Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Vì sao Crimea lại trở về với Nga?

Black_Sea_map

 

Tôi không dùng từ “sáp nhập” mà là “trở về” để chỉ sự kiện nóng bỏng trên bản đồ thời sự quốc tế hiện nay khi Bán đảo Crimea (ta quen gọi theo tiếng Nga là “Crưm”) vừa trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Trước đó, nước Cộng hòa tự trị nằm bên bờ Biển Đen này thuộc Liên bang Ukraine.

Ngày 18-3-2014, coi như dấu chấm trên chữ “i” đã được đặt khi trong một cuộc họp trang trọng của Quốc hội Nga tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng Thủ tướng Crimea, Sergei Aksyonov và Thị trưởng Sevastopol, Aleksei Chalyi ký hiệp ước thống nhất Crimea và thành phố Sevastopol với Nga. Ngay sau đó, Điện Kremlin tuyên bố kể từ giờ phút đó, Crimea đã chính thức trở thành một phần lãnh thổ của Nga.

Sự kiện này đã hợp thức hóa cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea về vị thế nước CH này được chính quyền Crimea tổ chức ngày 16-3 với kết quả được công bố là có tới 95,5% số người đi bỏ phiếu tán thành việc trở về với nước Nga.

Mặc dù cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine nổ ra từ hạ tuần tháng 11-2013 sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych tuyên bố từ bỏ việc ký hiệp định đưa nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và dẫn tới việc ông bị phe đối lập lật đổ ngày 22-2-2014, nhưng mãi tới ngày 25-2, Bán đảo Crimea mới thật sự nóng bỏng. Nhà cầm quyền lâm thời của Ukraine đã ra một quyết định được coi là có giá trị bật mồi lửa cho thùng dầu đang âm ỉ khi cấm sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức. Trong khi ở Bán đảo Crimea, có tới 60% số dân là người gốc Nga và hầu như mọi người ở đây bao thế hệ qua đều dùng tiếng Nga trong sinh hoạt hàng ngày.

Vậy là chuyện xấu đã xảy ra. Những người thân Nga nổi lên chiếm quyền kiểm soát Crimea. Hôm 25-2, hàng trăm người thân Nga đã bao vây trụ sở Nghị viện Crimea đòi tổ chức trưng cầu ý dân về chuyện trở về với Nga. Sáng 27-2, hàng chục tay súng nói tiếng Nga đã chiếm trụ sở nghị viện. Ngày hôm sau, những tay súng mặc quân phục Nga nhưng không mang bất cứ phù hiệu nào đã chiếm sân bay quốc tế Simferopol rồi sau đó là sân bay quốc tế  Sevastopol. Những ngày sau đó, Bán đảo Crimea nằm trong sự kiểm soát của những tay súng được chính quyền Crimea giải thích là lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Những tay súng này trang bị hùng hậu bằng vũ khí Nga, nói tiếng Nga, mặc quân phục Nga.

Thật ra, chiếu theo luật pháp, Nga có quyền triển khai tới 25.000 quân tại Bán đảo Crimea để bảo vệ người Nga và các cơ sở dân sự và quân sự Nga ở đây. Hiệp định song phương giữa hai chính phủ Nga và Ukraine trước đó đã ghi rõ như vậy. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Ukraine trở thành 2 nước độc lập, hai bên đã ký hiệp định về việc Ukraine cho Nga thuê đất ở Crimea để lập căn cứ cho Hạm đội Biển Đen.

Vì sao nói là Crimea lại trở về với Nga? Nếu nói một cách đơn giản là vì trước khi thuộc Ukraine, Bán đảo Crimea thuộc Liên Xô, cụ thể là một thành phần của nước Nga nằm trong Liên Xô. Tháng 10-1921, nước CH XHCN Xô viết Tự trị Crimea đã được thành lập, nằm trong thành phần nước CH XHCN Liên bang XV Nga. Ngày 30-6-1945, Bán đảo Crimea bị hủy bỏ quy chế nước CH để đổi thành một tỉnh thuộc Nga. Ngày 19-2-1954, Đoàn chủ tịch XV Tối cao Liên Xô đã ký sắc lệnh chuyển giao Crimea từ Nga sang cho nước CH XHCN XV Ukraine quản lý. Người ta coi hành động này là một “món quà hữu nghị” mà Liên Xô dành tặng cho Ukraine nhân kỷ niệm 300 năm Ukraine thuộc Đế chế Nga. Có chi tiết này: Tổng bí thư Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushchev, một người gốc Ukraine. Tới tháng 2-1991, sau một cuộc trưng cầu ý dân, XV Tối cao Ukraine đã chấp nhận nâng cấp tỉnh Crimea lên thành nước CH tự trị như cũ. Sau khi Liên Xô tan rã và Ukraine trở thành một nước độc lập vào năm 1991, Crimea vẫn đồng ý ở lại trong thành phần Ukraine chứ không quay lại Nga. Tháng 10-1993, Quốc hội Crimea thánh lập chức vụ tổng thống của nước CH tự trị này. Nhưng tới tháng 3-1995, Quốc hội Ukraine đã can thiệp, bãi bỏ chế độ tổng thống của Crimea, cáo buộc Tổng thống Crimea lúc đó là Yuriy Meshkov và văn phòng của ông có âm mưu chống lại nhà nước Ukraine và cổ vũ cho việc sáp nhập trở lại với Nga. Nói chung là nỗi ấm ức, chống Ukraine đã âm ỉ rất lâu trong lòng người Nga ở Crimea.

Thật ra, Bán đảo Crimea với vị thế địa chính trị đặc biệt của mình ở khu vực Biển Đen đã lâm vào tình cảnh truân chuyên từ ngàn xưa. Lịch sử ghi rằng từ năm 700 trước Công nguyên, bán đảo này đã bị chuyền qua tay rất nhiều “ông chủ”: người Cimmerian, Bulgar, Hy Lạp, Scythian, Roman, Goth, Hun, Khazar, Kievan Rus, Đế chế Byzantine, Venice, Genoa, Kipchak, Golden Horde, Đế quốc Ottoman, Đế chế Nga, Liên Xô, Đức, Ukraine, và bây giờ là Liên bang Nga.

Trên Bán đảo Crimea rộng 26.100km vuông ở chóp cực nam Ukraine và chỉ cách Nga một eo biển hẹp gồm nước CH Crimea và thành phố Sevastopol, một trong hai thành phố được hưởng quy chế đặc khu của Ukraine. Trong số khoảng 2 triệu dân của bán đảo này, người gốc Nga chiếm gần 60%, người Ukraine chỉ chiếm 24%, còn lại là người bản địa Tatar.

Với vị thế địa chính trị đặc biệt của Crimea, ai chiếm được bán đảo này sẽ làm chủ cả khu vực Biển Đen. Tiếp giáp với Biển Đen, ngoài Nga và Ukraine có Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia (mà người Việt quen gọi là Gruzia). Ba nước Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên của khối liên minh quân sự phương Tây NATO. Georgia đang làm thủ tục gia nhập NATO. Còn Ukraine thì sau cuộc khủng hoảng đối chọi với Nga này, tất nhiên họ sẽ ngả mạnh hơn qua NATO. Vì thế, nếu Crimea có giá trị với Ukraine 1 thì với Nga phải tới 10 lần. Mặc dù năm 2010, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn hiệp đính gia hạn cho Nga thuê đất Crimea lập căn cứ hải quân tới năm 2042, nhưng một khi để cho Ukraine gia nhập NATO, căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga ở đây coi như bị xóa sổ.

Tổng thống Nga khăng khăng nói rằng việc Nga tiếp nhận lại Crimea là vừa thuận theo nguyện vọng của người dân bán đảo này, vừa phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Putin còn dẫn chứng rõ: cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea là phú hợp với Điều 1 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc công nhận quyền tự quyết của các dân tộc. Điều này cũng được Tổng thống Nga nói y chang trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16-3. Ông Putin còn nhấn mạnh rằng sự việc này đã có tiền lệ rồi. Hồi năm 2008, tỉnh Kosovo từng làm như vậy để tách khỏi Serbia, mà hồi đó Mỹ lại ủng hộ người Kosovo. Hỗng lẽ ông Obama lại phân bua rằng chuyện đó không nên tính, vì mãi tới năm 2009 ông mới nhậm chức Tổng thống Mỹ?

Mỹ và phương Tây giận dữ nói rằng hành động này trái ngược với luật pháp quốc tế và cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea ngày 16-3 là vô giá trị vì nó không phải do chính quyền Ukraine tổ chức. Mỹ nhấn mạnh hành động của Nga là vi phạm hiến pháp Ukraine. Mỹ và phương Tây đã có ngay những biện pháp gọi là trừng phạt Nga về vụ này. Ngay ngày 17-3, một ngày sau cuộc trưng cầu ý dân Crimea, Mỹ loan báo cấm vận 11 quan chức Nga. Sau đó Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố cấm vận và phong tỏa tài sản của 21 quan chức Nga.

Ai đúng, ai sai trong vụ này có lẽ đài truyền hình Mỹ CNN (19-3) dẫn lời David Rothkopf, biên tập viên của tạp chí Foreign Policy, nói rằng: “Câu trả lời tùy thuộc vào cái phối cảnh của bạn như thế nào.” Ai thuộc phe nào thì giành phần đúng cho bồ nhà của mình.

Nhưng chắc chắn một điều, cả Nga lẫn phương Tây đều không muốn trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh nữa. Điều đáng lo ngại hơn cả là liệu sự việc này có trở thành một tiền lệ cho những vụ “sửa sai” lại lịch sử khác?

Chắc chắn là cho dù phương Tây có khó chịu tới chừng nào thì số phận của Crimea coi như đã an bài. Vấn đề thiết thực nhất bây giờ là làm sao bảo vệ được những người Ukraine và Tatar còn ở lại Crimea. Cả hai dân tộc này đều “bánh mì” không lành, “súp” không ngọt với người Nga. Đặc biệt là người Tatar vốn có những vết đen lịch sử với nhà cầm quyền Nga và giới lãnh đạo Tatar vừa qua đã hô hào người Tatar không tham gia trưng cầu ý dân. Các nhà lãnh đạo châu Âu muốn có các quan sát viên quốc tế đóng tại Crimea.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa lúc này của cộng đồng quốc tế là bảo vệ cho sự toàn vẹn của phần lãnh thổ còn lại của Ukraine. Đặc biệt là miền đông, nơi đa số dân là người nói tiếng Nga hỗm rày cũng rục rịch.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-3-2014)