Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

“Kẻ bị truy nã gắt gao nhất hành tinh Trái đất” đã được vào nước Nga

130731-Edward Snowden-00

 

Chẳng biết có đi lộn giày của ông trùm WikiLeaks, Julian Assange, không mà Edward Snowden, 30 tuổi, cựu nhân viên Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã từ vô danh tiểu tốt qua một đêm nhảy vọt lên thành nhân vật nổi tiếng khắp thế giới với “chiến tích” rò rỉ thông tin tuyệt mật và nhạy cảm gây tổn hại cho chính quyền Mỹ. Anh ta được gọi bằng những cái biệt danh như “kẻ thổi còi NSA” (NSA whistleblower), “tin tặc” (hacker), “kẻ phản bội”, “kẻ thù của nước Mỹ”, “kẻ đào tẩu”,… nhưng quy lại là “kẻ bị truy nã gắt gao nhất trên hành tinh Trái đất” này.

Tội danh tày đình của Snowden là làm mất mặt Mỹ và gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ thân hữu bấy lâu nay giữa Mỹ và nhiều nước đồng minh. Từ các tiết lộ của anh, hai tờ báo lớn The Guardian (Anh) và The Washington Post (Mỹ) đã đăng điều tra về 2 chương trình giám sát của cơ quan an ninh và tình báo Mỹ ở Mỹ và một số nước. Trong một chương trình nghe lén điện thoại, NSA đã thu thập hàng trăm triệu cuộc gọi điện thoại mỗi ngày ở Mỹ để hình thành một cơ sở dữ liệu về những kẻ tình nghi khủng bố có những mối liên hệ với những người đang ở Mỹ. Chương trình lùng sục Internet có mật danh PRISM cho phép NSA và FBI xâm nhập thẳng vào 9 công ty Internet Mỹ để thu thập tất cả những dữ liệu của người dùng Internet, như audio, video, hình ảnh, e-mail và cả những gì người ta search trên  mạng. Mục đích là để dò tìm những hành vi tình nghi bắt đầu ở hải ngoại.

Chưa tốt nghiệp phổ thông, Snowden gia nhập quân đội. Sau khi giải ngũ vì bị thương, anh làm nhân viên bảo vệ an ninh cho cơ quan NSA. Sau đó, anh chuyển sang Cục Tình báo Trung ương CIA làm nhân viên công nghệ thông tin. Năm 2007, Snowden được phái sang làm việc ở Geneva (Thụy Sĩ) – nơi anh đã truy cập được các tài liệu tuyệt mật của các cơ quan an ninh Mỹ. Năm 2009, Snowden rời khỏi CIA và tham gia một nhà thầu tư nhân làm việc cho NSA trong suốt 4 năm nay. Nơi làm việc cuối cùng của anh là văn phòng NSA ở Hawaii. Tại đây, anh đã copy các tài liệu mật cuối cùng với kế hoạch sẽ công bố chúng cho dư luận biết. Sau khi xin phép các sếp được nghỉ vài tuần với lý do chữa trị bệnh động kinh, Snowden đã bay sang Hong Kong ngày 20-5-2013 và bắt đầu cuộc đời tha hương biệt xứ, để lại quê nhà gia đình và cô người yêu Lindsay Mills là một nghệ sĩ biểu diễn múa cột (pole-dancer) 28 tuổi mà anh dự định kết hôn. Anh nói với báo The Guardian về việc tiết lộ các tài liệu tuyệt mật chống lại chính quyền Mỹ này: “Tôi cảm thấy hài lòng và không có gì phải hối hận.”

Ngày 14-6, các công tố viên liên bang Mỹ đã khởi tố Snowden với tội gián điệp và ăn cắp tài sản chính phủ. Với các tội danh này, Snowden đối mặt với hàng chục năm tù ở Mỹ.

Washington đã quyết chí bắt bằng được Snowden càng sớm càng tốt, vì anh ta như một quả bom hạt nhân nổ chậm với các tài liệu tuyệt mật thu thập được. Mỹ đã gây sức ép để các nước trục xuất và dẫn độ Snowden về Mỹ, cũng như không chấp nhận đơn xin tị nạn chính trị của anh.

Ngày 23-6, Snowden đã bất ngờ bay sang Moscow (Nga) khi chính quyền Đặc khu kinh tế Hong Kong thuộc Trung Quốc có vẻ chịu không xiết với áp lực của Mỹ đòi dẫn độ anh ta. Hong Kong không muốn mất lòng ai nên khôn khéo vận động Snowden rời khỏi lãnh thổ này và tạo “mọi điều kiện thuận lợi” cho anh bay đi đâu thì đi, giả bộ như không nghe biết chuyện Mỹ yêu cầu Hong Kong giữ chân Snowden lại.

Ngày 24-6, “kẻ đồng cảnh ngộ” Julian Assange cho báo chí biết rằng WikiLeaks đã trả mọi chi phí ăn ở cho Snowden ở Hong Kong và vé máy bay cho anh bay tới nước khác. Theo ông chủ WikiLeaks, Snowden sẽ quá cảnh Nga để đi tới Ecuador hay một nước nào đó.

130731-Edward Snowden-04

Trước tình hình đó, Mỹ đã ra chiêu triệt buộc bằng cách hủy bỏ passport của Snowden. Vậy là, anh ta bị kẹt lại ngay trong khu nhập cảnh tại sân bay Sheremetyevo, không thể vào nước Nga do không có passport. Anh lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, vì không có passport nên cũng chẳng thể đi tới một nước nào khác. Snowden đành sống vất vưởng ở sân bay, giống như tình cảnh của nhân vật Viktor Navorski (do Tom Hanks thủ vai) đã kẹt tới 9 tháng tại khu nhập cảnh của sân bay quốc tế John F. Kennedy (New York) do đất nước Krakozhia của anh nổ ra nội chiến và không còn được Mỹ công nhận là một quốc gia có chủ quyền, khiến passport của anh bị vô giá trị vào đúng lúc vừa xuống máy bay.

Suốt từ đó, Snowden bắt đầu chuỗi ngày tìm chốn dung thân. Anh muốn ở Nga, nhưng nước này từ chối. Ngày 1-7, WikiLeaks cho biết Snowden đã xin tị nạn chính trị ở 20 nước. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trực tiếp gây áp lực để chính phủ các nước đó từ chối yêu cầu của Snowden. Sau đó, Snowden xin tị nạn lần thứ hai với số nước rút lại chỉ còn 6. Với lý do theo nguyên tắc đơn xin tị nạn phải được làm ngay tại quốc gia của đương đơn, các nước Phần Lan, Đức, Ấn Độ, Ba Lan, Na Uy, Áo, Ý và Hà Lan thông báo là họ sẽ không xem xét đơn của Snowden. Ecuador ban đầu đồng ý cấp cho Snowden một giấy thông hành tạm thời để đi lại nhưng ngày 1-7 đã rút lại quyết định mà Tổng thống Rafael Correa nói là “sai lầm”.

Nhà Trắng đã ra sức thuyết phục (với Nga thì không dám gây áp lực đâu nhé) Điện Kremlin không chấp nhận Snowden và dẫn độ anh ta về Mỹ. Ngày 25-6 (tức 2 ngày sau khi Snowden tới sân bay Moscow) và ngày 15-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc Snowden tới Moscow là “một sự ngạc nhiên” và “giống như một món quà Noel từ trên trời rơi xuống”. Ông nhấn mạnh Snowden chưa hề phạm tội trên lãnh thổ Nga và anh ta có quyền tự do để rời đi và nên làm như vậy. Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định các cơ quan tình báo Nga chưa bao giờ hay đang mần việc với Snowden. Ngày 1-7, Tổng thống Putin đã mở đường máu cho Snowden khi nói rằng: nếu muốn tị nạn ở Nga, anh ta phải “ngưng làm những việc gây tổn hại cho đối tác Mỹ của chúng tôi”.

Có thể nói rằng từ ông chủ Nhà Trắng cho tới các bầu đoàn thê tử chính phủ Mỹ đều tích cực thuyết phục Nga giúp họ bịt cái miệng tà la của Snowden. Ngày 26-7, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã gửi thư cho người đồng cấp Nga cam kết rằng sau khi bị dẫn độ về Mỹ, Snowden sẽ không bị tra tấn và không bị lãnh án tử hình.

Thiên hạ tin rằng trong cuộc họp thượng đỉnh nhóm nước G20 tại thành phố St Petersburg (Nga) vào tháng 9-2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thuyết phục Tổng thống Nga Putin về vụ Snowden.

Vậy mà đùng một cái rầm, ngày 31-7-2013, nhà chức trách Nga đã cấp cho Snowden một thị thực nhập cảnh có thể vào sống ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Nga trong vòng 1 năm (tới ngày 31-7-2014). Ngày 1-8, Snowden đã trốn khỏi cánh báo chí đang săn lùng bên ngoài sân bay, leo lên taxi rời sân bay để chính thức vào nước Nga. Luật sư người Nga Anatoly Kucherena của Snowden cho biết thân chủ mình đã tìm được chốn dung thân tại một ngôi nhà tư nhân dành cho những người Mỹ phải biệt xứ.

130731-Edward Snowden-03b

130731-Edward Snowden-01

Kucherena nói với hãng tin Anh Reuters: “Anh ấy là kẻ bị tầm nã gay gắt nhất hành tinh Trái đất.” (He is the most wanted man on planet Earth.) Luật sư này hiện đang làm việc trong 2 cơ quan tư vấn chính phủ rất có uy tín ở Nga. Ông đánh giá: “Snowden là một chuyên gia, một chuyên gia đẳng cấp rất cao. Tôi đã nhận được thư từ nhiều công ty và công dân Nga muốn nhận anh ấy làm việc.” Một mạng xã hội hàng đầu của Nga cũng đã mời Snowden làm việc cho mình.

Theo điều 14 của luật về quy chế tị nạn tạm thời. Snowden có quyền nhận được sự giúp đỡ của nhà chức trách Nga để đi khỏi lãnh thổ nước này. Hiện nay, ba nước Nam Mỹ vốn có truyền thống “cơm không lành, canh không ngọt với Mỹ” là Venezuela, Nicaragua và Bolivia đã chấp nhận cho Snowden tị nạn chính trị. Luật sư Kucherena cho biết hiện nay Snowden chưa có quyết định ra sao. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ của anh là tìm việc làm để có tiền sinh sống trong thời gian ở Nga.

Vụ Snowden đã gây nhiều căng thẳng và rắc rối ngoại giao giữa Mỹ và những nước khác, cũng như giữa những nước chẳng liên quan gì. Ngày 1-7, Tổng thống Evo Morales của Bolivia trong khi đang ở Nga dự hội nghị các nước xuất khẩu khí đốt đã trả lời phỏng vấn của báo Today (Nga) rằng nước mình sẽ cho Snowden tị nạn. Ngày hôm sau, chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Bolivia từ Nga về nước đã bị các nước Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý cấm bay ngang không phận nước mình với lý do có mật tin nói trên máy bay có chở theo Snowden. Báo hại máy bay phải chuyển hướng bay sang Áo. Khi đáp quá cảnh xuống sân bay Vienna, có tin nói rằng máy bay đã bị nhà chức trách Áo lên lục soát. Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia đã ngăn cản hành động này, nói rằng Tổng thống Morales không cho phép ai lên chuyên cơ của ông. Cũng phải thôi, chuyên cơ của tổng thống là lãnh thổ của một nước, đâu phải ai muốn làm gì thì làm. Vụ việc này bị Bolivia, Ecuador và những nước Nam Mỹ khác phản đối. Ngoại trưởng Tây Ban Nha José García-Margallo bèn thanh minh thanh nga rằng họ nhận được tin báo Snowden có trên chuyên cơ của Tổng thống Bolivia. Nhưng ông từ chối tiết lộ nguồn tin. Báo chí Áo chỉ đích danh cái tin đồn đó là do đại sứ Mỹ ở Áo tung ra!

130731-Edward Snowden-02

 

Nước Mỹ thất vọng trước quyết định của Nga.

Trong vụ Snowden, Mỹ đụng với 2 “đối thủ chính” của mình trên trường quốc tế là Nga và Trung Quốc. Có tin nói rằng trong thời gian ở Hong Kong, Snowden đã bị nhân viên tình báo Trung Quốc giữ để moi tin về các hoạt động của CIA và NSA, có lẽ muốn tìm những điệp viên Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc. Nhưng nặng nề nhất là với Nga. Lâu nay Nga và Trung Quốc đứng thành một phe ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad của Syria đấu với Mỹ và các nước đồng minh vốn ủng hộ phe nổi dậy Syria. Cả nước Mỹ đã thất vọng não nề sau khi Nga cấp visa cho Snowden. Uy tín của Tổng thống Obama lẽ tất nhiên là bị sứt mẻ. Có những hồ nghi rằng nhà lãnh đạo Mỹ có thể tẩy chay cuộc gặp G20 sắp tới ở Nga, cũng như giới thể thao Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra tại thành phố Sochi (Nga) vào tháng 2-2014. Hy vọng người Mỹ sẽ việc gì ra việc đó!

130617-obama-putin-northernireland

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp thượng đỉnh G8 Summit ở Enniskillen (Northern Ireland) ngày 17-6-2013 (chỉ 6 ngày trước khi Snowden tới Moscow).

Điều mà tôi lăn tăn là vụ scandal Snowden lại là một chứng cứ nhãn tiền nữa cho thấy có nhiều bất cập trong việc quản lý các tài liệu mật của nhà cầm quyền Mỹ. Ngày 30-7, trong lúc đang ì xèo vụ Snowden đầy bế tắc, tòa án quân sự Mỹ ở căn cứ Fort Meade (bang Maryland) đã kết tội binh nhất Bradley Manning phạm tội làm gián điệp và một loạt tội danh khác với mức án tối đa có thể lên tới 136 năm tù. Anh chàng này là kẻ đã gây ra một scandal rò rỉ chấn động địa cầu sau khi cung cấp khoảng 700.000 tài liệu quân sự – ngoại giao mật của Mỹ cho WikiLeaks. Nghĩ mà mắc cười cái khì, chỉ mới là binh nhất mà Manning đã gây hại tới như vậy đó!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-8-2013)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Cô người yêu Lindsay Mills là một nghệ sĩ biểu diễn múa cột (pole-dancer) 28 tuổi của Edward Snowden.

Edward-Snowden-girlfriend-Lindsay-Mills

Edward-Snowden-girlfriend-Lindsay-Mills-02

Edward-Snowden-girlfriend-Lindsay-Mills-03

Edward-Snowden-girlfriend-Lindsay-Mills-04

Edward-Snowden-girlfriend-Lindsay-Mills-05

Edward-Snowden-girlfriend-Lindsay-Mills-06

Edward-Snowden-girlfriend-Lindsay-Mills-07