Thứ Bảy ngày 07 tháng 12 năm 2024

Đài tưởng niệm “sống” cho chuyến bay MH17

 

Hơn 2.000 người thân của các nạn nhân trên chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ngày 17-7-2017 đã tham dự lễ tưởng niệm và khánh thành đài tưởng niệm nằm tại công viên Park Vijfhuizen gần sân bay Amsterdam Schiphol Airport (Hà Lan), nơi chuyến bay định mệnh này cất cánh ngày 17-7-2014 trên đường về Kuala Lumpur (Malaysia). Quốc vương Willem-Alexander và Hoàng hậu Maxima của Hà Lan đã cùng nhiều quan chức nước này và quốc tế tham dự lễ tưởng niệm 3 năm các nạn nhân MH17.

Đài tưởng niệm hình con mắt bằng kim loại.

Cất cánh lúc 10:31 phút (UTC) ngày 17-7-2014, gần 3 giờ sau đó, trong khi đang bay trên bầu trời thành phố Donetsk ở miền đông Ukraine đang xảy ra xung đột vũ trang giữa quân chính phủ Ukraine và các lực lượng ly khai thân Nga, chiếc Boeing 777-2H6ER có số đăng ký 9M-MRD đã bị một quả tên lửa từ dưới đất bắn trúng. Toàn bộ 298 người có mặt trên chuyến bay, gồm 283 hành khách và 15 nhân viên đội bay đều tử nạn. Các nạn nhân đa số là người Hà Lan (193 người) kế đó là Malaysia (43 người), Úc (27 người), Indonesia (12 người), Anh (10 người), và các nước Bỉ, Đức, Philippines, Canada và New Zealand. Cũng có tin nói rằng các nạn nhân gồm tới 17 quốc tịch.

Phần đầu của xác chiếc máy bay MH17.

Hai cuộc điều tra riêng rẽ cùng do Hà Lan đứng đầu đã được tiến hành song song: một xem xét các nguyên nhân kỹ thuật của vụ tai nạn và một về mặt hình sự. Kết quả của cả hai cuộc điều tra đều xác nhận chiếc máy bay đã bị quân ly khai Ukraine bắn tại khu vực do họ kiểm soát bằng một quả tên lửa từ hệ thống tên lửa Buk 332 do Nga chế tạo. Hệ thống tên lửa này vừa được chở từ Nga tới trong ngày xảy ra thảm kịch và ngay sau đó đã được chở về Nga. Người ta nói rằng quân ly khai Ukraine đã “bắn nhầm”. Cho tới nay, phía Nga vẫn phủ nhận mình có trách nhiệm về thảm kịch này. Hồi tháng 7-2015, Malaysia đã trình dự thảo nghị quyết yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thành lập một tòa án quốc tế để xét xử những ai chịu trách nhiệm cho thảm kịch này. Nghị quyết này đã được đa số thành viên HĐBA ủng hộ, nhưng cuối cùng đã bị Nga dùng quyền phủ quyết bác bỏ. Cho tới nay vẫn chưa có ai bị bắt giữ vì có trách nhiệm đối với thảm kịch MH17, mặc dù có tới khoảng 100 nghi can xuất hiện từ hai cuộc điều tra quốc tế.

Đài tưởng niệm “sống” (living memorial) là một cụm rừng gồm 298 cây xanh thuộc 11 loại cây khác nhau, mỗi cây tượng trưng cho một nạn nhân, được trồng theo hình dạng một chiếc nơ màu xanh lá cây. Người ta giải thích rằng cây xanh có nghĩa là “hy vọng” và “tương lai” trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Có một cây táo được dành riêng cho nạn nhân 16 tuổi Gary, quê Rotterdam (Hà Lan) mà cho tới nay thi thể vẫn chưa thể nhận diện được.

Bao quanh là một vòng hoa hướng dương – loài hoa nở hoa vào tháng 7 hàng năm – tháng tưởng niệm MH17. Nó cũng tượng trưng cho vùng trồng hoa hướng dương ở Ukraine mà nhiều bộ phận của chiếc máy bay đã được tìm thấy.

Chính giữa khu rừng này là một tượng đài hình con mắt bằng kim loại mở to nhìn lên bầu trời. Tên của 298 nạn nhân được khắc trong con ngươi của con mắt này. Họa sĩ Ronald Westerhuis, một tác giả của đài tưởng niệm, nói rằng: “Nếu bạn nhìn vào bên trong, bạn có thể nhìn thấy chính mình và tên của người thân yêu đã mất của mình.”  Phía trên con mắt là một lông mày kim loại dài 16 mét tượng trưng cho “gánh nặng của sự mất mát”

Được xây dựng từ tiền quyên góp của các nhà hảo tâm, đài tưởng niệm MH17 này do họa sĩ Ronald Westerhuis và kiến trúc sư phong cảnh Robbert de Koning thiết kế. Nó được đa số người thân của các nạn nhân chọn hồi cuối năm 2015 trong số 3 dự án.

Xin mời xem video:

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.