Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chuyện nghe kể về ông Tập

Chinese President Xi Jinping addresses a joint news conference with U.S. President Barack Obama in the Rose Garden at the White House in Washington September 25, 2015. REUTERS/Gary Cameron

Chinese President Xi Jinping addresses a joint news conference with U.S. President Barack Obama in the Rose Garden at the White House in Washington September 25, 2015. REUTERS/Gary Cameron

 

Bạn có để ý thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) hoặc tỉnh bơ hoặc chỉ nhếch mép khi thấy ở đâu đó có người biểu tình đòi ông ta phải trả lại lãnh thổ cho họ. Mà sao lại đòi ông Tập trả đảo lại cho mình? Thực tế là ông ta không có cái quyền đó và cũng như ông ta đâu có trực tiếp xâm chiếm chúng. Bất luận thế nào, ông Tập cũng chỉ là nhà lãnh đạo cao nhất có nhiệm kỳ ở Trung Quốc, một đất nước xưa nay có một nền chính trị và hệ thống cầm quyền phức tạp. Theo thể chế, tổng bí thư và chủ tịch nước chỉ là hai thành viên được Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng đề cử đứng ra trực tiếp cầm quyền. Nghĩa là ông Tập không cầm quyền một mình. Ngoài ra, lâu nay báo chí thế giới vẫn nói về một thế lực rất mạnh, thậm chí có quyền chi phối, trong bộ máy cầm quyền ở Trung Quốc, đó là giới tướng lãnh quân đội.

Oan có đầu, nợ có chủ. Bởi vậy, các đảo ở Biển Đông là do Trung Quốc chiếm đóng. Đối tượng để đòi lại lãnh thổ chính là Trung Quốc mà người đại diện trước pháp luật là chính quyền Trung Quốc, viết tắt là Bắc Kinh.

Thiệt tình mà nói, mấy cái chuyện bành trướng lãnh thổ này chủ yếu là do giới cầm quyền và một số bộ phận nào đó ở Trung Quốc chủ xướng và đeo đuổi. Không phải toàn bộ người dân Trung Quốc có ý như vậy, mặc dù ai mà không khoái có thêm đất đai. Trong nhiều lần sang làm việc tại Trung Quốc trước đây, tôi hỏi nhiều người Trung Quốc có biết Việt Nam không? Vói giới trung niên trở lên, nghĩa là những người có chịu ảnh hưởng (phải cầm súng hay có người thân thương vong) hoặc trải qua lần biến động cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 (Bắc Kinh xua quân sang tấn công vùng biên giới phía bắc của Việt Nam), còn có những người nhớ Việt Nam là một cuộc chiến tranh. Còn với giới trẻ, hầu hết chẳng biết Việt Nam là nước nào. Nếu nói tới Hà Nội, TP.HCM thì có nhiều người nghe tên hơn. Cũng có thể mấy năm gần đây tình hình có khác do Bắc Kinh đã huy động bộ máy tuyên truyền lão luyện và khổng lồ của mình để làm cho người dân nhận thức rằng Việt Nam “chiếm” đảo của họ. Ở đây xin thưa thiệt là hồi đó, tôi còn dám hỏi vậy, chớ gần đây qua bển, tôi chớ dám lồ lộ ra mình là người Việt Nam. Trước khi qua đời lúc tôi mới 13 tuổi, cha tôi dặn: muốn sống sót trên đời phải luôn cẩn tắc vô áy náy nghen con.

Vì vậy, tôi nghĩ mình phải phân biệt rạch ròi giữa nhà cầm quyền Bắc Kinh và người dân Trung Quốc. Không ít người Trung Quốc mà tôi từng tiếp xúc, họ sống “được” lắm – có lẽ phần chính do họ còn trẻ và có học thức.

Có người thắc mắc vì sao không hề đả động gì tới chuyện chủ quyền ở Biển Đông khi ở Việt Nam và phát biểu tới 20 phút tại Quốc hội Việt Nam, nhưng chỉ một ngày sau trước cử tọa tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), ông Tập lại một lần nữa xác định chủ quyền “từ thời cổ đại” của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông. Tôi nghĩ là đã có sự thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Hà Nội để tránh điều này. Hơn nữa, với một chính khách dày dạn như ông Tập, ai lại tới thăm nhà chủ nhân lại công khai nói về những món bảo vật mà mình chiếm được của chủ nhân. Các nghị sĩ thì chỉ được nghe chứ không được hỏi. Cũng chẳng có cuộc họp báo chung nào của hai nhà lãnh đạo theo lẽ thường tình, vì ai có thể bụm miệng được các nhà báo nước ngoài, nhất là với một chủ đề mà họ luôn coi là hot nhất.

Nếu nói ông Tập lật lọng thì cũng oan cho ông ấy. Bởi ở Việt Nam và mục đích chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam lần này chỉ nhằm kêu gọi Việt Nam bảo vệ và tăng cường tình hữu nghị đặc biệt Việt – Trung. Bắc Kinh coi đó mới là “đại cục”. Còn những chuyện khác, kể cả các hòn đảo ở Biển Đông, theo họ chỉ là những “tiểu sự”. Xưa nay cả thế giới vẫn chuộng cách hành xử bỏ qua tiểu tiết (tiểu sự) mà hướng tới đại sự (đại cục). Biết đâu chừng phía bên kia lại cho rằng bên này “nhỏ mọn”, muốn cùng hợp tác với Trung Quốc để chinh phục thiên hạ mà không dám “hy sinh” những cái “tiểu sự”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền dạy các thế hệ kề tục: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước.” Sử sách chép rằng vào năm 1473, khi xuất hiện tranh chấp biên giới với nhà Minh, vua Lê Thánh Tông dụ cho Thượng thư Bộ Binh Lê Cảnh Huy: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-11-2015)

+ Ảnh: Ổng Tập phát biểu trong chuyến thăm Mỹ hạ tuần tháng 9-2015. Nguồn ảnh: Reuters/Internet. Thanks.