Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

CHUYẾN BAY MH370 MẤT TÍCH BÍ ẨN: Người ta đã làm gì ngay sau khi máy bay biến mất?

the-human-cost-of-mh370

 

 

Đài truyền hình Mỹ CNN ngày 2-5-2014 đã phải đưa một bài của biên tập viên Bill Palmer giựt cái tít dễ xa nhau: “Trong chuyện tìm kiếm MH370, sự kém cỏi, mất thời gian” (In MH370 search, incompetence, lost time). Cùng ngày, hãng tin Anh Reuters cho chạy một bài bự chà bá với cái tựa làm đỏ mặt: “Chuyện chẳng ra gì trong việc săn tìm MH370 lộ rõ những lỗ hổng không lưu” (Red herring in hunt for MH370 highlights air traffic flaws).

Những tấm bản đồ mà Bộ Giao thông Vận tải Malaysia cung cấp cho báo giới quốc tế ngày 1-5-2014 cho thấy rõ lộ trình có thể của chuyến bay MH370 ngày 8-3-2014 dựa theo các tín hiệu liên lạc bằng radar thứ cấp của hàng không, radar cao cấp của quân đội Malaysia cho tới vệ tinh. Rõ ràng chiếc Boeing 777-200ER chở 227 hành khách và 12 nhân viên đội bay mới chạm ngõ vùng kiểm soát của Trung tâm điều khiển không lưu TP.HCM (HCMATCC) đã bất ngờ tắt hết mọi tín hiệu rồi “thập diện mai phục” theo kiểu Ninja biến mất tiêu.

Qua báo cáo của các cơ quan hữu trách Malaysia và biên bản các cuộc trao đổi giữa hai ATCC của Kuala Lumpur và HCM, ta có thể dựng lại “hiện trường” như sau:

– 16g41 giờ UTC/GMT (tức 0g14ph giờ Malaysia MYT): Chuyến bay cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur.

– 17g01ph (1g01ph): MH370 xác nhận đạt độ cao bình phi 35.000 feet (11.000 mét).

– 17g07ph (1g07ph): Lần truyền thông báo cuối cùng bằng hệ thống thông tin liên lạc ACARS, MH370 xác nhận đang ở độ cao 35.000 feet.

– 17g19ph (1g19ph): Đài radar Lumpur của Trung tâm KLATCC hướng dẫn MH370 liên lạc với Trung tâm ATCC HCM ở tần số 120.9MHz và được đội bay đáp đã nhận: “Good night Malaysian Three Seven Zero”. Đây là lần liên lạc bằng tiếng nói cuối cùng giữa 2 bên.

– 17g22ph (1g22ph): Tín hiệu radar hàng không cuối cùng ghi nhận được về MH370. Lúc đó máy bay ở vị trí 6 độ 55 phút 15 giây Bắc và 103 độ 34 phút 43 giây Đông. Từ đó, các hệ thống liên lạc trên máy bay đã bị tắt.

– 17g38ph (1g38ph): Kiểm soát viên của HCMATCC báo cho KLATCC biết là cho tới nay vẫn chưa nhận được liên lạc của MH370 như chỉ dẫn khi máy bay bay ngang điểm kiểm tra dẫn đường (navigational waypoint) IGARI – nơi vẫn còn trong không phận Malaysia. HCM đã liên lạc trong khu vực điểm IGARI này nhưng cũng không bắt được liên lạc với MH370 và tín hiệu MH370 biến mất tại điểm kiểm tra BITOD vừa vào không phận Việt Nam.

– 17g41ph (1g41ph): KLATCC trả lời HCM là sau khi bay qua điểm kiểm tra dẫn đường IGARI, MH370 không liên lạc trở lại với KL.

– 17g46ph (1g46ph): HCMATCC lại hỏi KL về MH370 và lại cho phía bạn biết là từ khi MH370 bay qua điểm IGARI, họ không liên lạc được với máy bay đó, và báo cho bạn biết máy bay đã biến mất trên màn hình radar tại điểm BITOD.

– 17g50ph (1g50ph): KLATTC hỏi HCM xem có bắt được liên lạc với MH370 không và nhận được trả lời là không hề.

– 17g57ph (1g57ph): HCMATCC thông báo cho KL biết là họ chính thức không liên lạc được với MH370 cho tới lúc đó. Các nỗ lực của HCM để liên lạc nhiều tần số khác cũng như nhờ những máy bay gần đường bay của MH370 liên lạc hộ nhưng cũng không có trả lời gì từ MH370.

– 18g03ph (2g03ph): KLATCC hỏi lại HCM về tình trạng của MH370. HCM khẳng định không có tín hiệu trên radar cũng không điện đàm được với MH370. Phía KL đã truyền tiếp cho HCM thông tin nhận được từ hệ thống theo dõi chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS OPS) cho biết máy bay đang ở trong không phận Cambodia.

– 18g07ph (2g07ph): Do ngạc nhiên vì lộ trình chuyến bay MH370 đâu có vào không phận Cambodia, HCMATCC hỏi lại KL xem có chắc là MH370 trong vùng kiểm soát của Phnom Penh FIR không? KL đã trả lời để họ hỏi thêm thông tin từ cấp trên.

– 18g11ph (2g11ph): HCMATCC hỏi lại KL tình trạng của MH370. Phía bạn không có cập nhật gì.

– 18g15ph (2g15ph): KLATCC hỏi lại MAS OPS – nơi báo tin rằng MH370 đã có thể trao đổi các tín hiệu với chuyến bay và đang bay trên không phận Cambodia.

– 18g18ph (2g18ph): KLATCC hỏi lại HCM xem liệu lộ trình bay của MH370 có bay ngang không phận Cambodia không và được HCM khẳng định là lộ trình bay của nó chỉ bay ngang không phận VIệt Nam (cái này là chuyện lạ à nghen, máy bay của mình thì KLATCC phải nắm rõ cớ sao lại hỏi HCM chi). HCMATCC đã liên lạc với Cambodia và được xác nhận họ không có thông tin hay liên lạc gì với chuyến bay MH370. HCM khẳng định với KL là tín hiệu radar của MH370 đã bị mất ngay sau khi bay ngang điểm BITOD và không hề liên lạc được với MH370. KLATCC đã hỏi HCM có thực hiện hành động về trường hợp Radio Failure (không thể liên lạc radio) không, nhưng dường như người của HCM không hiểu câu hỏi này. HCM đề nghị KL gọi cho MAS OPS.

– 18g34ph (2g34ph): Quan chức trực KLATCC hỏi thăm Trung tâm MAS OPS về tình trạng liên lạc với MH370, nhưng bên kia nói không chắc thông tin có được gửi thành công hay khong.

– 18g35ph (2g35ph): HCMATCC lại hỏi về tình hình MH370 và được thông báo là lúc này quan chức trực đang nói chuyện với hãng MAS. Vào lúc đó, Trung tâm MAS OPS báo cho KLATCC rằng MH370 đang trong tình trạng bình thường dựa trên tín hiệu download được lúc 18g33ph (2g33ph) ở tọa độ 14 độ 9 phút Bắc và 109 độ 15 phút Đông.

– 18g37ph (2g37ph): KLATCC đã truyền tiếp cho HCM tọa độ của MH370 theo MAS OPS cho biết.

– 18g53ph (2g53ph): Chuyến bay MH386 được HCMATCC yêu cầu cố gắng dùng tần số của KL để bắt liên lạc với MH370. Sau đó, KLATCC cũng yêu cầu chuyến bay này thử liên lạc với MH370 bằng tần số khẩn cấp.

– 19g30ph (3g30ph): Trung tâm MAS OPS báo với KLATCC rằng thông tin theo dõi chuyến bay MH370 là dựa trên dự đoán tiến trình chuyến bay (flight projection) nên không có độ tin cậy về vị trí máy bay. KLATCC đề nghị HCM liên lạc hỏi thăm với trạm kiểm soát kế tiếp là Hainan FIR.

– 19g39ph (3g39ph): KLATCC hỏi xem Trung tâm MAS OPS có thông tin gì mới về MH370 không.

– 20g25ph (4g25ph): HCMATCC hỏi lại KL về vị trí cuối cùng mà MH370 liên lạc với ATCC. KLATCC cũng liên lạc hỏi thông tin của ATCC Hong Kong và Bắc Kinh.

– 21g09ph (5g09ph): ATCC ở Singapore cũng được liên lạc để hỏi xem có thông tin gì về MH370 không.

– 21g30ph (5g30ph): Quan chức trực KLATCC kích hoạt Trung tâm Điều phối Cứu hộ Kuala Lumpur (KLRCC). Hoạt động tìm cứu MH370 chính thức bắt đầu.

– 21g41ph (5g41ph): HCMATCC hỏi KL có tin tức gì mới không.

– 22g14ph (6g14ph): KLATCC hỏi liệu HCM đã kích hoạt hệ thống cứu hộ chưa.

 

Theo thể thức quốc tế, có 3 giai đoạn báo động trong một vụ cứu nạn hàng không. Giai đoạn không chắc (uncertainty phase): khi không nhận được liên lạc nào trong suốt 30 phút sau khi lẽ ra phải có liên lạc. Giai đoạn báo động (alert phase): khi các nỗ lực liên lạc với đội bay thất bại hay hỏi thăm các nguồn có liên quan khác không có bất cứ thông tin gì. Giai đoạn hiểm nguy (distress phase): khi các truy vấn thêm không thể cung cấp bất cứ thông tin nào hay khi nhiên liệu trên máy bay sắp cạn.

Báo cáo sơ bộ của Malaysia cho thấy 2 trung tâm kiểm soát KL và HCM đã cố gắng xoay xở để liên lạc và tìm kiếm thông tin về chuyến bay MH370. Mất 3g52ph kể từ khi HCMATCC báo cho phía bạn biết mình không liên lạc được hay nhìn thấy MH370 trên màn hình radar, KLATCC mới chính thức kích hoạt giai đoạn báo động cuối cùng. Vào thời điểm đó, chuyến bay có thể đã ở đâu đó trên Ấn Độ Dương rồi. Các nhà chuyên môn và ủy ban điều tra quốc tế sẽ xem xét các quy trình đã được các cơ quan hữu trách thực hiện và đánh giá xem thời gian gần 4 tiếng đồng hồ đó có quá lâu như nhiều báo chí đặt vấn đề không?

Có một điều mà biên tập viên Đài CNN khó hiểu là không rõ Trung tâm ATCC của Kuala Lumpur thông báo cho hãng MAS ra sao mà 57 phút sau khi HCMATCC báo tin mất liên lạc với MH370, Trung tâm Theo dõi Chuyến bay của hãng này vẫn còn cho biết chuyến bay vẫn ở trong tình trạng bình thường và đang bay ở Cambodia – cho dù không phận này chưa bao giờ có trong lộ trình chuyến bay MH370 từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh.

Cũng không rõ là sau khi biết tin về MH370, hãng MAS có tiến hành liên lạc trực tiếp với đội bay qua hệ thống liên lạc vệ tinh và giao thức liên lạc liên kết dữ liệu (data-link) không?

Báo cáo sơ bộ do Malaysia công bố ngày 1-5 cũng kèm theo không vận đơn cho thấy chuyến bay hành khách này có chở loại hàng hóa cực kỳ nguy hiểm là pin lithium-ion. Một kiện hàng màu đỏ chứa 440 cân Anh (gần 200kg) loại pin này với lời cảnh báo: “Kiện hàng này phải được xử lý cẩn thận và có nguy cơ phát hỏa nếu như bao bì bị hư hại.” Khi bị hư hỏng và quá nóng, loại pin này không chỉ dễ phát hỏa mà còn phát sinh các chất độc chết người, trong đó có chất thạch tín. Khi nhiễm phải khí thạch tín (arsenic gas), con người sẽ rối loạn thần kinh, mê sảng và hôn mê.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-5-2014)

 

Các tài liệu do chính phủ Malaysia cung cấp cho báo chí ngày 1-5-2014.

mh370-maps-mot-provided-140501-02a mh370-maps-mot-provided-140501-02b

mh370-IGARI navigational waypoint-2

 

KHÔNG VẬN ĐƠN HÀNG HÓA TRÊN CHUYẾN BAY MH370

MH370 cargo manifest-01

MH370 cargo manifest-02

MH370 cargo manifest-03

MH370 cargo manifest-04

MH370 cargo manifest-05

MH370 cargo manifest-06

MH370 cargo manifest-07

MH370 cargo manifest-08

MH370 cargo manifest-09

DANH SÁCH HÀNH KHÁCH VÀ CHỖ NGỒI:

MH370 seating plan-01 MH370 seating plan-02 MH370 seating plan-03 MH370 seating plan-04 MH370 seating plan-05 mh370-Actions taken on Mar 8-01 mh370-Actions taken on Mar 8-02