Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Đảo chính quân sự ở Thái Lan

140522-thailand-coup-05

 

UPDATED 23-5-2014.

Chuyện gì phải đến ắt sẽ tới. Vấn đề là ở thời điểm. Và giờ G của ngày N đó đã tới với Vương quốc Thái Lan ngày thứ Năm 22-5-2014 khi quân đội chính thức tuyên bố đảo chính, nắm chính quyền. Họ đã ra tay can thiệp sau hơn 6 tháng nước này liên tục bị các phe đảng chính trị nhận chìm trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ và xảy ra hàng loạt vụ bạo lực chết người. Từ hồi cuối năm 2013, người ta đã nghe những tin đồn về một sự can thiệp mới của quân đội.

Thai soldiers in Bangkok

Thiết quân luật ngày 20-5-2014.

Trước đó, lúc 3 giờ sáng 20-5, quân đội Thái Lan đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc do Tướng Prayuth Chan-ocha, Tổng tư lệnh lục quân, ký. Trong thông cáo của mình, quân đội khẳng định đây không phải là một hành động đảo chính. Tình trạng thiết quân luật giúp quân đội có quyền kiểm soát về an ninh, nhưng chính phủ vẫn có quyền lực làm các việc khác trong chức trách của mình. Một đạo luật tồn tại 100 năm nay cho phép quân đội Thái Lan làm điều này khi đất nước bị khủng hoảng chính trị hết phương cứu vãn.

Ngay sau đó, quân đội đã triệu tập những cuộc họp giữa các phe phái đối lập nhau để tìm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng chính trị kéo quá dài ảnh hưởng trầm trọng tới nền kinh tế đất nước, làm xấu đi hình ảnh Thái Lan trên trường quốc tế, gây tổn hại cho tính mạng và tài sản của người dân. Kể từ khi làn sóng biểu tình phe này chống phe kia nổ ra từ tháng 11-2013, xung đột bạo lực đã làm thiệt mạng 28 người và làm bị thương hơn 700 người. Không rõ là do các cuộc họp này chỉ là bình phong hoặc thực tế không đem lại kết quả, quân đội đã nhanh chóng chuyển sang hành động đảo chính chính thức.

140522-Thailand coup

Chiều 22-5, Tướng Prayuth, 60 tuổi, đã cùng 4 vị tư lệnh các binh chủng khác xuất hiện trên hệ thống truyền hình quốc gia loan báo việc quân đội nắm chính quyền. Tướng Tổng tư lệnh lục quân này tuyên bố: “Để đất nước nhanh chóng trở lại bình thường, Ủy ban Gìn giữ Hòa bình Quốc gia (NPKC), bao gồm quân đội, các lực lượng vũ trang Thái, Không lực Hoàng gia và cảnh sát cần phải nắm giữ quyền lực vào lúc 4g30 chiều 22-5-2014.” Một tiếng đồng hồ sau, một lệnh giới nghiêm đã được ban hành trên toàn quốc, mọi người không được ra khỏi nhà từ 10 giờ đêm tới 5 giờ sáng. Hiến pháp đã bị đình chỉ. Mọi người bị cấm tụ tập nhóm từ 5 người trở lên ở bất cứ nơi nào, kẻ vi phạm sẽ bị bỏ tù không dưới 1 năm. Quân đội đã ra lệnh cho 18 quan chức chính phủ, trong đó có Thủ tướng tạm quyền bị lật đổ Niwattumrong Boonsongpaisan, phải trình diện ngay lập tức cho ủy ban quân sự cầm quyền mới thành lập.

140522-thailand-coup-general-prayut

Tướng Prayuth Chan-ocha

Thái Lan vốn có truyền thống đảo chính quân sự. Đây là cuộc đảo chính thứ 12 kể từ khi nước này chấm dứt chế độ quân chủ hồi năm 1932 tới nay. Đó là chưa kể những âm mưu đảo chính. Cuộc đảo chính trước đó xảy ra năm 2006, khi quân đội lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra do ông này bị tố cáo tham nhũng, lạm dụng quyền hạn và bất kính với nhà vua. Hầu như các cuộc đảo chính quân sự này đều không gây đổ máu.

Bịnh quỷ phải có thuốc tiên. Cho dù thế giới ngày nay rất dị ứng với các cuộc đảo chính quân sự và chuyện quân đội cầm quyền, nhưng với tình hình cụ thể của Thái Lan, sự can thiệp của quân đội là cần thiết. Có đáng trách chăng là các nhà chính trị. Họ quá quắt không thể nào chịu nổi. Từ khi Thủ tướng Thaksin bị lật đổ rồi sau đó ủy ban quân sự cầm quyền trao lại quyền hành cho chính phủ dân cử mới được bầu ra, tình hình Thái Lan chưa bao giờ yên ổn. Phe nào lên cầm quyền cũng bị phe đối lập chống đối bằng những cuộc biểu tình, mà hễ biểu tình là dễ phát sinh bạo động. Cả đất nước Thái Lan bị các nhà chính trị bắt làm con tin cho những tham vọng cá nhân của mình. Không thể tính nổi những thiệt hại kinh tế mà bất ổn chính trị đã gây ra cho Thái Lan trong 7 năm nay.

Sau khi nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, đồng ý tiến hành tổng tuyển cử mới, phe đối lập do ông Suthep Thaugsuban cầm đầu đã được đằng chân lân đằng đầu tiếp tục biểu tình chống chính phủ. Và cả sau khi bà đã bị Tòa án Hiến pháp ngày 7-5-2014 phế truất chức vụ Thủ tướng do lạm quyền, ông Suthep cũng chẳng chịu yên mà tiếp tục chống lại chính phủ tạm quyền của đảng cầm quyền của bà Yingluck. Có lẽ ông ta hiểu mình không có bao nhiêu cơ hội để chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử mới. Hình như ông ta muốn triệt cho bằng được những người thuộc phe ông Thaksin, làm cho họ không còn có thể tham gia chính trị nữa mới thôi. Nhà chính trị chuyên nghiệp 65 tuổi này từng giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách an ninh từ năm 2008 tới 2011 dưới trào Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và cho tới năm 2011 là Tổng thư ký đảng Dân chủ. Và sự quá quắt của ông này đã tạo cớ cho quân đội làm đảo chính lần nữa.

Rõ ràng nếu như không có được một thể chế phù hợp cho đặc thù dân chủ của mình, Thái Lan vẫn sẽ tiếp chìm trong những bất ổn chính trị. Bất cứ phe nào lên cầm quyền cũng sẽ bị phe đối lập quậy cho sụp đổ mới thôi. Cuộc đảo chính năm 2006 đã dẫn tới việc sửa đổi hiến pháp nhằm hình thành một hệ thống chính trị ổn định hơn. Nhưng những gì sau đó cho thấy nó vẫn còn những bất cập, dẫn tới cuộc đảo chính lần này.

Nhiều người thắc mắc vai trò của Hoàng gia ở đâu khi nhà vua được toàn dân Thái tôn kính tuân phục? Theo hiến pháp, Hoàng gia không can thiệp trực tiếp vào đời sống chính trị của vương quốc này. Tất nhiên thực tế có những dích dắc. Giới quan sát quốc tế lâu nay vẫn tin rằng mọi chuyện xảy ra trên chính trường Thái Lan đều phải được Hoàng gia bật đèn xanh. Ngay cả cuộc đảo chính này cũng chẳng ngoại lệ.

Bất luận thế nào, đây là một công việc nội bộ của người Thái Lan. Hãy để cho họ tự quyết định lấy vận mệnh của đất nước mình. Chỉ biết cầu mong cho dân tộc anh em láng giềng sớm được hưởng cuộc sống yên ổn, an lành để phát triển. Mà muốn được như vậy, trước hết họ phải có được những chính khách thật sự vì dân, vì nước.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Tác giả có mặt tại Bangkok 4 ngày sau khi xảy ra cuộc đảo chính ngày 19-9-2006.

Phần mình, hôm nay khi ngồi xem những hình ảnh của cuộc đảo chính mới xảy ra hồi chiều này ở Thái Lan, tôi có tâm trạng thiệt là lạ. Ký ức tràn về. Lần Thái Lan xảy ra đảo chính quân sự năm 2006, chỉ 4 ngày sau, tôi đã có mặt tại Bangkok để tác nghiệp và đã được cùng người dân Thái Lan trải nghiệm một cuộc đảo chính quân sự. Cuộc đảo chính quân sự đầu tiên mà tôi từng chứng kiến và cho tới nay vẫn còn in trong óc tôi là vụ đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963, lúc đó tôi mới 6 tuổi và đang ở Đồng Tháp Mười.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 22-5-2014)

 

UPDATED 23-5-2014:

Nữ Thủ tướng bị phế truất Yingluck Shinawatra đã tới một trung tâm quân sự tại thủ đô Bangkok để trình diện nhóm lãnh đạo quân đội đảo chính gọi là Ủy ban Duy trì Trật tự và Hòa bình Quốc gia (National Peace and Order Maintaining Council, NPOMC) vào trưa 23-5-2014, sau các bộ trưởng của bà. Trước đó, Tướng Prayuth Chan-ocha, Tổng tư lệnh lục quân, người lãnh đạo cuộc đảo chính, đã ban hành triệu tập bà Yingluck cùng 22 người là các bộ trưởng và người thân có quyền lực của bà. Viên tướng này có mặt trong cuộc gặp cựu Thủ tướng Thái Lan.

Có tin nói rằng các thủ lĩnh của các nhóm biểu tình thân và chống chính quyền đều đang bị quân đội bắt giam. Ủy ban NPOMC đã cấm 155 nhân vật, bao gồm những nhà chính trị và những nhà hoạt động chính trị, rời khỏi đất nước.

Trong thông báo số 10 của Ủy ban NPOMC ban bố sáng 23-5, Tướng Prayuth Chan-ocha tự tuyên bố nắm giữ vị trí thủ tướng tạm thời cho đến khi chọn được người nắm giữ vị trí này. Theo kế hoạch trước đây, viên tướng tư lệnh 60 tuổi này sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay. Tướng chỉ huy đảo chính giải thích rằng Thái Lan cần phải có thủ tướng để giải quyết những vấn đề theo luật định. Không rõ ông này sẽ cầm quyền trong bao lâu. Trong lần đảo chính năm 2006, quân đội nắm quyền một năm trời.

Tướng Prayuth có kế hoạch tới yết kiến Quốc vương Bhumibol Adulyadej trong ngày 23-5 tại hoàng cung ở Hua Hin (phía nam Bangkok) để giải thích về hành động cùa quân đội. Quốc vương Bhumibol Adulyadej là nhà vua trị vì lâu nhất trên thế giới, năm nay 86 tuổi và đã phải nằm trong bệnh viện suốt từ năm 2009 tới 2013. Tướng Prayuth thuộc nhóm thân hoàng gia.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng không có gì để biện minh cho cuộc đảo chính này, nó sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực cho các mối quan hệ với các đồng minh, đặc biệt là đồng minh quân sự. “Con đường phía trước cho Thái Lan phải bao gồm tổng tuyển cử sớm phản ánh ý chí của nhân dân nước này,” – ông Kerry nói. Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi phe quân đội cầm quyền thả các nhà chính trị đang bị giam giữ.

Bất luận thế nào, cộng đồng quốc tế vẫn không ủng hộ các cuộc đảo chính quân sự. Những người tham gia đảo chính bị chỉ trích nặng nhẹ tùy thuộc cách họ xử trí sau đó và phải sớm khôi phục lại chính quyền dân sự

 

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

140520-thailand-martial-law-01

Thiết quân luật ngày 20-5-2014.

140520-thailand-martial-law-03

Thiết quân luật ngày 20-5-2014.

THAILAND-POLITICS-PROTEST

Đảo chính ngày 22-5-2014.

140522-thailand-coup-04

Đảo chính ngày 22-5-2014.

140522-thailand-coup-02

Đảo chính ngày 22-5-2014.

140522-thailand-coup-03

Đảo chính ngày 22-5-2014.

VIDEO CLIP: