Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Điều gì đang xảy ra ở biên giới hai nước đông dân nhất hành tinh?

china-india-map-2

 

Dường như đối với Trung Quốc, làm ăn kinh tế là một chuyện, chính trị là một chuyện, còn tranh chấp lãnh thổ lại là một chuyện khác. Nó ứng với những gì mà lâu nay giới phân tích quốc tế nói rằng Bắc Kinh thực chất có tới 3 ông chủ: nhà chính trị, quân đội và giới kinh doanh.

Điều này một lần nữa vừa được thể hiện. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi trung tuần tháng 9-2014 đã có chuyến thăm chính thức 3 ngày ở Ấn Độ để tăng cường mối giao hảo giữa 2 nước láng giềng có thị trường lớn nhất nhì thế giới. Trung Quốc hứa sẽ đầu tư 20 tỷ USD vào Ấn Độ. Nhưng chỉ ít ngày trước khi ông Tập tới Ấn Độ, khoảng 1.000 lính Trung Quốc đã vượt biên giới vào khu vực Chumur của Ấn Độ và buộc chủ nhà phải điều ngay 1.500 quân tới, hai bên chỉ cách nhau 100 mét. Phải sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đích thân 2 lần lên tiếng, ngày 18-9, ông Tập mới thông báo cho chủ nhà là ông đã trực tiếp ra lệnh cho binh lính Trung Quốc rút về ra xa khỏi vùng biên giới này. Thực tế là quân hai bên vẫn còn ở cách nhau 1,5km.

Báo Business Insider (18-9-2014) vạch trần mưu đồ: Trung Quốc đang chầm chậm và lặng lẽ thâu tóm các vùng lãnh thổ tranh chấp dọc theo biên giới với Ấn Độ. Giáo sư Brahma Chellaney, nhà nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi (Ấn Độ) mô tả rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật “tằm ăn rỗi” (salami slicing), tích tiểu thành đa trong các mưu đồ tranh chấp lãnh thổ. Và điều này không chỉ xảy ra ở biên giới với Ấn Độ mà Trung Quốc còn đang áp dụng ở các khu vực khác, như Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trung Quốc và Ấn Độ có chung đường biên giới đang tranh chấp dài nhất thế giới. Nhìn lên bản đồ, ta thấy ở phía tây bắc, khu vực Kashmir bị giằng co giữa 3 nước: Ấn Độ (bang Jammu-Kashmir), Pakistan (Azad Jammu-Kashmir), và Trung Quốc (Aksai Chin). Còn ở phía đông, bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ (nằm kẹp giữa Bhutan, Tây Tạng và Myanmar) bị Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình và vẽ trên bản đồ với địa danh là “Nam Tây Tạng” (South Tibet).

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc cứ từ từ đưa quân xâm chiếm từng ô nhỏ ở các vùng lãnh thổ tranh chấp. Do quy mô nhỏ nên chủ nhà không thể làm lớn chuyện, đưa ra quốc tế, mà phải tự giải quyết lấy. Bắc Kinh khôn ngoan để giữ các hành vi này ở mức nhỏ, không đủ để khơi mào một cuộc chiến tranh. Với ưu thế về mọi mặt, kể cả việc bất chấp tất cả, Trung Quốc luôn lấn lướt, đặt mọi sự ở tình thế đã rồi.

Giáo sư Srikanth Kondapalli của Đại học Jawaharlal Nehru nói với báo Mỹ The Wall Street Journal rằng: cái chiến lược này của Trung Quốc đang phát huy hiệu quả. Cách đây 5 năm, vị trí con đường gây tranh cãi mà quân đội Trung Quốc đang xây dựng rõ ràng nằm bên trong lãnh thổ Ấn Độ. Còn bây giờ, nơi đó đã nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc.

Bất chấp việc Trung Quốc và Ấn Độ vẫn có các nhà lãnh đạo cao nhất qua lại thăm viếng lẫn nhau và giao thương vẫn tăng trưởng, hai nước láng giềng này luôn đối đầu với nhau về lãnh thổ. Hai nước đã có một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962. Ấn Độ từ năm 1959 vẫn cho phép chính phủ lưu vong của Tây Tạng đặt trụ sở trên lãnh thổ nước mình.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các cảng biển ở Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, và Myanmar nói là để phục vụ giao thương, nhưng ai cũng biết chúng sẽ là những trạm cho hải quân Trung Quốc ở hải ngoại. Tướng Deepak Kapoor, cựu Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, nói rằng ý đồ của Bắc Kinh là hình thành một vòng vây chung quanh Ấn Độ.

Thế giới bị bắt làm con tin trước một quả bom nguyên tử luôn âm ỉ giữa hai nước láng giềng đông dân nhất nhì thế giới (chiếm tới hơn 2,5 tỷ trong tổng số dân 7 tỷ của hành tinh). Hai nước này đều sở hữu vũ khí hạt nhân và là hai nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-9-2014)

– Bản đồ đường biên giới tranh chấp dài nhất thế giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. (Nguồn: Internet. Thanks).