Tàu sân bay Nga tỉnh bơ đi vào lãnh hải NATO
Kinh tế suy thoái dài hạn, thậm chí phải áp dụng chính sách khắc khổ, giảm hết mức có thể giảm được chi tiêu công, khiến cho nhiều nước trong khối liên minh quân sự NATO phải cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng. Hậu quả là khả năng phòng thủ bị suy yếu. Trong một chuỗi khép kín, chỉ cần vài ba mắt xích bị yếu là nguy cơ rất nghiêm trọng.
Trang báo Business Insider (28-5-2014) vừa tiết lộ một sự cố an ninh – quốc phòng khiến NATO giật mình xảy ra ở Hà Lan, một nước thành viên của họ. Ngày 8-5-2014, tàu sân bay duy nhất của Nga là Admiral Kuznetsov đã băng qua vùng kinh tế đặc quyền của Hà Lan mà nước này chẳng có một động thái can thiệp hay hộ tống theo quy định chung.
Trước nay, theo biện pháp chung, mỗi khi phát hiện có máy bay hay tàu chiến của các nước ngoài NATO xâm nhập lãnh hải và không phận một nước thành viên NATO, lực lượng không quân NATO đều phái máy bay tới ngăn chặn và hộ tống cho các phương tiện kia ra khỏi lãnh thổ nước đó.
Thật ra, lực lượng Tuần duyên Hà Lan cũng đã điều một chiếc máy bay Dornier-228 tới bám theo tàu sân bay Nga trong lãnh hải của nước mình. Chỉ có điều, chiếc máy bay này thiếu các thiết bị cần thiết để thu thập hình ảnh hay dữ liệu trinh sát về chiếc tàu đang xâm phạm.
Kể từ năm 2002, Hà Lan đã cho nghỉ hưu toàn bộ đội máy bay tuần tra P-3C Orion của mình. Trong những năm sau đó, lực lượng không quân của hải quân từng có đội máy bay tuần tra biển và các trực thăng Lynx đã bị giải tán hoàn toàn. 10 chiếc trực thăng NH-90 dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trực thăng quốc phòng đã thay thế cho 24 trực thăng Lynx và 8 chiếc máy bay trinh sát P-3. Tuy nhiên, loại trực thăng này không thích hợp với việc giám sát tầm xa các tàu đối phương. Hải quân Hoàng gia Hà Lan cũng giảm bớt hoạt động do nhiều năm liền bị cắt giảm ngân sách quân sự. Từ thập niên 1980 tới nay, Hải quân Hà Lan đã giảm từ 56 tàu chiến xuống còn 23 chiếc và từ 43 máy bay xuống không còn chiếc nào. Từ chỗ nằm trong số những lực lượng vũ trang mạnh nhất châu Âu, Hải quân Hà Lan giờ đây như con kình ngư mắc cạn.
Lúc đó tàu sân bay Admiral Kuznetsov đi qua hải phận quốc tế ở Eo biển Manche giữa Anh và Pháp trên đường từ Địa Trung Hải về cảng nhà của mình ở miền bắc nước Nga sau khi tham gia cuộc bày binh bố trận của Nga quanh Ukraine. Đi theo nó là nguyên một đội tàu gồm 1 tàu tuần dương, 3 tàu dầu, 1 tàu kéo và tàu đổ bộ Minsk. Trước nay tàu sân bay này vẫn đi theo hải trình quanh Ireland ở Bắc Đại Tây Dương để tránh những tuyến lưu thông biển khác. Lần này, nó đột ngột chọn một hải trình khác. Báo chí Hà Lan cho rằng khi chọn chạy qua các vùng biển hẹp, dường như hải quân Nga muốn phô diễn sức mạnh quân sự của mình cho NATO thấy.
Khi đoàn tàu chiến Nga vào Eo biển Manche, Hải quân Hoàng gia Anh đã phái tàu khu trục phòng không mới HMS Dragon chạy kè theo. Sau đó tàu sân bay Admiral Kuznetsov chạy về biển Bắc, đó là địa bàn mà Hải quân Hoàng gia Hà Lan phải đảm trách.
Từ mấy ngày trước, tàu hải quân HNLMS De Zeven Provinciën của Hà Lan đã phát hiện được tàu sân bay Nga trên radar. Nhưng khi tàu Nga vào vùng đặc quyền kinh tế của Hà Lan thì tàu De Zeven Provinciën đang trên đường đi làm nhiệm vụ chống hải tặc ở vùng biển Somali. Hà Lan đã không điều tàu nào khác đi theo đội tàu Nga.
Giới bình luận quốc tế nhận định: Sự thất bại của Hà Lan trong việc hộ tống tàu chiến Nga đi qua lãnh thổ nước này càng làm rõ hơn nữa sự suy giảm ngày càng rộng hơn bên trong châu Âu trong việc duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu của họ.
Theo thỏa thuận, các nước thành viên NATO phải chi ít nhất là 2% GDP mỗi năm cho quốc phòng. Nhưng trong năm 2013, trong tổng số 28 nước NATO, chỉ có 4 nước đạt được chỉ tiêu này.
Chuyện NATO cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong suốt 2 thập niên nay ngoài lý do kinh tế suy thoái kéo dài tại nhiều nước thành viên, còn được cho là các nước châu Âu ỷ lại vào sự bảo vệ của “anh cả” Mỹ theo hiệp ước. Và sự chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh càng thuyết phục các nước châu Âu rằng một thời kỳ hòa bình mới đang nằm trong tay họ.
Ngân sách quốc phòng bình quân của các nước châu Âu trong NATO đã giảm từ 2,5% GDP vào thời kỳ 1990-1994 xuống chỉ còn 1,6% trong năm 2013. Trong khi đó, dù nợ nần ngập đầu và kinh tế còn èo uột, Mỹ vẫn duy trì ngân sách quốc phòng ở mức 4,1% GDP.
Có lẽ Mỹ cũng đã thấy thấm mệt nên Ngoại trưởng John Kerry luôn khăng khăng yêu cầu các thành viên NATO phải có những cam kết mới đáng tin cậy về việc gia tăng ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 29-5-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.