Chủ nhật ngày 06 tháng 10 năm 2024

CHUYẾN BAY MH370 MẤT TÍCH BÍ ẨN: Kết thúc tìm kiếm bằng máy bay

140401-bluefin-21-indian ocean

 

Cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở 239 người bị mất tích bí ẩn sáng sớm 8-3-2014 vẫn sẽ được tiếp tục ở vùng biển xa xôi hẻo lánh của Ấn Độ Dương ngoài khơi duyên hải phía tây nước Úc. Chỉ có điều, cuộc tìm kiếm từ trên máy bay đã kết thúc vào ngày thứ Hai 28-4-2014 sau 52 ngày kiên trì đeo đuổi từ Biển Đông sang Eo biển Malacca, Biển Andaman rồi Vịnh Bengal và chuyển sang phía nam Ấn Độ Dương với biết bao nhiêu chuyến bay của hàng chục nước.

Kể từ ngày 28-4, việc tìm kiếm chỉ tiến hành dưới đáy đại dương ở miền nam Ấn Độ Dương. Theo các quan chức Úc, thời gian càn quét dưới đáy đại dương ở khu vực tình nghi này có thể kéo dài ít nhất là 8 tháng.

Cho tới nay, không có một mẫu vật thu được từ những hoạt động tìm kiếm trên không và trên biển nào có liên quan tới chiếc máy bay Boeing B777-200ER bị mất tích.

Thủ tướng Tony Abbott của Úc, nước đang chịu trách nhiệm chính trong cuộc tìm kiếm MH370 hiện nay, hôm 28-4 nói rằng: “Tới lúc này thì không còn có khả năng chúng ta sẽ tìm được bất cứ mảnh vỡ máy bay nào trên bề mặt đại dương. Sau 52 ngày, hầu hết vật liệu đã bị no nước và chìm. Vì lẽ đó, chúng tôi đang chuyển từ giai đoạn hiện thời sang một giai đoạn tập trung tìm kiếm dưới đáy đại dương trên một khu vực rộng lớn hơn.”

Phương tiện duy nhất lâu nay là tàu ngầm không người lái Bluefin 21 mượn của Hải quân Mỹ. Suốt hơn 2 tuần nay, nó đang vẽ bản đồ sonar 3D của vùng đáy biển gần nơi ngày 7-4 người ta nghe được những âm thanh được tin là phát ra từ những hộp đen của máy bay. Cho tới nay, tàu ngầm này đã tìm kiếm được một khu vực rộng gần 400 km vuông (150 dặm vuông).

Bây giờ, lực lượng tìm kiếm sẽ bắt đầu quét trên toàn bộ khu vực mà chuyến bay MH370 có khả năng đã rơi xuống. Đó là một khu vực dài 700km (430 mile) và rộng 80km (50 mile). Tướng Không quân 4 sao nghỉ hưu Angus Houston, người đứng đầu Trung tâm Điều phối chung (JACC) của Úc, cơ quan chỉ huy cuộc tìm kiếm, nói rằng đó sẽ là một nhiệm vụ khổng lồ. Theo ông, để có thể quét khắp khu vực đáy biển rộng gần 60.000km vuông đó, ước tính phải mất ít nhất 8 tháng. Nhưng nếu thời tiết xấu, thời gian này sẽ kéo dài hơn. Ngày 28-4, ông tin tưởng: “Tôi nghĩ là chúng ta đang ở đúng khu vực.” Theo lời ông, tín hiệu ping nhận được từ dưới đại dương ngày 7-4 vẫn là “manh mối tốt nhất mà chúng ta có được”. Khi được hỏi liệu có khả năng lớp bùn dày dưới đáy biển sâu có thể vùi lấp xác máy bay không, Tướng Houston nói rằng một số mảnh máy bay sẽ vẫn còn nằm bên trên lớp bùn đó.

Để có thể rút ngắn thời gian tìm kiếm dưới đáy biển, Úc sẽ liên hệ với các công ty tư nhân để đưa thêm các thiết bị vẽ bản đồ sonar tới phụ tìm kiếm. Chi phí cho hoạt động này ước tới 60 triệu USD. Tuy nhiên, nếu được thì cũng phải mất nhiều tuần để ký hợp đồng và đưa thiết bị tới. Tàu ngầm tự động Bluefin sẽ vẫn là nỗ lực chính.

Cho tới nay, mỗi nước tham gia cuộc tìm kiếm MH370 đều phải tự dùng ngân sách nước mình để chi phí. Thủ tướng Abbott cho biết Úc đang làm việc với Malaysia (nước chủ chiếc máy bay) và Trung Quốc (nước có công dân chiếm tới 2 phần 3 số hành khách) song song với việc tìm kiếm sự đóng góp từ các nước khác để giúp chi trả chi phí thuê thiết bị mới.

Người ta vẫn còn nhớ cách đây 2 tuần, Thủ tướng Úc nói rằng các quan chức tham gia tìm kiếm đã “rất tin tưởng” rằng một loạt các tín hiệu dưới nước mà thiết bị dò tìm âm thanh thu được chính là từ những chiếc hộp đen của chuyến bay MH370. Ngày 28-4, Thủ tướng Abbott cho biết ông vẫn còn “tin tưởng với một mức độ đáng kể” như vậy. Nhưng ông cũng thừa nhận mọi người đã bị thất vọng do tới nay vẫn chưa tìm được xác chiếc máy bay dưới đáy biển dựa trên những tín hiệu thu được đó. Nhà lãnh đạo Úc cũng cho biết mình hiểu rằng có khả năng chẳng thể nào tìm được những mảnh vỡ từ chiếc máy bay bí ẩn đó. Nhưng Thủ tướng Abbott quả quyết: “Đây là một bí ẩn khác thường. Chúng tôi sẽ làm mọi điều mình có thể làm để giải quyết nó.”

Trong khi đó, ngày 28-4, hãng thám hiểm Úc GeoResonance cho biết họ tin rằng xác chiếc máy bay MH370 có thể đang nằm ở Vịnh Bengal cách nơi nhà chức trách đang tìm kiếm tới hơn 3.000 mile (gần 5.000km). Đó là chỗ mà họ đã phát hiện có những nguyên tố hóa học và các vật liệu dùng để chế tạo máy bay Boeing 777, gồm nhôm, titan, đồng, hợp kim thép và những vật liệu khác. GeoResonance cho biết họ đã tìm kiếm trên khắp một khu vực máy bay có thể lâm nạn rộng tới 2 triệu km vuông, sử dụng những hình ảnh chụp từ các vệ tinh và máy bay. Các nhà khoa học của công ty đã ứng dụng hơn 20 công nghệ, bao gồm cả một thiết bị phản ứng hạt nhân, để phân tích các dữ liệu này. Hãng này khẳng định mình đã tìm được ở vị trí cách Bangladesh 118 mile về hướng nam. Nếu thông tin của hãng này có cơ sở, người ta lại phải quay trở về Vịnh Bengal ở phía bắc Ấn Độ Dương.

140428-search-area-indian ocean-3-georesonance

Vị trí mà hãng GeoResonance cho biết họ tin rằng xác chiếc máy bay MH370 có thể đang nằm ở Vịnh Bengal .

Làm như chưa đủ quay mòng mòng, kênh thông tin 7 News của Yahoo Australia ngày 29-4 cho biết phi công Michael Hoebel, 60 tuổi, ở New York (Mỹ) vừa lên một kênh truyền hình thời sự của địa phương thông báo ông đã tìm thấy hình ảnh của chiếc máy bay MH370. Nó nằm dưới đáy biển ở Vịnh Thái Lan, nơi nó có những cuộc liên lạc cuối cùng với đài kiểm soát không lưu sáng 8-3. Ông này giải thích mình đã mất nhiều giờ săm soi hàng ngàn tấm ảnh trên TomNod, một website cung cấp nguồn công cộng đang chia sẻ các hình ảnh vệ tinh cho mọi người tham khảo. Ông khẳng định kích thước của xác chiếc máy bay đó tương xứng với chiếc B777-200ER.

140429-mh370-pilot-hoebel-01

Phi công Michael Hoebel và hình ãnh ông khẳng định là xác máy bay MH370 đang nằm dưới Vịnh Thái Lan.

140429-mh370-pilot-hoebel-02

Vẫn còn quá nhiều điều bí ẩn từ vụ biến mất của chuyến bay MH370, ngay cả về nơi tìm kiếm hiện nay. Dựa vào các thuật toán chuyên ngành để phân tích những tìn hiệu liên lạc tự động phát ra từ chiếc B777-200ER đó mà vệ tinh Inmarsat ở khu vực Ấn Độ Dương thu được, các chuyên gia đưa ra ước đoán rằng sau khi đột ngột đổi hướng khi vừa tới khu vực tiếp giáp giữa không phận Malaysia – Việt Nam trên đường bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) và toàn bộ hệ thống liên lạc bị tắt, chiếc máy bay đã bay ngang không phận Malaysia ra Eo biển Malacca rồi tiếp tục bay suốt 6-7 tiếng đồng hồ về miền nam Ấn Độ Dương cho tới khi rơi xuống biển do hết xăng. Chẳng ai giải thích được vì sao lại xảy ra như vậy.

Ngày 29-4, Subas Chandran, đại diện của hãng Malaysia Airlines, nói với gia đình các nạn nhân người Trung Quốc rằng: Dựa theo số lượng xăng chở trên chuyến bay MH370, máy bay sẽ cạn nhiên liệu sau khi cất cánh 7 giờ 31 phút. Theo đó, máy bay sẽ hết xăng vào lúc 8g12ph sáng 8-3. Và đúng là tính toán như thần, lần liên lạc tự động thứ sáu và cuối cùng giữa máy bay và vệ tinh đã diễn ra lúc 8g11ph sáng.

Rồi trong khi mọi người nỗ lực tìm kiếm ở ngoài khơi nước Úc từ giữa tháng 3-2014 vẫn vô vọng thì vào ngày 5-4, tàu tuần tra Trung Quốc báo thu được tín hiệu từ đáy biển vọng lên. Ngày 7-4, Úc báo tin tàu tìm kiếm của họ đã thu được 2 tín hiệu từ dưới đáy biển giống như loại tín hiệu do các hộp đen máy bay phát ra. Nhưng từ ngày 8-4, không còn tín hiệu nào nữa, trùng khớp với thời gian 30 ngày mà pin của hộp đen có thể hoạt động. Điều lạ lùng là phải đợi tới khi 2 hộp đen gần hết pin, người ta mới phát hiện được tín hiệu của chúng.

Càng thêm ly kỳ hơn khi chuyến bay MH370 tự dưng lại bay tới một khu vực biển xa xôi hẻo lánh ít tàu bè qua lại rồi rơi xuống một vùng đáy biển chưa từng được khám phá, vẽ bản đồ và có độ sâu vượt quá tầm tìm kiếm của các thiết bị lặn, cho dù là lặn không có người lái. Có nghĩa là chuyến bay MH370 đã chọn cho mình một nơi thủy táng mất xác!

Vì thế giữa biết bao điều “hiểu được chết liền” trong vụ MH370 biến mất, những tin đồn rằng máy bay đã bị ai đó bắt cóc và đã hạ cánh xuống một nơi nào đó có nổi lên cũng là chuyện bình thường. Thủ tướng Úc ngày 28-4 khẳng định: “Chiếc máy bay không thể nào biến mất được. Nó phải đang ở một nơi nào đó.”

Cho tới nay, chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là tròn 2 tháng sau khi chuyến bay MH370 biến mất, chưa ai dám xác nhận mọi người trên máy bay đó đã tử nạn!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 29-04-2014)

 

1404-mh370-01

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (hàng trước, thứ 4 từ phải qua) chụp ảnh với các thành viên các đội bay Nhật và Úc tham gia cuộc tìm kiếm MH370 ở ngoài khơi nước Úc.

140401-bluefin-21-indian ocean

Tàu ngầm không người lái Bluefin 21 đang được vớt lên boong tàu Hải quân Úc Ocean Shield sau một chuyến thử nghiệm ở Ấn Độ Dương.

140428-bluefin-21-indian ocean

140428-search-area-indian ocean

140428-search-area-indian ocean-2  140428-search-area-indian ocean-4