Thứ Tư ngày 18 tháng 9 năm 2024

Trung Quốc đẩy các nưóc láng giềng về phía Mỹ và NATO

asia_east_map

 

Sau khi đón Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm nước mình hồi hạ tuần tháng 4-2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có một chuyến thăm quan trọng tới trụ sở của khối liên minh quân sự phương Tây NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 6-5-2014. Ông Abe và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã ký một thỏa thuận đối tác mới giữa Nhật Bản và NATO, làm cho sự hợp tác giữa 2 bên càng thêm sâu rộng hơn.

Cụ thể là Nhật Bản và NATO sẽ hợp tác với nhau trong những vấn đề như chống cướp biển, tiếp cứu tai nạn và trợ giúp nhân đạo. Nói nôm na là Nhật Bản sẽ được NATO chống lưng khi nước này lâm nguy.

Khi nói chuyện với các vị đại sứ của 28 nước thành viên NATO, Thủ tướng Nhật Bản đã nhấn mạnh tới 2 khu vực đang diễn ra những bất ổn và bất an do những thế lực láng giềng với những nguy cơ và ảnh hưởng có phần giống nhau. Đó là khu vực Biển Đen với sức ép của Nga lên Ukraine và khu vực châu Á với áp lực từ Trung Quốc lên các nước láng giềng. Riêng Nhật Bản đang bị Trung Quốc tăng cường tranh chấp chủ quyền về nhóm đảo nhỏ trên Biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là nhóm đảo Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố tại cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO rằng: “Chúng ta sẽ không khoan nhượng với bất cứ sự thay đổi hiện trạng nào thông qua sự đe dọa hay bị ép buộc hoặc vũ lực. Điều này đúng với châu Âu hay Ukraine, cũng như với Đông Á và toàn thế giới.”

Chuyến công du mùa xuân 2014 của Tổng thống Obama tới 4 nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines) từ 22 tới 29-4 được giới bình luận quốc tế cho là để tái khẳng định sự tập trung và cam kết của Mỹ trong chiến lược đối ngoại mới về “trục châu Á” (Asia pivot). Đây là một nỗ lực tái cân bằng lực lượng ở khu vực đang là tâm điểm của thế giới này, không để cho Nga và Trung Quốc tự tung tự tác. Tại Tokyo và Seoul, Tổng thống Obama tái khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Kuala Lumpur, Thủ tướng chủ nhà Najib Razak đã hoan nghênh sự tái cân bằng của Mỹ hướng về châu Á. Dịp này, Malaysia và Mỹ đã nâng cấp mối quan hệ giữa 2 nước lên mức “đối tác toàn diện”. Đặc biệt là tại Manila, Mỹ và Philippines đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao có thời hạn 10 năm cho phép Mỹ đưa quân vào nước này theo hình thức luân chuyển, và được sử dụng những căn cứ quân sự của Philippines. Nước Đông Nam Á này trước nay luôn quyết liệt chống lại những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông do Bắc Kinh đưa ra.

Như vậy, nguyên cả vùng biển Thái Bình Dương mà Trung Quốc “ngó ra” đã nằm trong vòng cung bảo vệ của Mỹ và NATO, từ Thái Lan, Malaysia, Singapore ở cánh trái, sang Philippines ở giữa và Nhật Bản, Hàn Quốc ở cánh phải. Giới bình luận quốc tế nhận xét rằng chính thái độ và hành vi theo kiểu “bá vương” của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng trong khu vực đã đẩy các nước này nghiêng mạnh hơn về Washington và tạo cơ hội để Mỹ đẩy nhanh chiến lược “tái cân bằng” ở khu vực kinh tế đang nổi lên lớn nhất thế giới này. Suy cho cùng, tất cả đều vì những quyền lợi của mình, miễn là biết điều để cùng nhau tồn tại và phát triển. Trong thế giới liên lập và phẳng này, việc dùng sức mạnh, bất luận loại gì, để o ép nước khác đều bị coi là thách thức cả cộng đồng quốc tế. Cho dù trong nội bộ từng nước hay khu vực có ai đó vì lợi ích cục bộ hay nguyên nhân gì gì đó mà làm những chuyện gì gì đó, một khi thế lực kia lộng hành quá đáng và con giun bị dí tới cùng cũng oằn lên kháng cự, sức mạnh của số đông và của công lý, lẽ phải sẽ chiến thắng. Các nước đang và có nguy cơ bị o ép sẽ phải liên kết lại với nhau và cầu viện bên ngoài. Thực tế đang diễn ra như vậy.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-5-2014)

 

 us-submarine-subic-bay

Tàu ngầm Mỹ tại Vịnh Subic (Philippines). (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.