Thứ Sáu ngày 06 tháng 12 năm 2024

Lũ nhận chìm miền Trung của tôi

131116-lulut-danang-hoavang-hoahong-01

 

Bản tin của báo điện tử VnExpress: “Tính đến tối nay (16-11-2013), tại 6 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có ít nhất 29 người chết, 8 người mất tích, hàng chục nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm, giao thông bị chia cắt… vì trận lũ lịch sử.”

Sáng sớm, cô bạn Hoa Hồng ở Hòa Vang (Đà Nẵng) báo tin lũ đổ về đêm qua, khi phát hiện thì nhà đã ngập tới đầu gối, nhiều thiết bị gia dụng chìm trong nước. Vậy là cả nhà một đêm mất ngủ để dọn dẹp, chuyển đồ lên lầu. Tới trưa nay nước còn khoảng 1 tấc trong nhà. Xế chiều thì mới thấy lại cái nền nhà. Chung quanh thì vẫn như biển nước.

131116-lulut-danang-hoavang-hoahong-02

Cảnh lũ lụt ở Hòa Vang (Đà Nẵng) sáng 16-11-2013. Ảnh: Hoa Hồng.

Cô bạn Tường Vy ở An Nhơn (Bình Định) cho biết nửa khuya qua mẹ cô phải chạy qua nhà người quen ở nhờ. Cô kể: “Lũ tràn về quá nhanh, sâu tới ngang ngực. Mọi người đành bỏ của chạy lấy người. Bình Định sau một đêm nghèo luôn rồi. Nguy hiểm hơn bão nữa.”

Bạn Khắc Tuấn là bác sĩ ở thị xã An Nhơn nghẹn ngào: “Tan tành hết rồi anh ơi.” Người ta trở tay không kịp ngoài chuyện lũ không chỉ về nhanh quá, lại ập tới lúc giữa khuya về sáng, mà còn bởi xưa nay ở đây chưa từng bị lũ. Cây xăng và phòng khám đa khoa của Tuấn được xây ở vùng đất mà từ khi bạn chào đời tới giờ – hơn 40 năm rồi – chưa từng bị lũ lụt héo lánh tới. Vậy mà bữa nay nước ngập tới rún bạn. Cây xăng bị nhận chìm, tệ hơn nữa là các bồn xăng chôn âm dưới đất bị nước đẩy nổi lên, xăng lớp trào ra, lớp bị pha với nước. Còn ở phòng khám đa khoa thì máy móc và thuốc men bị nhúng nước.

Tôi mờ mắt, ù tai, hồn chông chênh. Trong tận cùng cõi lòng mình như văng vẳng giọng ca sĩ Thái Thanh cất lời ca ai oán “Quê hương em nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo. hè thì thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi. Khiến đau thương thấm tràn. Ngập Thuận An để lan biển khơi, ơi hò ơi hò.…” (bài hát Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương).

Tại nhiều vùng ở miền Trung, đây là trận lũ lịch sử – cả về mực nước lẫn sức tàn phá. Như tại Bình Định, nơi tôi sinh ra, khoảng 1 giờ sáng nay, nước lũ bất ngờ đổ về thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước. Toàn bộ nhà dân ở 2 khu vực này bị ngập hoàn toàn, có nơi nước dâng đến 2 mét, gần mái nhà. Hàng trăm người trong đêm tối đã phải leo lên nóc nhà hay trèo lên các ngọn cây lớn tránh lũ.

Xét về địa lý, miền Trung ở chỗ bất lợi nhất của nước Việt Nam – nhường hết phần đắc địa cho hai miền Bắc và Nam. Nó bị kẹp dẹp lép giữa một bên là rặng Trường Sơn và một bên là biển cả chạy suốt chiều dài lãnh thổ. Đó là cái eo hứng trọn hầu hết bão tố từ Biển Đông đổ vào. Địa hình bất lợi, đất đai lại chẳng màu mỡ như hai bình nguyên ở hai đầu mà miền Trung như cái đòn gánh ở giữa. Khí hậu khắc nghiệt, mùa khô thì nóng cong cả những tấm thân người còm cõi. Bão lũ chà đi xát lại hàng năm. Chẳng trách mà cả dải đất miền Trung ốm tong teo, lớn không nổi. Trong cái hoàn cảnh “trời an bài” đó, miền Trung không nghèo nhất nước mới là chuyện lạ! Tất nhiên cũng có người, có chỗ ở miền Trung biết cách khai thác cái mạnh, cái yếu của đất trời để làm giàu, nhưng đó chỉ là số ít và cũng đầy bất trắc. Cái nghèo khổ vẫn là cơ bản.

Điều đáng nói ở đây, nếu như chỉ là chuyện thiên tai thì người đời đành cam lòng “trời kêu ai nấy dạ”, một khi đã chấp nhận chọn nơi này làm quê hương thì phải tìm cách mà sống chung với bão lũ. Đằng này càng về sau, dấu vết bàn tay con người tác động vào các thảm họa thiên nhiên ở đây càng lộ ra. Thiên tai mỗi năm một nhiều hơn và dữ dội hơn. Rừng đầu nguồn bị tàn phá không thương tiếc lấy gì giữ nước lại và cản bớt sức nước trên cao đổ xuống. Rồi còn vô số con đập lớn nhỏ thi nhau mọc lên cái thì với danh nghĩa phục vụ thủy lợi, cái thì được gán cho chức trách làm thủy điện nhỏ.

Trận lũ hôm nay tất nhiên có nguyên nhân từ đợt áp thấp nhiệt đới mém mạnh thành bão số 15 từ Biển Đông vừa đổ bộ vào khu vực Phú Yên gây mưa dầm, mưa lớn cho cả khu vực miền Trung. Riêng ở Bình Định, lượng mưa theo lời ông Chủ tịch tỉnh Lê Hữu Lộc cho biết nhiều tới 300-400mm. Nhưng nhiều người cáo buộc chính chuyện các hồ thủy điện trong khu vực do sợ vỡ đập đã xả nước với cường độ quá lớn làm lũ lụt thêm hung dữ và tàn phá nặng nề hơn. Theo báo Tuổi Trẻ (16-11), sáng 16-11, Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho biết, lúc 6g sáng cùng ngày đã có 15 hồ thủy điện ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên xả tràn. Nguyên nhân là sau một ngày mưa lớn, nhiều hồ chứa nước đã có mức nước lên tới mức báo động 3, có nguy cơ bị vỡ hồ. Khu vực miền Trung – Tây Nguyên, hiện có 12/44 hồ chứa thủy lợi đã đầy và qua tràn. Báo VnExpress (16-11) dẫn lời ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết trong ngày hôm qua nhiều thủy điện trên địa bàn xả lũ với lưu lượng lớn khiến vùng hạ du ngập nặng. Ông đưa ra con số cụ thể: Đắc Mi 4 xả từ 4.000 đến 4.500 m3/s; Sông Tranh xả 3.000 m3/s; Sông Bung 4 xả 1.200 m/3; A Vương xả từ 35 đến 500 m3/s. Sáng nay, các hồ thủy điện đã điều tiết lưu lượng xả nước xuống còn 200 m3/s.

Khác với vùng đồng bằng, như ở Đồng Tháp Mười quê tôi, nước lụt dâng lên từ từ và rút cũng từ từ hàng tháng trời, ở miền Trung lũ đổ về nhanh và rút cũng nhanh. Cũng là ngập trắng đồng, nó được gọi là lụt (hay nước nổi) ở đồng bằng và là lũ ở miền Trung. Lụt thì chỉ “nhẹ nhàng” nhấn chìm mọi thứ – có chết thì cũng lâu hơn, còn lũ thì hung hãn cuốn đi mọi thứ. Có người gọi đó là lũ quét để diễn tả đúng bản chất của nó. Bên Mỹ, họ gọi là “flash-flood” (nước đổ về đột ngột và chớp nhoáng).

Thiên tai ở đâu và bao giờ cũng là chuyện của trời; còn chịu đựng thiên tai lại là chuyện của người. Với đặc điểm địa lý của mình, ngàn năm nữa thì miền Trung vẫn tiếp tục phải hứng chịu bão tố. Nhưng còn với lũ lụt thì con người hoàn toàn có thể giảm nhẹ cả về số lượng lẫn mức độ thiệt hại của nó. Vấn đề là ở chỗ con người có dám loại bỏ được những gì mà mình đã tác động tới hệ sinh thái, môi trường sống và hình mẫu thời tiết ở đây không? Rốt cuộc lại, tuyệt đại đa số dân cư cứ phải trân mình mà trả giá cho lợi ích của một nhóm người!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 16-11-2013)