Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Mỹ chuyển hướng tìm MH370 sang Ấn Độ Dương

flight-mh370-search

 

Chương trình Good Morning America của hãng tin truyền hình Mỹ ABC News sáng nay (14-3-2014) cho biết: hai quan chức Mỹ vừa nói với hãng tin này rằng Mỹ tin là việc hai hệ thống thông tin liên lạc trên chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị ngừng hoạt động đã xảy ra riêng rẽ. Có một nguồn nói điều này cho thấy chiếc máy bay Boeing B777-200ER chở 239 người đó đã không ra khỏi bầu trời vì một sự hỏng hóc thảm khốc nào đó.

Theo Mỹ, hệ thống báo cáo dữ liệu (data reporting system) đã bị tắt (shut down) lúc 1g07ph sáng. Hệ thống nhận và phát tín hiệu (transponder) có nhiệm vụ truyền tín hiệu vị trí và độ cao đã bị tắt sau đó vào lúc 1g21ph sáng. John Nance, chuyên gia tư vấn hàng không của ABC News, nói rằng có nhiều khả năng đây là “một hành động có chủ ý” (a deliberate act). Các nhà điều tra Mỹ nói với hãng tin ABC News rằng 2 chế độ liên lạc này đã “bị ngắt một cách có hệ thống” (systematically shut down). Điều này có nghĩa có một “sự can thiệp của con người” (manual intervention).

Mỹ vẫn bảo vệ ý kiến cho là máy bay đã bay tiếp một thời gian dài trong tình trạng ngắt các hệ thống thông tin liên lạc sau khi biến mất khỏi màn hình các radar kiểm soát không lưu.

Báo Wall Street Journal (13-3-2014) cho biết, theo lời của các nhà điều tra và các quan chức an ninh quốc gia Mỹ, chiếc máy bay MH370 bị mất tích của Malaysia Airlines có thể đã bay trên trời thêm 4 tới 5 giờ nữa sau khi biến mất khỏi màn hình radar. Đây là kết quả phân tích ban đầu dựa trên thông tin mà động cơ máy bay tự động gửi về cho nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce trước khi biến mất. Theo quy trình đã được lập trình sẵn, trong suốt mỗi chuyến bay, động cơ sẽ tự động gửi các thông tin về tình trạng của mình 4 lần để phục vụ cho chương trình giám sát và duy tu bảo dưỡng của hãng. Chiếc Boeing B777-200ER này được trang bị 2 động cơ Rolls-Royce Trent 800. Với vận tốc và thời gian bay như vậy, về lý thuyết, chiếc MH370 có thể bay thêm hơm 2.000 hải lý (3.700km), nghĩa là có thể bay tới biên giới Pakistan hay thậm chí tới Biển Arập. Bí ẩn nằm ở chỗ, về kỹ thuật, nếu tắt hết các tín hiệu liên lạc, máy bay không còn xuất hiện trên các màn hình radar dân dụng, nhưng nó không thể lọt lưới các hệ thống radar quân sự tinh vi hơn nhiều, đặc biệt là làm sao thoát nổi dưới vô số các con mắt cú vọ từ vô số vệ tinh dọ thám trên quỹ đạo.

Hãng tin ABC News (14-3-2014) cho biết sau đó các quan chức Mỹ nói rằng chiếc MH370 đã bay thêm một thời gian sau khi mất liên lạc, nhưng họ không xác định là bay thêm bao lâu. Các nhà điều tra Mỹ đã dựa vào tín hiệu “ping” của hệ thống Quản lý Tình trạng Máy bay (Airplane Health Management) được gắn trên mỗi chiếc Boeing 777. Cứ mỗi giờ, hệ thống này sẽ phát tín hiệu “ping” lên một vệ tinh để kiểm tra tình trạng kết nối giữa hai bên đồng thời cho biết máy bay vẫn “còn sống”. Căn cứ vào số lượng lần “ping” này mà tính ra thời gian máy bay còn hoạt động.

Vì lẽ đó, Mỹ cho rằng chiếc MH370 có thể đã bay ra tới Ấn Độ Dương và rơi ở đó. Họ đã cho khu trục hạm USS Kidd ra vùng biển này để bắt đầu tìm kiếm. Trên tàu này có những chiếc trực thăng nên có thể mở rộng khu vực tìm kiếm. Một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc Mỹ đã xác nhận với hãng tin ABC News như vậy. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói: “Đó là sự hiểu biết của tôi dựa trên một số thông tin mới không nhất thiết phải xác định, nhưng có thông tin mới, thêm một khu vực tìm kiếm có thể được mở ra ở Ấn Độ Dương, và chúng tôi đang tham khảo với các đối tác quốc tế về những phương tiện thích hợp để triển khai.”

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khu trục hạm USS Kidd đang di chuyển về phần phía tây của Eo biển Malacca theo yêu cầu của phía Malaysia và hướng về khu vực Biển Andaman và Ấn Độ Dương gặp nhau. Mỹ đã có hành động này sau khi Malaysia cho biết họ đã mở rộng cuộc tìm kiếm vào Biển Andaman và đề nghị Ấn Độ giúp tìm kiếm.

Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng GTVT Malaysia, Hishammuddin Hussein nói rằng: cuộc tìm kiếm “luôn tập trung chính ở Biển Đông” nằm ở phía Đông Malaysia và dọc theo lộ trình của máy bay từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh. Phạm vi tìm kiếm đã được mở rộng sang phía Tây và các vùng khác của Malaysia. Ông cho biết Malaysia đang làm việc “rất chặt chẽ” (very closely) với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ (NTSB). Ông nói rằng chiếc máy bay có khả năng vẫn tiếp tục bay sau khi biến mất khỏi radar.

Bộ trưởng Hishamuddin cho biết: Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia chiều 13-4-2014 thông báo ba hình ảnh được đưa lên một website của cơ quan nhà nước Trung Quốc ngày 12-3 là do nhầm lẫn, đó không phải là những mảnh vỡ của chuyến bay MH370. Phía Malaysia đã phái tàu và máy bay ra kiểm tra tại tọa độ đó nhưng không thấy gì. (Mà nếu có thì cũng còn gì đâu mà thấy, vệ tinh chụp ảnh từ sáng 8-3 tới ngày 12-3 mới công bố và ngày 13-3 mới kiểm tra!)

Bộ trưởng Malaysia cũng bác bỏ thông tin hãng máy bay Mỹ nhận được tín hiệu của hai động cơ cho biết máy bay đã bay thêm tới 5 giờ nữa. Ông không nói gì về khả năng máy bay có thể bay thêm, nhưng nói rằng hãng Rolls Royce đã không nhận được bất cứ tín hiệu nào từ động cơ sau khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar.

Nếu thật sự máy bay MH370 đã rơi xuống biển, khả năng sống sót của các nạn nhân may mắn thoát khỏi thân máy bay cũng đang ngày một thêm mờ dần với thời gian. Mọi sự nếu có chỉ còn có thể trông chờ vào phép nhiệm mầu.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-3-3014)

 TOPSHOTS-INDIA-MALAYSIA-VIETNAM-CHINA-MALAYSIAAIRLINES-TRANSPORT

Cả thế giới đang cầu nguyện cho các nạn nhân chuyến bay MH370. Nghệ nhân cát Ấn Độ Sudersan Pattnaik đang đắp cụm tượng cát trên bãi biển Puri (Ấn Độ) với dòng chữ “Cầu nguyện cho các phép lạ xảy ra”.

 mh370-sea-hawk-mh60r-us

Trực thăng Sea Hawk MH-60R của Hải quân Mỹ tham gia tìm kiếm chiếc MH370. (Ảnh: Time)