Thứ Sáu ngày 06 tháng 12 năm 2024

Giờ thì châu Âu phải tự cứu lấy nhau

150206-ukrinae-leaders

 

Năm 2015 mở màn bằng sự kiện Pháp và Đức đồng hè đứng ra tìm kiếm một giải pháp ổn thỏa cho cuộc khủng hoảng Ukraine, vừa để cứu nước này cùng các bên có can dự, vừa tự cứu chính châu Âu, vừa ngăn chặn nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ ba mà lâu nay đã có người quan ngại.

Ngày 5-2-2015, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande bất ngờ khởi động một sáng kiến ngoại giao mới về vấn đề Ukraine, tuyên bố họ sẽ cùng nhau bay tới Kiev (thủ đô Ukraine) và Moscow (thủ đô Nga) với một giải pháp “có thể chấp nhận được cho tất cả”. Ngay trong ngày hôm đó, hai nhà lãnh đạo châu Âu đã có một cuộc gặp muộn tại Kiev với Tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine. Nhà lãnh đạo chủ nhà sau đó đánh giá rằng cuộc hội đàm này đã làm nổi lên “hy vọng cho một cuộc ngừng bắn” với một nỗ lực chưa từng có để giải quyết cuộc xung đột kéo dài đã 10 tháng nay. Ngày 6-2, hai sứ giả hòa bình này lại cùng bay đến Moscow có cuộc hội đàm tới gần khuya với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov gọi cuộc hội đàm kéo dài gần 5 giờ đồng hồ này là “xây dựng”. Sau đó, phía Pháp cũng đánh giá các cuộc hội đàm mới này là “xây dựng và thực chất”. Ngay sau khi kết thúc cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã vội vã bay về. Các nhà lãnh đạo này cho biết sẽ trao đổi lại với Tổng thống Ukraine qua điện thoại vào ngày 8-2-2015. Riêng Thủ tướng Merkel đã nói chuyện với Tổng thống Putin hơn 40 lần trong vòng một năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên từ khi nổ ra khủng hoảng, bà tới thăm Moscow. Ngay sau khi rời Nga, Thủ tướng Đức đã tiếp tục chuyến ngoại giao con thoi bay thẳng tới Washington để tham vấn với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Rõ ràng tuy đây là một sáng kiến châu Âu, nhưng Mỹ không thể đứng ngoài cuộc. Trong ngày 5-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thăm Ukraine.

epaselect UKRAINE USA DIPLOMACY

Các sứ mạng ngoại giao cấp tập trong hai ngày 5 và 6-2-2015 để chuẩn bị cho hội đàm thượng đỉnh ở Minsk ngày 11-2-2015. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Thủ tướng Ukraine, Arseniy Yatsenyuk tại Kiev ngày 5-2-2015.

A handout picture taken and released on

Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraine – Petro Poroshenko, và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Kiev ngày 6-2-2015.

150206-germay-merkel-russia-putin-france-hollande-moscow

Hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Moscow ngày 6-2-2015. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

 

Hãng tin Pháp AFP (7-2-2015) cho biết: tại cuộc hội đàm Kremlin, các nhà lãnh đạo Nga, Đức và Pháp đã đồng ý soạn thảo kế hoạch chấm dứt chiến sự ở Ukraine.

Cả thế giới dồn sự chú ý vào cuộc họp thượng đỉnh Đức, Nga, Pháp và Ukraine tại Minsk (Belarus) ngày 11-2-2015.

Theo hãng tin Anh Reuters (11-2-2015), Tổng thống Ukraine hôm 10-2 đã viết trên website của ông rằng cuộc hội đàm tại Minsk là “cơ hội cuối cùng” cho cuộc ngừng bắn thật sự ở Ukraine.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bắt đầu từ tháng 11-2013 khi tổng thống lúc đó là Viktor Yanukovych ngưng các nỗ lực tích hợp Ukraine vào châu Âu (phương Tây) để chuyển sang liên minh với Nga gây ra làn sóng chống đối của phe đối lập và những người ủng hộ Ukraine ngả về phương Tây. Cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu mang tầm cỡ quốc tế sau khi Bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập trở lại Nga. Cuộc xung đột quân sự kéo dài 10 tháng qua ở đây đã giết chết hơn 5.000 người.

Giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là với Mỹ, đã có một lịch sử căng thẳng lâu dài, chỉ có lúc căng, lúc chùng. Nhân tố Ukraine đã biến sự căng thẳng này thành cuộc khủng hoảng lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh vào năm 1991 tới nay.

Tình hình phong tỏa, cấm vận chống Nga do Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine tới nay quả thật đã làm cho tất cả các bên mỏi mệt và chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Đặc biệt là khi các nước liên can trước đó đều đang phải vật vã với cuộc chiến chống suy thoái kinh tế kéo dài.

Lẽ ra chuyện Ukraine phải để cho chính người nước này tự giải quyết với nhau, cũng có thể với sự trợ giúp của khu vực. Lẽ ra các bên có liên quan bên ngoài biết nhân nhượng vì lợi ích chung, không để cho lợi ích cục bộ của mình phủ lấp tất cả. Do vị thế địa – chính trị quan trọng và nhạy cảm của mình, Ukraine cũng phải biết chấp nhận những giải pháp dù không thể tốt nhất cho mình nhưng lại là tốt cho tất cả.

Không ai ngây thơ tin rằng Nga sẽ chấp nhận để liên minh quân sự phương Tây NATO mở rộng tới cả Ukraine mà áp sát bên nước mình. Ngay cả với Mỹ, nếu gặp trường hợp này, họ cũng không thể làm khác Nga. Chỉ có khác là cách làm có thể khác đi. Với sáng kiến châu Âu mới, Thủ tướng Đức vẫn khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ là cốt lõi của mọi giải pháp.

Vào tháng 9-2014, cũng chính tại Minsk, một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết bởi các đại diện của Nga, Ukraine, quân nổi dậy ở Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Nhưng nó nhanh chóng trở thành mảnh giấy lộn.

Liệu lần này, khi đích thân các nhà lãnh đạo châu Âu ngồi lại với nhau, châu Âu có thể tự cứu lấy chính mình? Hình như mọi người đang nhìn vào Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 13-2-2015)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TPHCM ngày 12-2-2015

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks

 

+ CẬP NHẬT:

Cuộc họp thượng đỉnh của 4 nhà lãnh đạo Đức, Nga, Pháp và Ukraine về sáng kiến ngừng bắn cho Ukraine ngày 11-2-2015 tại thủ đô Minsk (Belarus) là một cuộc họp marathon, kéo dài tới gần 17 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, vào sáng sớm 12-2, các bên cũng đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine từ 0 giờ ngày 15-2-2015 theo giờ Kiev (tức 22:00 GMT ngày 14-2-2015). Các bên tham chiến sẽ rút các vũ khí nặng ra khỏi vùng chiến tuyến.

Quân ly khai ở miền đông Ukraine tuyên bố sẽ tuân thủ thỏa thuận này. Tổng thống Petro Poroshenko mô tả cuộc họp này là “rất khó khăn” và ông cho rằng việc thực thi các thỏa thuận cũng sẽ chẳng phải dễ dàng. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Nga không phải là người thi hành thỏa thuận (ý muốn nói trước nay Nga không hề can dự) mà đây là chuyện của người Ukraine, Nga chỉ là một trong các nước bảo trợ thỏa thuận này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu ngay sau khi hội đàm Minsk đã lập tức tham dự cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 nước thành viên tại Brussels (Bỉ) để bàn về tình huống mới này. Họ ca ngợi hai người hùng là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Với quyết tâm và nỗ lực phi thường của hai người, được mô tả là “cơ hội cuối cùng” cho cuộc khủng hoảng Ukraine, chỉ trong vòng đúng một tuần, sau khi hai người tuyên bố sáng kiến mới cho Ukraine, họ đã kéo được Nga và Ukraine cùng ngồi vào bàn đàm phán và đạt được thỏa thuận Minsk mới.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn còn hoài nghi Nga. Vào chiều 12-2, sau khi kết thúc cuộc họp thượng đỉình EU, Thủ tướng Đức Merkel – người vừa hội đàm với Tổng thống Nga Putin ở Minsk – đã cảnh báo Nga rằng EU sẽ tăng cường các biện pháp cấm vận nếu như thỏa thuận ngừng bắn lần này thất bại giống như số phận chết yểu của thỏa thuận Minsk tháng 9-2014.