Thứ Hai ngày 14 tháng 10 năm 2024

Chuyến bay MH370 bí ẩn: bây giờ là chuyện của máy bay trinh thám, vệ tinh và tình báo

mh370-path

 

Mỹ đã ngưng dùng tàu chiến để tham gia tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines với 239 người trên khoang bị mất tích từ ngày 8-3-2014 khi đang trên đường bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Thay vào đó, Mỹ sẽ dùng các loại máy bay thám sát hiện đại nhất thế giới để càn quét khu vực rộng lớn trên Ấn Độ Dương. Nhiệm vụ bây giờ là cố gắng tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200ER xấu số nếu như nó bị bọn không tặc giấu ở đâu hay những mảnh vỡ còn sót lại của nó nếu như nó đã rơi xuống biển vì một lý do nào đó hay sau khi hết xăng. Công việc sẽ khó khăn vì đã hơn 1 tuần lễ trôi qua giữa đại dương sóng to gió lớn.

Trong một thông cáo bằng e-mail ngày 17-3-2014, William Marks, người phát ngôn của Hạm đội 7 Mỹ, cho biết: sau khi tham vấn với chính phủ Malaysia, Hạm đội 7 đã quyết định rút khu trục hạm USS Kidd những ngày qua tham gia tìm kiếm từ trên Biển Đông, Vịnh Thái Lan sang Eo biển Malacca về làm nhiệm vụ bình thường của nó. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục dùng những chiếc máy bay trinh sát tầm xa P-3 Orion và P-8 Poseidon thực hiện việc tìm kiếm. Đây là phương tiện tìm kiếm hữu hiệu hơn khi phạm vi quá rộng lớn ở đại dương. Hai loại máy bay này có thể bao quát khu vực rộng 38.850km vuông (15.000 dặm vuông) trong mỗi phi vụ dài 9 giờ. Chúng được trang bị hệ thống radar tìm bề mặt tối tân và các cảm biến điện quang, cũng như có thể bay ở những độ cao thấp nếu như cần xác định bằng mắt.

Tàu chiến Úc đang tiếp tục tìm kiếm ở khu vực nam Ấn Độ Dương. Trung Quốc, nước có 152 công dân, chiếm 2 phần 3 số hành khách trên chuyến bay MH370, đã đưa 21 vệ tinh quan sát tham gia cuộc tìm kiếm.

Bây giờ, sau khi đã loại trừ khả năng máy bay bị hỏng hóc kỹ thuật, ngày càng có thêm những cứ liệu rõ ràng hơn và có thể phân tích một cách khoa học, người ta đã có thể khẳng định việc MH370 mất tích và thay đổi hướng bay hoàn toàn do người điều khiển. Người đó phải là người am hiểu về loại máy bay này và mọi việc diễn ra từ trong buồng lái (có nghĩa là phi công hoặc tự làm hoặc bị ép làm). Các nhà điều tra cũng đã xác định được máy bay đã rẽ trái, quay đầu bay về vùng biển phía tây Malaysia, bay qua Eo biển Malacca hướng về Ấn Độ Dương.

Vì thế hiện nay nhà chức trách đang đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ. Một là mở rộng tìm kiếm tung tích chuyến bay ở Ấn Độ Dương. Hai là rà soát lại tất cả các người có mặt trên chuyến bay để lọc dần tìm đối tượng đáng nghi nhất. Nhà hai viên phi công đã được khám xét hôm 15-3. Dân biểu Michael McCaul (đảng Cộng hòa), Chủ tích Ủy ban An ninh Nội địa Hạ nghị viện Mỹ, nói trong chương trình thời sự truyền hình Fox News Sunday (hôm 16-3) rằng: “Một điều mà chúng ta đã biết, đây không phải là một tai nạn. Nó là một hành động có chủ ý để hạ chiếc máy bay này. Và câu hỏi là ai ở đằng sau chuyện này. Từ tất cả thông tin có được, tôi tin rằng có cái gì đó diễn ra với phi công. Tôi nghĩ điều này tất cả sẽ dẫn tới buồng lái.”

Khi tín hiệu cuối cùng của chiếc máy bay mà hệ thống radar quân sự của Malaysia ghi nhận được lúc 2g40ph sáng 8-3 (giờ Malaysia), máy bay đang ở giữa 2 hành lang bay: một về hướng bắc từ Thái Lan kéo dài tới Kazakhstan (nước cộng hòa Trung Á nằm giáp vùng Tân Cương của Trung Quốc, nơi sinh sống của tộc người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ – Uyghur đang gây chuyện với Bắc Kinh); một về hướng nam từ Indonesia tới nam Ấn Độ Dương. Vậy máy bay bay theo hướng nào? Ngày 16-3, chính phủ Malaysia cho biết họ mở rộng tìm kiếm theo cả hai hướng. Nhưng nếu bay theo hành lang nào, máy bay cũng phải bay qua không phận những nước khác, chẳng lẽ không có ai phát hiện? Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng GTVT Malaysia, Hishammuddin Hussein nói trong cuộc họp báo ngày 16-3 rằng: “Cuộc tìm kiếm đã trở nên một nỗ lực đa quốc gia và phức tạp cao. Bây giờ thậm chí nó còn trở nên khó khăn hơn.”

Các tín hiệu điện tử từ máy bay này vẫn tiếp tục liên lạc với các vệ tinh suốt gần 6 giờ sau khi máy bay ra khỏi tầm radar quân sự của Malaysia. Tín hiệu cuối cùng của MH370 truyền lên vệ tinh là từ vùng biển Ấn Độ Dương. Tổng giám đốc Malaysia Airlines, Ahmad Jauhari Yahya, nói trong cuộc họp báo ngày 17-3 rằng: tính từ lúc tín hiệu cuối cùng được máy bay truyền tới vệ tinh, máy bay chỉ còn đủ nhiên liệu để bay khoảng 30 phút nữa. Như vậy phải chăng, máy bay đã cạn nhiên liệu và rơi xuống Ấn Độ Dương? Phía Mỹ dựa trên dữ liệu của các vệ tinh vẫn tin rằng máy bay ở Ấn Độ Dương. Trong khi đó, báo New Straits Times của Malaysia (17-3) trích dẫn các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra của chính quyền nước này lại nói rằng các dữ liệu mà họ thu thập được cho thấy máy bay đã bay vào hành lang phía bắc, nghĩa là hướng tới Trung Á. Như vậy, khi phía Malaysia không tin vào các dữ liệu vệ tinh của Mỹ, phải chăng họ có những nguồn thông tin riêng? Theo hãng tin Anh Reuters sáng 18-3, các quan chức hàng không của Pakistan, Ấn Độ, Kazakhstan và Kyrgyzstan ở Trung Á, cũng như lực lượng Taliban ở Pakistan và Afghanistan đã chính thức tuyên bố họ không biết chiếc máy bay này đang ở đâu.

Trong khi đó, các nhà điều tra đang cố gắng trả lời các câu hỏi: Nếu như hai phi công dính vào vụ này, họ làm việc với nhau hay hành động một mình hoặc với ai khác trong đội bay hay hành khách? Họ điều khiển máy bay do bị ép buộc hay tự mình hành động? Liệu có ai đó xông vào buồng lái hay không? Và việc chuyển hướng bay nhằm động cơ gì?

Cảnh sát Malaysia đã điều tra các kỹ sư và nhân viên mặt đất có tham gia và việc chuẩn bị cho chuyến bay MH370 hôm đó.

Tất nhiên, với giả thiết chuyến bay MH370 bị khủng bố, các nước – đặc biệt là Mỹ – có thể huy động mạng lưới thu thập tin tình báo của mình để sớm tìm ra manh mối. Các nguồn tin an ninh của Mỹ và châu Âu ngày 17-3 cho biết các nước đang tìm kiếm bất cứ thông tin nào có liên quan tới các nhóm dân quân (khủng bố) hay bất cứ ai có động cơ chính trị hay tội phạm nào muốn gây tai nạn hay bắt cóc chuyến bay này.

Hãng tin Anh Reuters sáng 18-3 cho biết một số quan chức an ninh Mỹ tỏ ra thất vọng với cách Malaysia xử trí cuộc điều tra này. Cho tới ngày 17-3, chính phủ Malaysia vẫn chưa chịu mời FBI Mỹ cử đội chuyên viên tới Kuala Lumpur phối hợp điều tra.

Cho dù có thông cảm, lịch sự và ngoại giao cỡ nào, cộng đồng quốc tế cũng khó mà không thất vọng trước cách ứng xử bất cập, đầy lúng túng và bất nhất của nhà chức trách chủ nhà Malaysia trong những ngày đầu. Người ta không thể không đặt câu hỏi vì sao các kíp trực radar của quân đội Malaysia không có phản ứng gì khi có vật bay lạ xuất hiện trên màn hình radar trong không phận của mình? Vào lúc 1g21ph (giờ Malaysia, tức 0g21ph giờ Việt Nam), chỉ 1 phút trước khi chuyến bay MH370 vào không phận Việt Nam theo lịch trình, FIR TP.HCM đã liên lạc với đội bay, nhưng không có trả lời. Máy bay cũng biến mất khỏi màn hình radar không lưu. Ngoài việc báo cho phía Malaysia biết, kiểm soát không lưu Việt Nam đã nhờ phi công của một chiếc Boeing 777 bay trước MH370 khoảng 30 phút đang trực chỉ Tokyo (Nhật Bản) liên lạc giùm với đội bay MH370. Chuyến bay đó đã liên lạc được với MH370 lúc 1g30ph, nhưng nghe không rõ và bị ngắt liên lạc ngay sau đó. Như vậy cho tới khi tín hiệu MH370 bị mất khỏi hệ thống radar quân sự Malaysia lúc 2g40ph, chiếc máy bay vẫn còn trên bầu trời 70 phút. Nếu như có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống không lưu dân sự và hệ thống radar quân sự Malaysia, người ta lẽ ra đã phải có hành động đối với vật thể bay không liên lạc được kia. Khu vực này có ít nhất 3 hệ thống radar quân sự với loại radar sơ cấp có thể phát hiện các vật thể cho dù chúng có tắt tín hiệu liên lạc. Ngay cả căn cứ không quân Butterworth ở bờ biển phía tây Malaysia, nơi có các máy bay chiến đấu hiện đại F-18s và F-5, cũng chẳng hề có một động thái nào. Nếu như họ cho chiến đấu cơ bay lên kiểm tra và ngăn chặn thì mọi chuyện có thể đã khác. Báo chí cho biết, phải tới sáng 8-3, tức nhiều giờ sau, khi xem lại các đoạn băng ghi hình, quân đội Malaysia mới phát hiện có vật thể bay lạ trên radar. Nhưng điều đáng nói là tại sao lúc đó nhà chức trách Malaysia không công bố nghi vấn này mà cứ tập trung tìm kiếm ở phía đông? Nếu như cùng một lúc triển khai tìm kiếm ở 2 hai phía thì khả năng tăng lên gấp bội lần. Lúc đó chưa tới một ngày sau sự việc, nếu như máy bay có rơi xuống biển, khả năng tìm thấy những mảnh vỡ, và may mắn là những nạn nhân, sẽ cao hơn.

Thôi thì, đó là chuyện mà mai mốt Malaysia sẽ phải trả lời với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với gia đình 239 người có mặt trên chuyến bay MH370. Điều quan trọng nhất bây giờ là các nước cùng phối hợp, mạnh dạn chia sẻ thông tin, để tìm ra tung tích máy bay và số phận của hàng trăm con người thuộc 14 quốc tịch trên đó. Đành rằng thời gian đã kéo dài khó chấp nhận được, nhưng trong chuyện này thì không bao giờ là muộn cả.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 18-3-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

140316-missing-flight-mh370-uss-kidd

Khu trục hạm Mỹ USS Kidd tham gia tìm kiếm MH370 ở Ấn Độ Dương.

AI-CH303_MALASS_G_20140313100606

Lực lượng các nước tham gia tìm kiếm MH370 tính tới ngày 13-3-2014.

mh370-path

MH370 mất tín hiệu trên radar quân sự Malaysia ở giữa hai hành lang bay theo hai hướng bắc và nam.

mh370-path

mh370-path3

Các chấm đỏ là 634 đường băng trong khu vực có đủ điều kiện cho máy bay Beoing 777-200ER hạ cánh.

030129-N-0226M-002

130206-N-ZZ999-140