Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

100 năm hành khách được bay tới bay lui

 composite-airplanes-taking-off

 

Thế giới đang trong những ngày kỷ niệm 100 năm ngành hàng không thương mại. Kể từ chuyến bay thương mại chở khách đầu tiên hồi năm 1914, tới nay đã có 65 tỷ hành khách được bay tới bay lui trên khắp bầu trời hành tinh và dự kiến sẽ có thêm 65 tỷ hành khách nữa được bay trước năm 2030. Các chuyên gia nói rằng: với các thế mạnh là hiệu quả hơn, an toàn hơn và xanh hơn, ngành hàng không dân dụng đang bay vào một thế kỷ mới cùng câu slogan “thế giới nhỏ hơn, tương lai lớn hơn” (Smaller World, Bigger Future).

 

Từ những chuyến bay đầu tiên….

 

Kể từ khi hai anh em nhà Wright ở Mỹ chế tạo được chiếc máy bay thành công đầu tiên trên thế giới và thực hiện chuyến bay đầu tiên do con người điều khiển vào tháng 12-1903 tới nay, ngành hàng không đã đạt được những bước phát triển cực kỳ dài và ấn tượng.

Từ chuyến bay đầu tiên ngày 17-12-1903 tại bang North Carolina trên một chiếc máy bay đơn giản chỉ đưa được một mình người em Orville Wright bay được 37 mét trong 12 giây và chuyến bay thứ tư cùng ngày của người anh Wilbur Wright kéo dài 59 giây với chiều dài 260 mét, tới nay những chiếc máy bay khổng lồ của hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing (B787-10 Dreamliner) và Airbus (A380-800) chở được hơn 850 hành khách và bay xa hơn 15.000km.

Các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của anh em nhà Wright có sự chứng kiến của 3 nhân viên cứu hộ duyên hải, 1 nhà doanh nghiệp địa phương và 1 cậu bé dân làng. Vì thế đây là những chuyến bay có công chúng chứng kiến đầu tiên và được ghi chép kỹ lưỡng nhất.

Cũng giống như các phương tiện vận chuyển khác mà con người phát minh trong suốt quá trình tiến hóa để giúp mình đi nhanh hơn, đi xa hơn, những thiết bị bay đã nhanh chóng được sử dụng để vận chuyển người và hàng hóa. Ngành hàng không ra đời từ những khinh khí cầu rồi sau đó không ngừng phát triển sau khi máy bay ra đời. Máy bay càng có tầm bay xa hơn, Trái đất càng được thu nhỏ lại, nhân loại càng gần nhau hơn. Khi máy bay đã đủ sức vượt đại dương, cả hành tinh đã được nối lại với những đường bay ngày càng thêm chằng chịt, thêm vươn xa.

Những nhà tiên phong hàng không Mỹ như Rufus Porter và Frederick Marriott đã khởi lập những hãng vận chuyển bằng máy bay vào giữa thế kỷ 19, tập trung vào tuyến nối hai bang New York ở bờ Đông và California ở bờ Tây.

Lịch sử hàng không ghi nhận Deutsche Luftschiffahrts-Aktiengesellschaft (DELAG) của Đức là hãng hàng không đầu tiên của thế giới. Hãng này được thành lập vào giữa tháng 11-1909 và sử dụng những chiếc tàu bay (airship) do hãng The Zeppelin Corporation chế tạo. Đó là những chiếc thuyền bay (flying-boat) chở hành khách được treo bên dưới quả khinh khí cầu có hình dạng giống như chiếc tàu ngầm khổng lồ.

Zeppelin-LZ7_passenger-airship

Tàu bay Zeppelin LZ7 năm 1909 của Đức.

Zeppelin-LZ127-airship

Tàu bay Zeppelin LZ127 của Đức.

Nhưng chuyến bay thương mại chở khách đầu tiên có lịch bay hẳn hòi (scheduled commercial airline flight) đã diễn ra vào năm 1914. Đó là đường bay SPT Airboat Line (St. Petersburg-Tampa Airboat Line) giữa 2 thành phố St. Petersburg và Tampa (bang Florida, Mỹ). Trong chuyến bay lịch sử đó, phi công Tony Jannus đã điều khiển chiếc tàu bay Benoist có hình dạng tương tự như máy bay ngày nay với 2 tầng cánh. Vị hành khách duy nhất của chuyến bay và đầu tiên của thế giới là Abram C. Pheil, cựu Thị trưởng St. Petersburg. Có tin nói rằng, khi tới Tampa, hành khách Phiel đã đặt một đơn hàng khổng lồ cho doanh nghiệp bán sỉ của mình trước khi đáp chuyến bay trở về khoảng 1 giờ sau đó.

Benoist flying boat-1914

Chuyến bay chở khách đầu tiên năm 1914 từ St. Petersburg tới Tampa.

Trong khi đó, hãng hàng không sử dụng máy bay cánh bằng (fixed wing) sớm nhất là Aircraft Transport and Travel, ra đời ở Anh năm 1916. Hãng này dùng những chiếc máy bay quân sự 2 tầng cánh cũ Airco DH.4A được cải biến lại để chở 2 hành khách, bay giữa hai thành phố Folkestone (Anh) và Ghent (Bỉ).

Hãng hàng không xưa nhất thế giới cho tới nay vẫn còn hoạt động là KLM của Hà Lan, ra đời năm 1919. Nó bắt đầu bay giữa Amnsterdam (Hà Lan) và Luân Đôn (Anh) từ năm 1920 – đường bay này được duy trì tới nay. Trong năm đầu tiên, hãng KLM vận chuyển được 345 hành khách và khoảng 25 tấn bưu phẩm và hàng hóa (nghĩa là chỉ bằng 1 chuyến bay của máy bay Boeing 747 ngày nay).

Ba hãng hàng không “già” nhất thế giới khác cho tới nay vẫn còn hoạt động là Avianca (Colombia), Qantas (Úc) và Czech Airlines (CH Czech).

 

… tới khi bầu trời đen nghịt những cánh bay

 

Theo bản báo cáo thường niên của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), trong năm 2012, tổng số lượng hành khách đi máy bay của các nước thành viên (gồm 191 nước trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc) đã đạt tới gần 3 tỷ người (tăng 4,7% so với năm trước) và số chuyến bay cất cánh trên toàn cầu lên tới 31,2 triệu chuyến (tăng 0,7% so với năm 2011). Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực lớn nhất, chiếm tới 30% lưu lượng hàng không của thế giới, và trong năm 2012 đã đạt tốc độ tăng trưởng 6,4%. Châu Âu chiếm 27% lưu lượng (tăng 3,9%) và Bắc Mỹ chiếm 27% lưu lượng (tăng 1,3%).

Để có thể hình dung được bầu trời hành tinh đen nghịt những chuyến bay như thế nào, bạn có thể vào các trang web như flightradar24.com, flixxy.com,… xem hoạt động hàng không gần như với thời gian thực. Theo flixxy.com, bình quân mỗi ngày có 93.000 chuyến bay xuất phát từ khoảng 9.000 sân bay trên thế giới. Có nghĩa là cùng một lúc, trên bầu trời có mặt từ 8.000 tới 13.000 chiếc máy bay. Riêng ở Mỹ, nếu tính tất cả các loại máy bay (dân sự, quân sự, hàng không, tư nhân,…) mỗi ngày bình quân có tới 87.000 chuyến bay cất cánh, nghĩa là mỗi phút có 13 chuyến bay. Còn nếu chỉ tính trong ngành hàng không thôi, mỗi ngày có hơn 2 triệu hành khách bay trên hơn 30.000 chuyến bay ở Mỹ.

 

Hàng không vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất

 

Hầu như đã thành quán tính, hễ năm thì mười họa xảy ra một vụ tai nạn máy bay ở đâu đó trên thế giới, người ta thường lại cảm thấy “lạnh cẳng” khi nghĩ tới chuyện đi máy bay. Mà nói cho cùng, máy bay bay tít mù trên trời cao, độ cao bình phi cho những chuyến bay quốc tế cũng khoảng 11km, và chuyến nào cũng chở vài ba trăm người, hễ tai nạn xảy ra là vô cùng thảm khốc, ai sống sót chỉ là nhờ “phép mầu”.

Nhưng thực tế, cho tới nay, máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất trên thế giới, với độ an toàn bỏ xa lắc, xa lơ các loại xe cộ, tàu bè.

Giáo sư Thống kê học Arnold Barnett của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) chuyên nghiên cứu về an toàn hàng không thương mại đã dựa trên các con số thống kê ở Mỹ trong 19 năm (từ 1975 tới 1994) mà tính ra rằng nguy cơ thiệt mạng của mỗi chuyến bay có xác suất 1 trên 7 triệu chuyến bay. Nếu tính theo con số như vậy, một hành khách bay mỗi ngày trong cả cuộc đời thì phải mất 19.000 năm mới trúng phải chuyến bay tử thần giũ sổ. Đó là thời điểm 1994, còn giờ đây độ an toàn cao hơn nhiều lần.

 

XÁC SUẤT THIỆT MẠNG Ở MỸ VỚI NHỮNG NGUYÊN NHÂN (NĂM 1994)
NGUYÊN NHÂN XÁC SUẤT BÌNH QUÂN
Bệnh tim mạch 1 trong 2
Hút thuốc (trước 35 tuổi) 1 trong 600
Xe hơi đường dài 1 trong 14.000
Xe đạp 1 trong 88.000
Bão tố, lốc xoáy 1 trong 450.000
Xe lửa đường dài 1 trong 1 triệu
Sét đánh 1 trong 1,9 triệu
Ong chích 1 trong 5,5 triệu
Máy bay hàng không Mỹ 1 trong 7 triệu
Nguồn: Natural History Museum of Los Angeles County, Massachusetts Institute of Technology, University of California at Berkeley

 

Theo thống kê, nếu băng qua nước Mỹ trong hành trình xuyên lục địa, đi máy bay sẽ an toàn hơn gấp 10 lần so với đi xe lửa.

Báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết, trong năm 1990 có 500 triệu hành khách hàng không được vận chuyển với khoảng cách bình quân 800 dặm, với hơn 7 triệu chuyến bay cất cánh và hạ cánh, trong mọi điều kiện thời tiết, và có 39 người bị chết vì tai nạn hàng không. Cũng trong năm đó, có hơn 46.000 người chết vì tai nạn xe hơi. Thử so sánh nhé, nếu gây ra số người chết tương tự tai nạn xe hơi, bình quân mỗi tuần phải xảy ra 1 vụ tai nạn máy bay Boeing 727 kín ghế mà không ai sống sót.

 

SỐ NGƯỜI CHẾT VÌ TAI NẠN MỖI NĂM Ở MỸ (NĂM 1990)
NGUYÊN NHÂN SỐ NGƯỜI CHẾT
Máy bay hàng không 100
Điện 850
Xe đạp 1.000
Súng bị cướp cò 1.452
Chữa trị y khoa 3.000
Nghẹt thở và nghẹn 3.600
Lửa 5.000
Chết đuối 5.000
Trúng độc 5.300
Đi bộ trên đường 8.000
Tai nạn lao động 11.000
Ngã 12.000
Sự cố tại nhà 22.500
Tai nạn xe hơi 46.000
Nguồn: Bureau of Safety Statistics, National Transportation Safety Board

 

Theo báo New York Times (11-2-2013), trong vòng 5 năm tính tới cuối năm 2012, xác suất hành khách bị thiệt mạng ở Mỹ là 1 trong 45 triệu chuyến bay. Còn trên toàn cầu, năm 2012 là năm an toàn nhất kể từ năm 1945, với 23 tai nạn chết người làm chết 475 người. Theo Mạng An toàn Hàng không (Aviation Safety Network), năm 2000 thế giới xảy ra 42 tai nạn máy bay, giết chết 1.147 người.

Mức độ an toàn hàng không ngày càng gia tăng cho dù số lượng hành khách và chuyến bay không ngừng tăng lên. Theo nghiên cứu của Giáo sư Arnold Barnett của Học viện MIT (Mỹ), số liệu thống kê trong 15 năm (từ 1975 tới 1994) cho thấy nguy cơ thiệt mạng của mỗi chuyến bay có xác suất 1 trên 7 triệu chuyến bay. Nghĩa là, một hành khách bay mỗi ngày trong cả cuộc đời thì phải mất 19.000 năm mới xui xẻo lên nhầm chuyến bay định mệnh. Tới thời gian từ 2008 tới 2012, xác suất này lên tới 1 trên 45 triệu chuyến bay và phải mất 123.000 năm để một hành khách đi máy bay mỗi ngày trong đời có nguy cơ bị thiệt mạng.

 

Những chiếc máy bay tương lai sẽ ra sao?

aibus-in-future-concept

Khái niệm của Airbus về máy bay tương lai với vách trong suốt.

 

An toàn, hiệu quả, tiện dụng và tiện nghi là những tiêu chí chính của ngành hàng không dân dụng.

Vấn đề tiêu hao năng lượng luôn làm đau đầu cả các hãng hàng không lẫn các hãng máy bay. Nó không chỉ là giảm chi phí hoạt động (có nghĩa là tăng lợi nhuận hay thậm chí giảm lỗ), mà còn là bảo vệ môi trường. Robert van der Linden, người phụ trách mảng hàng không tại Viện Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia thuộc Viện Smithsonian, nói rằng: “Một đột phá lớn nơi một chiếc máy bay sẽ đem lại nửa phần trăm hay 1% hiệu quả nhiên liệu, điều này không nhiều đối với một chiếc máy bay, nhưng đối với một hàng hàng không, đó là con số khổng lồ. Nó là hàng triệu USD tiết kiệm được mỗi năm.”

Airbus A380 là máy bay hành khách lớn nhất thế giới hiện nay. Và tương lai của nó được cho là phụ thuộc vào việc hãng Airbus không ngừng tái phát triển và cải thiện khả năng cho nó. Năng lượng là một trong những vấn đề chủ chốt của Airbus. Gregor Dirks, nhà cải cách công ty cho Airbus, nói rằng: “Chúng tôi phải làm cái gì đó về điều này. Giảm mức tiêu hao nhiên liệu là một phương cách, và chúng tôi đã rất thành công về chuyện này trong quá khứ.”

Tầm nhìn của Airbus về tương lai có thể được nhìn thấy qua khái niệm của hãng này về thiết kế máy bay. Nó chứa đầy nhóc những thứ được làm bởi những giấc mơ kỹ thuật. Chẳng hạn như tính năng gọi là “leo cao kinh tế” (eco-climb), máy bay khi cất cánh được trợ lực bởi hệ thống tăng tốc sức đẩy để có thể lên tới độ cao bình phi nhanh hơn (ở độ cao này, máy bay ít tiêu hao nhiên liệu hơn). Các ghế ngồi sẽ dùng thân nhiệt của hành khách chuyển thành điện năng cung cấp cho các hệ thống máy bay. Các ghế ngồi sẽ giống như những cái kén (pod). Các tấm vách máy bay trở nên trong suốt để hành khách có thể nhìn toàn cảnh. Airbus còn có ý tưởng giúp cho việc hành khách lên máy bay (boarding) nhanh hơn. Trong thành phố sẽ có trung tâm làm thủ tục check-in và hành khách sẽ được đưa vào ngồi trong những cái kén nhỏ chính là những chiếc ghế máy bay. Người ta sẽ vận chuyển những cái ghế này tới sân bay và chỉ cần trượt chúng vào máy bay là xong. Các thanh chống (bracket) bằng titanium dùng trong cabin máy bay sẽ được làm bằng công nghệ in 3D vừa giảm trọng lượng linh kiện, vừa cho phép chế tạo theo những hình dáng “cơ học” mà sẽ vô cùng đắt nếu sản xuất theo các phương pháp hiện nay.

Nhưng chắc chắn tất cả mọi nỗ lực của ngành hàng không đều sẽ phải phục vụ cho nhu cầu chính đáng của các hành khách là ai cũng có thể bay, bay thoải mái hơn, nhanh chóng hơn, an toàn hơn và dĩ nhiên hấp dẫn nhất là rẻ hơn.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

 (Saigon 8-6-2014)

 

Đài truyền hình Mỹ CNN đang thực hiện một tuần lễ kỷ niệm 100 năm chuyến bay hành khách đầu tiên của thế giới với nhiều video clip thú vị. Mời bạn xem một clip về lịch sử ngành hàng không thế giới:


 

+ Nguồn ảnh: Internet.

Airbus A380-800-340

Airbus A380-800-02

Airbus A380-800-01

Airbus A380-800 Superjumbo Blueprint Aircraftgif

787-8, 787-9 and 787-10 Artwork

Boeing_787_Dreamliner-2

Boeing 787 Dreamliner Blueprint Aircraft

Boeing_787_Dreamliner

BOEING-ANA/ C

 

VIDEO CLIPS:

BOEING B787

 

AIRBUS A380