Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Rắc rối mới về một kho báu cổ của người Do Thái ở Iraq

iraq-hebrew-documents

 

Những đồ tạo tác vô giá của người Do Thái cổ này được giải cứu từ kho của cơ quan tình báo Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein. Và theo báo Mỹ Daily Beast (8-2-2014), kho báu này sắp sửa được trao trả lại cho Iraq, nhưng người ta quan ngại rằng liệu nó có được an toàn trong tình hình Iraq đầy phức tạp và nguy cơ hiện nay.

Hồi năm 2003 khi Mỹ đổ quân vào Iraq để lật đổ chế độ của Tổng thống Hussein, trong khi lùng sục trụ sở cơ quan tình báo Iraq đã bị tàn phá và ngập nước, binh lính Mỹ đã không hề tìm thấy được những thứ vũ khí giết người hàng loạt (WMD) như tin tình báo Mỹ cung cấp, thay vào đó trong các đồng hồ sơ bằng chữ Arập sũng nước, họ phát hiện những tài liệu bằng tiếng Hebrew (Do Thái cổ).

Đó là cả một kho báu của người Do Thái ở Iraq từng bị đánh cắp. Trong đó có một cuốn Kinh Thánh thế kỷ 16, những cuốn sách giáo khoa Hebrew, những bài giảng thuyết viết tay,… Chúng nằm trong số những di sản cuối cùng được truyền lại từ một cộng đồng cổ đại đã bị tiêu diệt. Và người Mỹ đã chở kho báu Do Thái cổ này về Mỹ bảo quản và nghiên cứu.

Sau hơn một thập niên nằm im ở Mỹ, số phận của kho báu này lại được đặt ra khi vào tháng 6-2014, nó sẽ được trao trả về Iraq. Một số nhà chuyên môn nhấn mạnh rằng trong điều kiện hiện nay, Iraq khó lòng bảo vệ được kho báu này. Hơn nữa, ở nước Hồi giáo này hiện chỉ còn lại có một số ít người Do Thái.

Bà Doris A. Hamburg, giám đốc các chương trình bảo tồn của Văn khố Quốc gia Mỹ, nói rằng: “Chúng tôi đã làm việc trong nhiều dự án được quan tâm khác, nhưng đây là dự án rất đặc biệt.” Chính bà là người đã giám sát việc phục hồi số di sản văn hóa của người Do Thái cổ ở Iraq này, bao gồm hơn 2.700 cuốn sách và hàng vạn trang tài liệu bằng tiếng Hebrwew, Arập và Judeo-Arabic (ngôn ngữ của người Do Thái sống ở xứ Arập). Bà đã đích thân tới Iraq trong thời hậu chiến, bắt đầu quá trình phục hồi các tài liệu cổ này bằng cách lưu giữ chúng trong một chiếc xe tải đông lạnh. Sau đó, chúng được chở về các phòng thí nghiệm của Văn khố Quốc gia Mỹ tại bang Maryland, nơi chúng được xử lý loại bỏ nấm mốc và vá lại những chỗ rách. Sau quá trình phục hồi tốn hàng triệu USD, số di sản này hiện đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Di sản Do Thái ở Lower Manhattan (thành phố New York).

Việc hồi hương số di sản này đòi hỏi phải có một hiệp định giữa Cơ quan Quản lý Lâm thời Liên minh (CPA) – một đại diện lâm thời của Mỹ ở Iraq thời hậu chiến và Bộ Văn hóa Iraq. Vấn đề phát sinh là hiện không có một cộng đồng Do Thái nào ở Iraq đứng ra nhận chủ quyền số di sản này. Maurice Shohet, chủ tịch của một tổ chức người Do Thái Iraq lưu vong, nói rằng các quan chức Iraq không thể làm điều đó đối với những thứ không phải của họ. Trong khi đó, Sarhad S. Fatah, một luật sư của phái bộ Iraq ở Liên Hiệp Quốc, khẳng định rằng số di sản này thuộc về Văn khố Quốc gia Iraq.

Lukman Faily, Đại sứ Iraq ở Mỹ, trong khi tuyên bố “số di sản này là tài sản của Iraq”, cũng đã cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận với các đồng sự Mỹ để tìm ra một cách khả thi để tiếp cận và chia sẻ số tài liệu cổ này.” Đại sứ Iraq cho biết các tài liệu Do Thái cổ này “nói cho chúng ta biết rằng lòng nhân đạo có thể đạt được khi chúng ta sống với nhau trong sự tôn trọng lẫn nhau.”

Người Do Thái ở Iraq từ thời đại Babylon (khoảng năm 586 trước Công nguyên). Dưới thời cầm quyền của đảng Baath của Tổng thống Saddam, chủ nghĩa bài Do Thái đã khiến hàng vạn người Do Thái ở đây phải chạy ra nước ngoài. Vào năm 1970, chỉ còn 3.100 người Do Thái ở lại Iraq. Theo những nguồn tin khác nhau, hiện nay chỉ còn từ 5 tới dưới 100 người Do Thái sống ở Iraq.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-2-2014)

– ẢNH: Văn bản Do Thái cổ tìm thấy ở Iraq đang được phục hồi. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)