thành “tổ chức thực hiện”. Ngay cả cái danh xưng “tuần tin” cũng phải “kiên trì thuyết phục” mới giữ lại được (chúng tôi nghĩ: bản tin ra hàng tuần thì có thể rút gọn là “tuần tin” chớ). Do là bản tin của doanh nghiệp nên lúc đó e-CHÍP không thể có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng (phải dùng dấu của Công ty VASC chi nhánh TP.HCM) và cũng không thể đăng ký đặt tòa soạn chính thức tại TP.HCM. Nhưng điều ác nghiệt nhất là theo quy chế, bản tin thì không được đăng quảng cáo. Kiểu này chết sướng hơn! Vì thế, tòa soạn lách bằng cách in lên các mẫu quảng cáo dòng “thông tin sản phẩm, thông tin dịch vụ”.

– Ngày 6-8-2003, Cục Báo chí (lúc này Vụ Báo chí đã được nâng lên thành cục) cho phép bản tin e-CHÍP tăng thêm 1 kỳ thành 2 kỳ trong tuần. Vậy là tờ e-CHÍP Đọc xong vọc liền chào đời. Xin lưu ý là con gà “chíp” hay ăn chóng lớn như Thánh Gióng, chỉ sau chưa tới 6 tháng đã tăng thêm kỳ xuất bản mỗi tuần.

– Ngày 15-10-2004, Cục Báo chí cho phép tờ tin e-CHÍP tăng thêm 1 kỳ nữa thành 3 kỳ/tuần. Đây là lúc tờ e-CHÍP M! ra đời.

– Ngày 28-7-2005 là một sự đổi đời về pháp lý của e-CHÍP khi được Bộ VHTT cấp giấy phép thành “tạp chí e-CHÍP”, chính thức được hoạt động báo chí, với chức danh ban lãnh đạo được ghi rõ trên giấy phép: Nguyễn Anh Tuấn (TBT) và Phạm Hồng Phước (PTBT). Ngày 16-3-2006,  tạp chí e-CHÍP được UBND TP.HCM cấp giấy phép trú đóng và ngày 12-4-2006 được Bộ Công an cấp con dấu riêng. Đàn gà nay đã có cái chuồng và củ khoai!

Cuộc hành trình đi tìm tư cách pháp nhân của e-CHÍP kéo dài hơn 3 năm. Khi trở thành tạp chí, e-CHÍP và báo điện tử VietNamNet cùng trực thuộc Tập đoàn VNPT và do Công ty VASC trực tiếp quản lý.

e-CHÍP với slogan nổi tiếng “Tin học như cơm bình dân” đã tạo ra được một sinh khí mới cho làng công nghệ thông tin Việt Nam. Chớ hề nói khoác đâu, e-CHÍP đã trở thành một “hiện tượng”, thậm chí một “huyền thoại” trong lịch sử CNTT Việt Nam nói chung, và làng báo công nghệ Việt Nam nói riêng. e-CHÍP là một cái tên đã hằn sâu trong tâm khảm nhiều bạn yêu CNTT thế hệ 7X và 8X.

Thời mới ra đời, e-CHÍP được một số fan ái mộ tới mức tòa soạn muốn… chết luôn. Các bạn mở những diễn đàn có tên e-CHÍP, siêng năng scan từng trang của tờ báo để đưa lên web. Anh em tòa soạn về con tim thì hạnh phúc ngất ngây, nhưng về khối óc thì ớn lạnh xương sống trước sự ái mộ kịch liệt như vậy. Bởi nội dung báo được đưa lên mạng rồi sẽ ảnh hưởng tới số lượng phát hành. Sau này, thời tôi chuyển sang làm mấy ấn phẩm của Mediazone cũng vậy. Ban đầu tôi còn ca bài ca “con cá nó sống nhờ nước” để năn nỉ các bạn ái mộ hoãn “cái sự sung sướng” đó lại một tuần sau khi ấn phẩm phát hành hãy tung lên mạng. Rồi thì các bạn chỉ giữ được sau vài ngày ấn phẩm phát hành. Cuối cùng, buổi sáng ấn phẩm ra sạp, buổi chiều đã thấy các bản scan đầy trên Internet. Chết chắc!

Có bạn thắc mắc, e-CHÍP có chết không? Với tư cách một trong những “cha đẻ” e-CHÍP và luôn dõi theo cuộc đời của “giai cưng”, tôi có thể nói rằng e-CHÍP không bao giờ chết trong lòng nhiều bạn yêu CNTT thế hệ 7X và 8X. Còn bây giờ, chừng nào e-CHÍP vẫn giữ được cái chất e-CHÍP, không để bị lẫn trong làng báo, e-CHÍP vẫn tiếp tục tồn tại được.

Việc e-CHÍP ngừng xuất bản dưới hình thức bản in giấy để chuyển sang online là hợp với quy luật phát triển và xu thế thời đại – nhất là một tờ báo công nghệ trong kỷ nguyên công nghệ. Có một số bạn nuối tiếc, chỉ dám nói là “tạm biệt” bản in. Tôi thì cho rằng dù có đau lòng cũng phải hiểu rằng đó là một sự “vĩnh biệt” với hình thức in trên giấy. Phải xác định như vậy mới có thể an tâm và dồn hết tâm lực cho việc phát triển bản online.

Từ hôm nay, các bạn đọc e-CHÍP sẽ không còn phải chờ tới sáng thứ Ba hay thứ Sáu mới được gặp lại e-CHÍP. Bất cứ lúc nào và ở đâu, họ cũng có thể có e-CHÍP bên mình.

Tôi kết thúc ở đây bằng câu chào in lớn trên bìa tờ tạp chí e-CHÍP bản in cuối cùng: “Hẹn gặp nhau ở e-CHÍP Online!”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-6-2013)