Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Vụ lừa đảo nhập khẩu mật ong giả lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ

honey

 

Câu chuyện bắt đầu từ khi một đôi nam nữ người Đức tên Magnus von Buddenbrock và Stefanie Giesselbach tới thành phố Chicago (bang Illinois, Mỹ) hồi năm 2006 với ăm ắp hy vọng vào tương lai. Lúc đó, anh chàng Buddenbrock mới 30 tuổi và cô nàng Giesselbach 28 tuổi. Đây là lần đầu tiên họ làm nhiệm vụ ở nước ngoài cho ALW Food Group, một công ty kinh doanh thực phẩm do gia đình làm chủ đóng tại thành phố Hamburg.

4 năm trước, sau khi kiếm được bằng cấp về tiếp thị và kinh doanh quốc tế, Buddenbrock đầu quân vào ALW, rồi trở thành một chuyên gia mua bán gum arabic, một thành phần chủ chốt trong kẹo và nước giải khát. Còn Giesselbach bắt đầu sự nghiệp tại ALW từ năm 19 tuổi, khởi sự là một thực tập sinh. Nhờ làm việc siêng năng, học hỏi nhanh, nói được 5 ngôn ngữ, chỉ trong vòng 3 năm, cô đã trở thành nữ quản lý sản phẩm đầu tiên của công ty. Cô chuyên trị món hàng mật ong.

Vào thời điểm đôi nam nữ này bắt đầu công việc mới của mình trong văn phòng nhỏ trên tầng 4 một tòa nhà chỉ cách Công viên Millennium ở trung tâm Chicago vài khối nhà, ALW đang ăn nên làm ra.

Tác giả Susan Berfield tường thuật trên Bloomberg BusinessWeek (23-9) rằng: Vào cái ngày định mạng 24-3-2008, Buddenbrock tới văn phòng vào khoảng 8g30 sáng như thường lệ. Anh ta mong đây là một ngày yên ả, khi hôm đó là ngày nghỉ lễ ở Đức và các sếp của mình đã đi nghỉ. Giesselbach đang về Đức thăm gia đình và bạn trai mình. Vào khoảng 10g, Buddenbrock nghe có tiếng ồn ào ở khu vực tiếp tân nên bước ra để coi có chuyện gì. Một quang cảnh thật đáng sợ, một nhóm khoảng 5-6 nhân viên đặc vụ Liên bang Mỹ mặc áo giáp cầm súng bất ngờ tập kích văn phòng của ALW. Các nhân viên công lực Mỹ hỏi còn ai đang ẩn trốn không. Sau đó, họ tách riêng Buddenbrock và trợ lý của anh ta ra. Đây là 2 người duy nhất có mặt văn phòng lúc ấy. Họ đưa Buddenbrock vào một phòng họp và thẩm vấn anh ta về hoạt động kinh doanh mật ong của ALW. Vài giờ sau, các nhân viên công lực Mỹ rút đi, mang theo các bó hồ sơ bằng giấy, các bản copy ổ đĩa cứng máy tính và những mẫu mật ong.

Ba ngày sau, Giesselbach từ Đức trở sang Mỹ. Khi máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay quốc tế O’Hare ở Chicago, đội bay thông báo mọi hành khách phải trình passport ngay tại cổng máy bay. Khi Giesselbach vừa ra khỏi máy bay, các nhân viên an ninh liên bang lập tức tách cô ra một bên. Cô phải trả lời những câu hỏi về các chuyến nhập hàng của ALW ở Mỹ. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ thẩm vấn, nhân viên an ninh cho phép Giesselbach rời sân bay.

Vậy là các điệp viên của Bộ Thương mại và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã phối hợp nhau phá vỡ một âm mưu của ALW xuất sang Mỹ hàng triệu cân Anh mật ong rẻ tiền của Trung Quốc bằng cách giả mạo xuất xứ của nó.

Hành trình của các chuyến hàng mật ong giả của ALW thật tinh vi. Các văn phòng của ALW ở Trung Quốc đã sử dụng những tay môi giới độc lập để thu mua mật ong của nước này rồi vận chuyển sang Ấn Độ, Malaysia, Indonesia. Hàn Quốc, Nga, Mông Cổ, Thái Lan, Đài Loan, Philippines, … để dán nhãn xuất xứ khác và loại bỏ mọi dấu vết về nguồn gốc mật ong. Sau đó, bằng những giấy tờ giả, các chuyến hàng mật ong này đã qua mặt được hải quan Mỹ. Nếu như khách hàng ở Mỹ không chịu nhận số mật ong này, ALW sẽ tìm người mua khác.

fake-honey-trap

Người Mỹ vốn tiêu dùng mật ong nhiều nhất thế giới, mỗi năm cần gần 400 triệu cân Anh. Khoảng một nửa số này được các công ty thực phẩm dùng để sản xuất thực phẩm ngũ cốc, bánh mì, bánh kẹo, cũng như trong các thực phẩm chế biến khác. Khoảng 60% số mật ong này được nhập khẩu từ  Argentina, Brazil, Canada, và các đối tác thương mại khác. Hầu như không có một loại mật ong nào được nhập từ Trung Quốc. Sau khi những người nuôi ong ở Mỹ tố cáo các công ty Trung Quốc bán mật ong với giá rẻ đáng ngờ, chính phủ Mỹ hồi năm 2001 đã áp thuế nhập khẩu mới đẩy giá mật ong Trung Quốc lên gấp 3 lần, cao hơn mức thuế đánh vào bất cứ loại mật ong nhập khẩu từ các nước khác.

Tháng 9-2010, đôi nam nữ người Đức đã chính thức bị truy tố về tội giúp ALW thực hiện một âm mưu lừa đảo thực phẩm lớn nhất trong lịch sử Mỹ, trị giá tới 800 triệu USD. 8 nhà quản lý của ALW, trong đó có cả Tổng giám đốc Alexander Wolff và 1 nhà môi giới mật ong Trung Quốc cũng đã bị truy tố. Tuy nhiên, hầu hết số bị can này lại sống ở Đức, ngoài tầm tay của hệ thống pháp luật Mỹ. Họ đã bị đưa vào danh sách những kẻ đang bị cảnh sát quốc tế Interpol truy nã.

Vào mùa xuân 2006, Giesselbach bắt đầu nhận được các e-mail cập nhật về vô số chuyến tàu mật ong đi qua các cảng trên khắp thế giới. Nhân viên Hải quan Mỹ cũng bắt đầu đặt nghi vấn về 6 container mật ong đang được ALW vận chuyển cho khách của mình. Tuy gốc là mật ong Trung Quốc, nhưng chúng đã bị thay nhãn xuất xứ thành mật ong trắng Hàn Quốc.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Washington DC 25-9-2013)