Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Trái đất lại thoát khỏi va chạm một tiểu hành tinh

asteroid-earth-01

 

 

Theo tính toán của các nhà thiên văn, vào lúc 2g15ph chiều (giờ miền đông Hoa Kỳ) ngày Chủ nhật 7-9-2014 (tức 1g15ph sáng thứ Hai 8-9 ở Việt Nam), một tiểu hành tinh (asteroid) sẽ bay sượt qua Trái đất. Với khoảng cách lúc đó khoảng 25.000 dặm (40.000km), chắc chắn là không có cơ hội để thiên thể nhỏ này va chạm với hành tinh chúng ta.

Ai cũng biết là trong vũ trụ lúc nhúc những thiên thể lớn nhỏ, mỗi cái quay theo quỹ đạo riêng, có thể đan xen vào nhau, và khả năng va chạm lẫn nhau là không tránh khỏi. Trong khi chúng ta lo đối phó với những thiên thể lớn, mối nguy hiểm của những thiên thể nhỏ (có số lượng vô số kể) ngày càng gia tăng theo xác suất được thu hẹp dần. Điều nguy hiểm là theo Quỹ Long Now Foundation, loài người cho tới nay vẫn chưa đầu tư thỏa đáng cho các hệ thống có khả năng phát hiện các thiên thể nhỏ. Chẳng hạn như thiên thể bay sượt qua Trái đất ngày 7-9-2014 chỉ được phát hiện trước một tuần. Trong khi đó, phát hiện càng sớm, loài người càng có nhiều thời gian chuẩn bị đối phó với những “vị khách vũ trụ không mời mà lao tới”.

Các nhà thiên văn tại đài thiên văn Catalina Sky Survey gần Tucson (bang Arizona, Mỹ) – đài thiên văn chuyên phát hiện những vật thể gần Trái đất có thể gây nguy hiểm – đã phát hiện ra tiểu hành tinh này hôm 31-8-2014. Sau khi xác minh với các đài thiên văn khác, Cơ quan Hàng không – Không gian Mỹ (NASA) đã đặt tên cho thiên thể này là 2014 RC. Đó là một tảng đá có đường kính chừng 18 mét, tức bằng cỡ thiên thạch đã lao xuống bốc cháy trên vùng Chelyabinsk (Nga) hồi tháng 2 năm ngoái.

Theo tính toán, vào thời điểm áp sát nhất, thiên thể ở cách Trái đất 25.000 dặm. Đây là khoảng cách đủ xa để hai thiên thể không va chạm vào nhau, nhưng vẫn còn là khá gần trong thế giới thiên văn. Thiên thể gần với Trái đất giống như nhiều vệ tinh liên lạc và thời tiết hoặc gần hơn 10 lần so với mặt trăng.

asteroid-earth-02

Khi bay ngang qua Trái đất, tiểu hành tinh 2014 RC ở một nơi nào đó trên New Zealand. Nhưng do quá nhỏ, nó chỉ có thể nhìn thấy qua kính thiên văn. Độ sáng biểu kiến của nó khoảng 11, nghĩa là chỉ bằng khoảng 1% độ sáng của ngôi sao yếu nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.

Thật ra, nếu như các nhà khoa học tính đúng, loài người vẫn còn có thể ăn no ngủ kỹ dài dài đối với nguy cơ Trái đất bị tổn thất nặng nề do một vụ va chạm trong vũ trụ. Họ ước tính rằng xác suất một thiên thể khổng lồ đụng phải Trái đất gây thiệt hại quy mô toàn cầu chỉ xảy ra 1 lần mỗi 1 triệu năm. Cách đây 65 triệu năm, một thiên thể có đường kính 1km đã đụng phải Trái đất gây nên thảm họa tuyệt chủng cho nhiều loài vật, trong đó có loài khủng long. Vào năm 1908, một thiên thể có đường kính từ 60 tới 190 mét đã rơi xuống một góc xa xôi của vùng Siberia của Nga. Khi va chạm mặt đất, thiên thạch này đã tạo ra một năng lượng lớn hơn 1.000 lần so với quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Nó đã tiêu diệt khoảng 80 triệu cây trên một diện tích rộng 830 dặm vuông. Cũng may là một thiên thạch lớn cỡ đó có xác suất rơi trúng Trái đất 1 lần mỗi vài ba ngàn năm.

asteroid-earth-03

Các nhà khoa học nói rằng bây giờ là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta có khả năng để phát hiện và làm chệch hướng đi của một thiên thể nhỏ.

Bước đầu tiên để bảo vệ Trái đất là phát hiện được các tiểu hành tinh đang lao tới. Hiện nay, chúng ta có một số đài thiên văn có nhiệm vụ phát hiện các vật thể gần Trái đất mà nổi tiếng nhất là đài thiên văn Catalina (bang Arizona) và đài Pan-STARRS ở Haiwaii. Cơ quan NASA ước tính rằng với các đài thiên văn này, chúng ta đã phát hiện được hơn 90% các thiên thể gần Trái đất có nguy cơ va chạm. Trong số đó có 10% thiên thể đủ lớn để gây thiệt hại cho Trái đất, ít nhất là thảm họa ở mức khu vực.

Biện pháp giúp phát hiện được nhiều thiên thể có nguy cơ hơn là sử dụng những kính thiên văn đặt trên không gian. Ở đó, chúng không chịu những sự ảnh hưởng bởi khí quyển và ánh sáng mặt trời. Cơ quan NASA đã có dự án phóng một kính thiên văn như vậy gọi là NEOCam và tổ chức tư nhân B612 Foundation hiện đang huy động 450 triệu USD để phóng một kính thiên văn không gian tên là Sentinel giúp quan sát một khu vực khác trên vũ trụ. Cả hai kính thiên văn này sẽ giúp phát hiện sớm những thiên thể có kích thước trung bình có khả năng gây những tổn hại nghiêm trọng trên Trái đất. Đáng tiếc là 2 hai dự án này vẫn đang còn vướng phải thủ tục đầu tiên là “tiền đâu”.

Ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng có dự án thiết kế và thử nghiệm một hệ thống các thiết bị phát hiện nhỏ trên không gian, nhưng vẫn phải chờ các nước chung vốn, ước tính khoảng 2,5 tỷ USD.

Bạn sẽ giậm chân đùng đùng khi biết những hệ thống bảo vệ Trái đất khỏi các thiên thể đó chưa thể thực hiện vì thiếu những khoản tài chính quá nhỏ so với chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ (tốn 400 tỷ USD) hay chi phí cho Thế vận hội Sochi ở Nga (khoảng 51 tỷ USD). Bạn có biết chi phí xây sân vận động mới cho đội bóng bầu dục Dallas Cowboys (bang Texas) là bao nhiêu không? Tốn 1,2 tỷ USD, trong đó có khoảng 1 phần 4 là từ tiền thuế của người dân Mỹ.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-9-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.