Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

CHUYẾN BAY MH370 MẤT TÍCH BÍ ẨN: Thôi thì cũng đành thôi bởi nó kỳ khôi

140308-mh370

 

Xin lỗi nhạc sĩ Lam Phương cho tôi được láp nháp lảm nhảm bài hát “Ngày buồn” của ông mà rằng:

“Còn gì nữa đâu ….mà khóc với sầu
Còn gì nữa đâu …mà buồn với nhớ
Thôi hết rồi… thôi hết rồi …thôi hết rồi
Ta xa nhau rồi …còn gì đâu nữa mà mong.

…. Xa nhau muôn đời buồn này giẫm nát hồn tôi.”

 

Tôi đã phải lảm nhảm như kẻ mắc hàng bố rì rầm tự nói một mình như vậy sau khi nghe cái hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) thông báo, cho dù đây là chuyện mình đã biết sớm muộn gì cũng phải tới và chẳng thể đem lòng trách móc hãng hàng không.

Ngày 1-5-2014, MAS đã chính thức lên tiếng khuyên các thân nhân của các nạn nhân lâu nay chờ đợi tại các khách sạn ở Kuala Lumpur, dĩ nhiên là do MAS trả tiền và chủ yếu là dân từ Trung Quốc qua, hãy trở về nhà của mình và chờ các thông tin cập nhật về công cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 với 239 người trên khoang bị mất tích bí ẩn từ sáng sớm 8-3-2014. Chỉ một tuần nữa là tròn 2 tháng rồi đó. Hãng MAS nói rằng: “Thay vì ở tại các khách sạn, các gia đình của MH370 được khuyên nhận sự cập nhật thông tin về tiến trình tìm kiếm và điều tra và những sự hỗ trợ khác của MAS trong sự thoải mái của nhà họ, với sự hỗ trợ và chăm sóc của gia đình và bạn bè.”

Trong tuyên bố ngày 1-5, hãng MAS nói rằng: “Chúng tôi phải đối mặt với thực tế khó khăn rằng vẫn còn không có dấu vết của chiếc máy bay, và số phận của các hành khách và đội bay đang mất tích vẫn còn chưa biết được cho tới hôm nay.” Cuộc tìm kiếm có thể tiếp tục trong nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm nữa.

Điều đáng chú ý là hãng MAS cho biết họ sẽ bắt đầu trả tiền bồi thường trước cho thân nhân những người có mặt trên chuyến bay đó.

140501-malaysia-mh370-report

Báo cáo sơ bộ về vụ MH370 của Chính phủ Malaysia.

Cũng trong ngày 1-5, quyền Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hishammuddin Hussein đã công bố bản báo cáo chính thức đầu tiên của Chính phủ Malaysia về tai nạn chuyến bay MH370. Đây là báo cáo sơ bộ (preliminary report) và được đóng dấu mật do chánh tranh tra các tai nạn hàng không của bộ thực hiện. Báo cáo chỉ dài có 23 đoạn cũng được gửi cho Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên Hiệp Quốc.

Nội dung báo cáo cho biết: chuyến bay MH370 đã biến mất khỏi màn hình radar tại Kuala Lumpur lúc 1g21ph sáng 8-3 (theo giờ Malaysia) khi lẽ ra phải vào sóng của đài kiểm soát không lưu (ATC) tại TP.HCM. Không có dấu hiệu gì của nó. Lúc đó là 17 phút trước khi sự việc bất thường này được ghi nhận và hơn 4 tiếng đồng hố trước khi hoạt động cứu hộ chính thức được Trung tâm Điều phối Cứu hộ Kuala Lumpur (KLRCC) tiến hành lúc 5g30ph sáng. Đài ATC TP.HCM đã đưa ra thắc mắc với ATC Kuala Lumpur lúc 1g38ph về “MH370 đang ở đâu”. Điều này đã làm hai bên nỗ lực tìm cách liên lạc với chuyến bay. Do không có bất cứ đài ATC nào liên lạc được với MH370, Trung tâm RCC đã được kích hoạt lúc 5g30ph sáng. Báo cáo không nói gì về khoảng thời gian dài 4 tiếng đồng hồ giữa lúc phát hiện MH370 mất tích và lúc chính thức phát lệnh cứu hộ.

Cuộc tìm cứu với quy mô lớn có sự tham gia của 20 nước và vùng lãnh thổ, hàng trăm tàu và máy bay nhưng cho tới nay vẫn không tìm được một mảnh vỡ nào từ chiếc máy bay Boeing 777-200ER được cho là đã đâm xuống Ấn Độ Dương.

Báo cáo sơ bộ của chính phủ Malaysia về MH370 cũng xác nhận rằng trên chuyến bay này có chở tới 440 cân Anh chất nguy hiểm là một kiện hàng lớn chứa pin lithium-ion. Trên chiếc thùng màu đỏ này có in lời cảnh báo: “Kiện hàng này phải được xử lý cản thận và có nguy cơ gây cháy nếu như bao bì bị hư hại. Những thủ tục đặc biệt phải được tuân thủ trong trường hợp bao bì này bị hư hại, bao gồm việc kiểm tra và đóng gói lại nếu cần.” Sự có mặt của kiện hàng này chỉ được nhà chức trách Malaysia thừa nhận sau khi tai nạn xảy ra được 2 tuần.

Loại pin này rất nguy hiểm nhưng không rõ vì sao vẫn được chấp nhận chở trên máy bay hành khách. Hồi năm 2013, do có sự cố liên quan tới pin lithium-ion, toàn bộ đội máy bay Boeing 787 đã phải ngưng bay để xử lý (mỗi chiếc máy bay B787 có gắn số pin lithium-ion có tổng trọng lượng 60 cân Anh). Tiến sĩ Victor Ettel, tác giả hàng đầu cảnh báo về các nguy cơ của công nghệ pin lithium-ion, nhận xét rằng số lượng pin này vận chuyển trên chuyến bay MH370 nhiều gấp nhiều lần lượng pin có trên một chiếc B787. Loại pin này không chỉ phát hỏa mà khi cháy còn phát ra khí độc, trong đó có thạch tín gây chết người.

Trên website của mình, hãng MAS cho biết nỗ lực tìm kiếm quốc tế sẽ vào một giai đoạn mới trong những tuần tới đây, và sẽ là “một tiến trình kéo dài”. Vì thế, vào ngày 7-5-2014, hãng sẽ đóng cửa các trung tâm trợ giúp được thành lập để giúp các gia đình nạn nhân và cung cấp cho họ thông tin về hậu quả của thảm kịch. Hầu hết hành khách là người Trung Quốc và hãng MAS đã trả chi phí cho thân nhân của họ trong thời gian họ chờ tại các khách sạn ở Malaysia suốt từ đầu tới nay.

Ngay cả người thân của các nạn nhân lâu nay chờ đợi tin tại Bắc Kinh cũng được hãng MAS chịu tiền khách sạn. Nhưng nay thì không tiếp tục kéo dài được nữa. Các gia đình này đã được thông báo trả lại phòng khách sạn chậm nhất là 6g chiều 2-5-2014, nghĩa là chỉ một ngày sau khi MAS ra thông báo. Steve Wang, người phát ngôn của các gia đình nạn nhân tại Bắc Kinh, nói rằng thời hạn này là quá vội vã và quyết định này sẽ làm cho việc nhận được thông tin từ hãng hàng không còn khó khăn hơn. Gia đình các nạn nhân Trung Quốc lâu nay đã mất lòng tin vào MAS. Wang nói rằng trước nay mỗi khi có chuyện gì lớn xảy ra, hãng MAS còn không thể báo tin cho tất cả mọi thân nhân. Nhiều gia đình nạn nhân cho biết họ sẽ vẫn ở lại Bắc Kinh để chờ tin.

Các quan chức Malaysia, Trung Quốc và Úc sẽ gặp nhau tại Canberra (Úc) vào ngày 5-5 để quyết định bước tới đây trong nỗ lực tìm kiếm chuyến bay MH370. Tướng Tư lệnh Không quân Úc nghỉ hưu Angus Houston, người đang đứng đầu hoạt động tìm kiếm của Úc, ngày 2-5 cho biết ông tin tưởng rằng xác chiếc máy bay đó đang nằm ở khu vực đáy Ấn Độ Dương ngoài khơi miền tây nước Úc – nơi hồi đầu tháng 4-2014 đã dò tìm được những tín hiệu âm thanh của loại hộp đen máy bay từ dưới đáy biển dội lên. Ông cũng cho biết sau khi công ty khảo sát nguồn Úc GeoResonance vừa lên tiếng quả quyết là dựa trên các phân tích hình ảnh và nước biển ở đó, họ đã tìm được nơi xác chiếc máy bay đang nằm tại vùng Vịnh Bengal của Bangladesh, 3 tàu hải quân Bangladesh và một tàu trang bị máy dò tìm âm thanh dưới nước đã tìm kiếm ở khu vực này, nhưng cho tới nay vẫn chưa phát hiện được gì. Trước đây, Ấn Độ cũng đã dùng máy bay và tàu càn quét khu vực này mà không tìm được một dấu vết gì.

Theo Bộ trưởng Hishammuddin, Malaysia đang còn cân nhắc xem có nghe theo lời chỉ dẫn của công ty Úc kia để thuê các tàu tìm kiếm dưới biển sâu tư nhân hòng tìm kiếm trở lại ở vùng Vịnh Bengal không. Ông nói rằng việc này có thể làm giảm sư tập trung ở hướng chính là ngoài khơi Úc và mức chi phí sẽ rất cao. Ông cũng nhắc lại chuyện trước nay đã có nhiều thông tin “khẳng định” nơi này, chỗ nọ nhưng rốt cuộc chẳng tìm được cái gì.

Australia Malaysia Plane

Thiết bị lặn tự động Bluefin-21 của Hải quân Mỹ đang chuẩn bị được đưa lên tàu tìm kiếm Ocean Shield của Hải quân Úc.

flight-mh370-bluefin-21

Mọi chuyện bây giờ phải tiếp tục trông cậy vào một phương tiện tìm kiếm duy nhất là thiết bị lặn tự động Bluefin 21 của Hải quân Mỹ. Thiết bị này được trang bị máy dò tìm âm thanh dưới nước vá các camera. Nó có thể lặn sâu tới 3 mile (4.800 mét) và lặn lâu trong vòng 25 giờ không cần tiếp nhiên liệu. Tốc độ của nó có thể đạt 2-4,5 knot (3,7 – 8,3km/g). Bluefin 21 đã được Mỹ cho Úc mượn càn quét khu vực đáy biển ở đây hơn tháng qua. Tuy nhiên, Tướng Houston nhận định rằng bây giờ khả năng thiết bị này tìm được xác chuyến bay MH370 còn thấp hơn hồi ban đầu cuộc tìm kiếm. Và cuộc tìm kiếm khắp khu vực đáy biển tình nghi có thể mất ít nhất là 8 tháng hay 12 tháng.

Úc đang tìm kiếm những nguồn tài trợ để có thể thuê thêm những thiết bị lặn tối tân hơn nhằm đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm dưới đáy biển. Càng kéo dài thì càng giảm xác suất tìm thấy dấu vết chuyến bay và càng làm cho các người thân thêm đau lòng.

Bộ trưởng Hishammuddin của Malaysia nói với báo giới rằng: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm được MH370 chẳng sớm thì muộn.” Ai cũng hy vọng là vậy, chỉ sợ là có những khuất tất chi đó khiến cho chuyến bay MH370 không được phép lộ diện! Mà hỗng lăn tăn sao đặng, ngay từ ngày 8-3 tới nay, thiên hạ võ lâm đã được chứng kiến quá chừng chuyện khó hiểu chung quanh vụ chuyến bay MH370 bặt vô âm tín.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-5-2014)

 

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.