Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Điều gì đang chờ đợi Ukraine?

140822_Ukrainian_people_greet_th

 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã kéo khá dài. Hơn 2.000 người đã bị thiệt mạng ở đây tính từ giữa tháng 4-2014 tới nay.

Muốn biết Ukraine sẽ đi về đâu, người ta phải nhìn lại gốc rễ của cuộc khủng hoảng này. Về sâu xa, nước có diện tích lớn nhất trong số các nước nằm gọn trong lãnh thổ châu Âu này từng có một lịch sử lâu dài gắn với Nga. Từ 360 năm trước, Ukraine đã là một thành phần của Đế chế Nga. Vào thời hiện đại, Ukraine là một thành viên sáng lập của Liên Xô hồi tháng 12-1922. Để kỷ niệm 300 năm Ukraine thuộc về Đế chế Nga, năm 1954, Liên Xô tách Bán đảo Crimea ra khỏi Nga để làm quà tặng cho Ukraine. Mối lương duyên này kéo dài cho tới khi Ukraine tách ra khỏi Liên Xô để trở thành một nước độc lập vào năm 1991. Mầm mống bất ổn hiện nay ở Ukraine bắt đầu vào tháng 11-2013 khi tổng thống hồi đó là Viktor Yanukovych đã đột ngột trở cờ, phá vỡ một thỏa thuận tích hợp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU), chộp ngay lấy lời hứa của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Nga sẽ chi 15 tỷ USD mua lại nợ nần của chính phủ Ukraine vốn đang cạn kiệt tài chính, cũng như cắt giảm giá khí đốt cho Ukraine.

Quyết định của Tổng thống Yanukovych làm bùng nổ cuộc khủng hoảng nội bộ ở Ukraine khi lực lượng đối lập và có khuynh hướng ngả về châu Âu tổ chức biểu tình phản đối. Áp lực ngày càng gia tăng, cuối tháng 2-2014, ông Yanukovych bỏ chạy sang Nga, một chính phủ mới thân châu Âu được dựng lên ở Ukraine.

Cuộc khủng hoảng đã phát triển tới quy mô quốc tế khi chính quyền mới của Ukraine đối đầu với Nga, dẫn tới việc Nga đưa quân vào Bán đảo Ukraine, và đến tháng 3-2014 thì Bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga. Từ đó trở đi, lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine cũng bắt đầu nổi dậy, chiếm giữ vùng lãnh thổ này. Cuộc nội chiến Ukraine bùng nổ dắt dây theo cuộc khủng hoảng Ukraine trên trường quốc tế khi Mỹ và phương Tây cấm vận kinh tế chống Nga để trừng phạt việc nước này can thiệp vào Ukraine.

Giới bình luận quốc tế cho rằng ở khu vực nhạy cảm này đang diễn ra một thuyết âm mưu mà các thế lực có dính dáng luôn rình rập, gài bẫy nhau hòng thực hiện các toan tính, ý đồ của cá nhân mình. Nghiệt ngã ở chỗ hơn 44 triệu người dân Ukraine phải chịu tình cảnh nạn nhân khi nước mình là con cờ trên bàn cờ quốc tế.

Cộng đồng quốc tế lâu nay bị rơi vào mớ bòng bong và trong màn sương mù bởi các thông tin trái ngược nhau mà khó thể kiểm chứng do các phía can dự tung ra. Ngay như việc các nhà lãnh đạo phương Tây xác nhận là Nga đang đóng nhiều quân sát biên giới Ukraine cũng có thể được hiểu theo các cách khác nhau. Nhưng thực tế Nga không thể nào bỏ trống đường biên giới với một nước làng giềng đang đối đầu với mình. Còn chuyện Nga có đưa quân vào lãnh thổ Ukraine hay không lại là chuyện khác.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng Tổng thống Putin sẽ không ngây thơ tới mức đưa quân vào xâm chiếm Ukraine. Nhưng chuyện hỗ trợ cách nào đó cho các lực lượng ly khai thân Nga lại là một chuyện khác nữa.

Mục đích chính của Nga trong vấn đề Ukraine là ngăn cản Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự phương Tây NATO. Nga đang bị bao vây bởi quá nhiều nước là thành viên NATO. Tiếp giáp với Biển Đen, ngoài Nga và Ukraine có Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia (mà người Việt quen gọi là Gruzia). Ba nước Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên NATO. Georgia đang làm thủ tục gia nhập NATO. Vì thế, sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như Ukraine trở thành một đầu cầu cho NATO áp sát biên giới Nga.

Ngược lại, NATO cũng muốn có trong tay một đất nước nằm ở vị trí địa chính trị quan trọng như Ukraine.

Giải pháp nào cho Ukraine? Tất nhiên, nền tảng vẫn là do chính người Ukraine tự quyết định tương lai của mình. Nhiều nhà bình luận quốc tế nghiêng về giải pháp Ukraine là một nước trung lập, làm nhiệm vụ một vùng đệm giữa NATO và Nga. Ukraine có thể gia nhập Liên minh EU, nhưng việc trở thành một nước NATO lại lợi bất cập hại.

Thật tình, cộng đồng quốc tế không hào hứng gì với cuộc khủng hoảng Ukraine đâu. Việc cấm vận Nga không chỉ có hại cho Nga mà còn gây nhiều tổn thất cho cả phương Tây. Chắc chắn họ sẽ phải tác động để sớm có được một giải pháp tốt cho tất cả ở Ukraine.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

 (Saigon 28-8-2014)
+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TP.HCM thứ Năm 28-8-2014.
+ Ảnh: Người dân ở miền đông Ukraine chào đón đoàn xe chở hàng cứu trợ của Nga hồi hạ tuần tháng 8-2014. (Nguồn: Internet. Thanks)