Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Trung Quốc xây dựng những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông

Vietnam China Oil Rig

 

Cát, ximăng, gỗ và thép là những công cụ mới nhất trong “kho đạn tranh chấp lãnh thổ” của Trung Quốc khi họ đang tìm cách thay đổi lại hình dạng của Biển Đông. Hãng tin Mỹ Bloomberg (11-6-2014) cho biết như vậy.

Ngày 1-5-2014, Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu khí Haiyang Shiyou 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đưa quân đánh chiếm từ năm 1974. Từ đó, hơn 100 tàu các loại, có cả tàu chiến và máy bay chiến đấu, đã được Trung Quốc tập trung vào khu vực này, danh nghĩa là để bảo vệ giàn khoan trị giá 6 tỷ nhân dân tệ (gần 1 tỷ USD), nhưng thực chất là để khiêu khích, đối đầu với các tàu chức năng của Việt Nam làm nhiệm vụ ở đây.

Trong khi đó, theo lời các ngư dân Philippines và các quan chức trong vùng, Trung Quốc đã cho tàu chở vật liệu xây dựng tới các vùng biển gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác để xây dựng những hòn đảo nhân tạo. Hành động này của Trung Quốc làm người ta nhớ lại cái phương pháp mà Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) từng làm trong việc lấn ra biển bằng cách xây dựng 2 hòn đảo nhân tạo hình cây cọ là Palm Jumeirah và Palm Jebel Ali hồi giữa năm 2001 ở Vịnh Persia.

Ông Eugenio Bito-onon, 58 tuổi, thị trưởng một vùng dân cư thưa thớt mà Philippines đặt tên là Kalayaan (Tự do) nằm trong quần đảo Trường Sa nói rằng: “Họ (Trung Quốc) đang hình thành những hòn đảo nhân tạo chưa bao giờ tồn tại từ hồi tạo thiên lập địa, giống như những hòn đảo ở Dubai. Việc xây dựng này có quy mô lớn và không ngừng nghỉ. Nó sẽ dẫn tới việc Bắc Kinh nắm toàn bộ quyền kiểm soát vùng Biển Đông.”

Eugenio Bito-onon-mayor-philippines

Thị trưởng Eugenio Bito-onon đang chỉ đảo Kalayaan mà mình làm “chúa đảo” trên bản đồ Quần đảo Trường Sa.

Theo điện báo của một trong 40 ngư dân trên 2 con tàu cao tốc ở khu vực này, các tàu Trung Quốc đã giỡ những bao ximăng và những cột gỗ và thép gần Bãi đá ngầm Johnson South hồi giữa tháng 5-2014. Pasi Abdulpata, 40 tuổi, một nhà thầu đánh bắt cá của Philippines, hôm 28-5 cho biết: “Họ (Trung Quốc) dường như đang chuẩn bị xây dựng những ngôi nhà. Họ tới đây trên 3 chiếc tàu lớn bằng cỡ tàu tuần duyên của chúng tôi.” Anh nhấn mạnh: “Những gì Trung Quốc đang làm là sai trái, làm biến dạng Thái Bình Dương.” Hồi tháng 10-2013, trong khi đang đánh bắt cá ở phía nam Trường Sa, gần đảo Parola, Abdulpata đã nhìn thấy những chiếc tàu Trung Quốc. Anh kể: “Có một chiếc tàu Trung Quốc khổng lồ đang hút cát và đá từ đáy biển để phun sang một bên.”

Theo hãng tin Bloomberg, các hòn đảo nhân tạo ở những vùng biển đang tranh chấp sẽ được Trung Quốc sử dụng để xác lập chủ quyền của mình ở đó và có khả năng sẽ phát triển những căn cứ để kiểm soát các vùng biển có những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới. Trung Quốc luôn tuyên bố vùng biển này nằm trong cái gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” (nine-dash line) có trên bản đồ của Trung Hoa từ thập niên 1940. Năm 2012, Trung Quốc đã thành công trong việc cưỡng chiếm Bãi đá cạn Scarborough Shoal của Philippines. Và bây giờ, họ đang gây sức ép với Việt Nam để xác lập chủ quyền trên các vùng lãnh hải của nước láng giềng này.

Ông Richard Javad Heydarian, một giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila (Philippines) nhận xét: “Trò chơi kết thúc của Trung Quốc là để có “thực trạng” (de facto) – nếu như không có yếu tố “pháp lý” (de jure) mà kiểm soát các vùng biển gần kề, cả Tây Thái Bình Dương. Chỉ có một câu hỏi duy nhất là nếu như và bằng cách nào mà họ đạt được điều đó. Trung Quốc có thể cần xem xét các biện pháp bằng sức mạnh hơn để chống lại sự kháng cự ngoan cường của những nước khác bị Trung Quốc tranh chấp.”

Trường Sa là một nhóm hơn 100 đảo và bãi ngầm nằm rải rác trên vùng biển ở nam Biển Đông. Suốt những thập niên qua, các hòn đảo này bị tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Trung Quốc. Hãng tin Mỹ Bloomberg nhắc lại sự kiện năm 1988, hải quân Trung Quốc đã tấn công giết chết 64 lính biên phòng Việt Nam canh giữ các đảo ở đây. Trung Quốc cũng cắt đứt các đường tiếp tế từ Philippines tới Bãi cạn Ayungin, nơi Philippines có một tàu chiến với một số binh lính đóng tại đó hồi năm 1999.

Nếu gom tất cả các đảo và bãi đá ngầm của Trường Sa lại có tổng diện tích khoảng 5km vuông, nhưng chúng lại trải rộng ra một khu vực biển bằng diện tích nước Iraq. Đây là ngư trường đánh bắt cá ngừ, cá thu, mục ống, bạch tuộc, và rùa biển. Nó cũng có trữ lượng dầu khí lớn. Theo một báo cáo hồi tháng 2-2013 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, khu vực Biển Đông ước tính có trữ lượng dầu mỏ khoảng 11 tỷ thùng và 190 ngàn tỷ feet khối khí tự nhiên.

Trung Quốc luôn coi quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa (Nansha) là lãnh hải của mình. Ngày 6-6-2014, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei nói với báo giới rằng: “Bất cứ cái gì Trung Quốc làm trên bất cứ hòn đảo hay bãi đá ngầm nào cũng đều là trong quyền chử quyền của mình.”

Việc Trung Quốc xây dựng bất cứ cấu trúc nào trên Bãi đá ngầm Johnson South đều là mâu thuẫn với tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN. Tuyên bố Ứng xử (DOC) này kêu gọi các bên kiềm chế không “đến sống trên các hòn đảo, bãi đá ngầm bãi cạn, đảo nhỏ và những thực thể khác hiện đang không có người ở”. Điều nực cuời là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei nói rằng: “Trung Quốc tuân thủ nghiêm chỉnh Tuyên bố DOC.”

Ngày 10-6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel nói rằng: “Có nhiều bài báo về những hoạt động ở Biển Đông, như việc tranh chấp chủ quyền, xây dựng quy mô lớn những tiền đồn mà cho tới nay vượt khỏi điều mà một người biết điều ắt sẽ phải xem xét coi có phù hợp với việc duy trì hiện trạng hay không. Việc o ép và đe dọa dùng vũ lực như một cơ chế cho các tranh chấp lãnh thổ gia tăng đơn giản là không thể chấp nhận được.”

Chính phủ Philippines đã có một sự lựa chọn  sáng suốt và được cả thế giới ủng hộ là đưa việc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ra tòa án Liên Hiệp Quốc. Tất nhiên là điều này chớ hề nằm trong kịch bản của Trung Quốc, vì họ biết rõ “lẽ phải” và “chứng lý” của mình tới mức nào. Bởi vậy, cho tới nay Bắc Kinh vẫn bác bỏ chuyện tham gia vụ kiện này. Thị trưởng Bito-onon của đảo Kalayaan thuộc quần đảo Trường Sa nói rằng mình thích giải quyết vấn đề qua tài phán quốc tế như vậy. Nó giúp Philippines khỏi bị rơi và sa lầy vào cái bẫy đối đầu quân sự mà Trung Quốc đang giăng ra. Một khi hai bên cứ căng nhau bằng vũ lực đối đầu nhau, làm sao giữ mãi để không tránh khỏi một sự va chạm sẽ bị một bên đang canh me dùng làm que diêm châm vào thùng thuốc nổ. Chẳng thể nào giữ được khi có một bên cứ gài bẫy và giở đủ mọi thủ đoạn để khiến đối thủ sơ sẩy mà sụp bẫy. Ông Bito-onon nói: “Bạn không thể dùng một thanh bolo (dao dạng mã tấu của người Philippines) để đấu với súng đâu. Đó là điên rồ.”

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là ở những vùng theo biên giới tự nhiên, là điều khó thể tránh khỏi trên cả thế giới. Nhưng có tranh chấp thì phải dùng các cơ chế tài phán quốc tế theo thông lệ quốc tế và công pháp quốc tế để phân xử. Nếu ai cũng dùng sức mạnh của mình để cưỡng chiếm các vùng lãnh thổ đang tranh chấp thì thiên hạ ắt loạn thôi. Mà xưa nay, kẻ phải dùng tới vũ lực trong bất cứ một cuộc tranh đua nào cũng đều là kẻ bị đuối lý và ngang ngược thiên hạ vô đối!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-6-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Vietnam China Oil Rig

Tàu Trung Quốc đang dùng vòi rồng bắn nước vào tàu Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa ngày 7-5-2014.

Vietnam China Oil Rig

Tàu Trung Quốc đang dùng vòi rồng bắn nước vào tàu Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa ngày 4-5-2014.

schina_sea_88