Thứ Sáu ngày 04 tháng 10 năm 2024

Chia tay Bình Định

Vậy là chia tay Bình Định, nơi chôn nhau cắt rún của tôi mà tới nay mới trở về lần đầu tiên. Cảm ơn các bạn OPPO Việt Nam đã tổ chức một Media Trip về Quy Nhơn tạo cơ hội cho tôi và con trai về thăm một chốn quê hương.

Có ai đó hỏi Bình Đinh có gì đặc trưng? Khó à nghen, vì tôi chỉ có cái nhau chôn ở Bình Định rồi ít tháng sau lại theo chân phụ huynh “hành phương Nam” lần thứ hai và bám rễ ở miền Tây Nam bộ. Biết được chết liền. À, có huyền thoại nói rằng mới chào đời, tôi đã biết đá lông nheo với cô mụ. Tôi tin vì rõ ràng sau này tôi không còn cọng lông nheo nào.

Sân bay Phù Cát.

Sáng nay về lại Saigon, do không đủ ghế máy bay, hai cha con mỗi người một chiếc của 2 hãng khác nhau, nhưng chỉ bay cách nhau có 15 phút. Con trai thuộc đội trẻ nên đi VietJet. Tôi thuộc team phụ huynh nên đi Vietnam Airlines. Tôi có chụp được tấm ảnh cả 2 chiếc máy bay cha con đó cùng nằm trong một khung hình tại sân bay Phù Cát. À, chuyến này VNA sử dụng chiếc A321 của hãng cho hãng Cambodia Angkor Air thuê nên thân máy bay sơn logo hãng Cambodia này.

Bình Định những ngày này nắng kinh hoàng đối với người miền Nam. Nghe giang hồ khen Bình Định có đặc sản chả cá ngon bá chấy. Tôi ăn thử ở FLC Luxury Hotel – nơi OPPO cho đoàn media lưu trú 2 đêm. Do nơi đây cách nội thành Quy Nhơn 25km, đi xe taxi mất 300.000 đồng, lại không có thời gian, nên tôi không ra mua gì được. Ở sân bay thấy ghi giá chả cá Bình Định 110.000 đông nửa ký, tôi giả ngơ lướt qua lên máy bay luôn.

Có mấy bạn Face kỳ thanh, bất kiến kỳ hình ở Quy Nhơn inbox hẹn gặp hàn huyên mà tôi đành đắc tội. Khuya qua còn có bạn hẹn sáng cùng selfie với nhau mần kỷ niệm mà cũng đành buồn rầu vì sáng phải bay sớm.

Hy vọng một ngày nào đó, tôi có dịp về Bình Định lần nữa chỉ để tìm về nơi chôn nhau cắt rún. Đừng nói chỉ cách gần 500km chim bay và mất 1g10ph bay là có thể dễ dàng đến với nhau. Ngay cả cô hàng xóm sát vách mà tôi còn chỉ dám nghêu ngao bài sến ca Yêu Người Chung Vách của Vinh Sử với giấc mơ lúc Giờ Tí Canh Ba “khoét vách chun qua”…

Nhưng bất luận thế nào, trên passport của tôi vẫn tiệt nhiên định phận tại Thiên thư ghi rành rành nơi sinh: Bình Định. Tôi vẫn còn giữ tờ trích lục khai sanh mà năm 1974, lúc 17 tuổi, từ tỉnh Kiến Tường giữa Đồng Tháp Mười ven biên giới Cambodia, tôi mua mấy con tem gởi bưu điện ra xã Bình Phú, quận Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) xin cấp ít bản sao khai sanh và sau đó nhận được qua bưu điện xấp bản sao khai sanh khổ nửa trang A4. Hành chánh công thời chiến tranh khốc liệt mà vẫn chỉn chu như vậy á.

PHẠM HỒNG PHƯỚC