Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Afghanistan hồi hộp với những gì đang xảy ra ở Iraq

Image: US troops leave Afghanistan

Lính Mỹ rời khỏi thủ đô Kabul (Afghanistan) “go home” năm 2013.

 

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tới thời hạn cuối cùng để Mỹ rút hết quân chiến đấu ra khỏi Afghanistan như thỏa thuận song phương. Về mặt kỹ thuật, cũng kể từ ngày đó, Afghanistan coi như không còn quân quốc tế, việc bảo vệ an ninh đất nước là do chính người nước này đảm nhiệm. Mỹ cũng đóng lại cuộc chiến tranh Afghanistan mà họ khởi xướng và can dự suốt 13 năm nay (từ tháng 10-2001).

Nhưng những gì diễn ra ở Iraq sau khi Mỹ rút hết quân hồi tháng 12-2011 sau gần 9 năm tham chiến (từ tháng 3-2003) làm cho người ta lo ngại về một Afghanistan cũng sẽ tương tự. Do khả năng còn non yếu và những bất cập của chính quyền Iraq, đất nước này đã chìm trong bạo lực khủng bố với cuộc chiến tang tóc giữa hai phái Hồi giáo Shiite và Sunni. Gần đây nhất là sự lộng hành của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS).

Suốt mấy tuần qua, truyền thông Mỹ nói nhiều về phản ứng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đối với quyết định của ông sếp cũ của mình. Ông Panetta phê phán Tổng thống Barack Obama đã phớt lờ lời tư vấn của ông để quyết định rút quân Mỹ quá nhiều và quá nhanh ra khỏi Iraq, trong khi nền tảng cần thiết của nước này chưa được chuẩn bị chu đáo. Bài học nhãn tiền này cần được ứng dụng ở Afghanistan.

Trong cuốn sách mới xuất bản của mình, ông Panetta cho biết hồi năm 2013, trong những ngày cuối cùng ở Lầu Năm góc, ông đã “gây sức ép” để Nhà Trắng xem xét để lại từ 8.000 tới 10.000 quân ở Afghanistan sau hạn định rút quân cuối năm 2014. Sau khi rời khỏi ghế Bộ trường Quốc phòng, ông vẫn cẩn thận để lại lời ghi chú về yêu cầu đó. Và năm 2014, Tổng thống Obama loan báo kế hoạch để lại 9.800 quân Mỹ ở Afghanistan. Số quân này sẽ được giảm phân nửa vào cuối năm 2015 và rút hết vào cuối năm 2016. Hiện nay, Mỹ vẫn còn 32.000 quân ở Afghanistan, nhưng không còn trực tiếp chiến đấu. Ngày 30-9-2014, một ngày sau khi ông Ashraf Ghani, tổng thống mới đắc cử của Afghanistan nhậm chức, kế hoạch của Mỹ đã được Afghanistan đồng ý khi chính phủ mới của nước này ký Hiệp định An ninh Song phương (BSA) với Mỹ. Hiệp đình này đã bị tổng thống trước đó là Hamid Karzai từ chối ký kết. Cũng hôm đó, Afghanistan ký thỏa thuận cho phép NATO để lại 3.000 quân sau năm 2014.

2014-afghanistan-president

Gánh nặng đang đè lên vai tân Tổng thống Ashraf Ghani của Afghanistan (giữa), người vừa nhậm chức ngày 29-9-2014.

Còn nhớ hồi hạ tuần tháng 5-2014, báo The New York Times cho biết một số tướng lĩnh Mỹ muốn Mỹ tiếp tục giữ ít nhất là 10.000 quân ỏ Afghanistan “trong nhiều năm” sau 2014. Có lẽ họ cho rằng đó không chỉ để giúp bảo vệ thành quả mà Mỹ đã đạt được sau 13 năm hao người tốn của, mà còn để thể hiện tinh thần trách nhiệm của Mỹ cũng như ngăn ngừa những hậu quả như đang xảy ra ở Iraq. Theo số liệu của hãng tin Mỹ AP, tính từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh hiện nay ở Afghanistan ngày 7-10-2001, tới ngày 21-10-2014, có 2.207 lính Mỹ tử trận. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết có 20.023 lính Mỹ bị thương. Thương vong của Mỹ trong hơn 13 năm ở Afghanistan vẫn thấp hơn trong cuộc chiến tranh ở Iraq (từ 2003 tới 2011) có tới 4.488 lính Mỹ chết và 32.222 người bị thương. Theo tính toán của Trường Chính quyền Kennedy thuộc Đại học Harvard, hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq đã tốn tiền thuế của người Mỹ tới 6.000 tỷ USD (bình quân mỗi hộ dân Mỹ phải gánh 75.000 USD). Không thể trách được khi người ta đặt câu hỏi sự hy sinh và tổn hại đó đem lại gì cho Mỹ?

Từ Pakistan, nước láng giềng và có không ít can dự của Afghanistan, nhà báo nổi tiếng Ahmed Rashid đã gọi kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan là một “sai lầm mang tính thảm khốc” (catastrophically wrong). Ông đoan chắc rằng sau năm 2014, Afghanistan sẽ sụp đổ thành một cuộc nội chiến với sự nổi lên của những nhóm phiến quân thậm chí còn cực đoan hơn cả Taliban. Cũng theo Rashid, lực lượng Taliban hiện nay hoạt động mạnh ở phần lớn các tỉnh thành, và “ở nhiều nơi, quân đội Afghanistan chỉ đủ sức để bảo vệ doanh trại của mình”.

Liệu tình hình mới ở Tây Á có khiến cả Mỹ lẫn Afghanistan phải xem xét lại chiến lược hợp tác an ninh song phương?

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 22-10-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM 21-10-2014

 

Retrograde Operations, Afghanistan

Binh lính Sư đoàn 101 Không kỵ Mỹ và binh lính Jordania lên máy bay vận tải C-130 Hercules của Không quân Mỹ ngày 23-9-2013 tại căn cứ Salerno thuộc tỉnh Khost (Afghanistan). Họ là những người may mắn đang được “go home”.

afghanistan-us-troops-01 Operation Enduring Freedom afghanistan-us-troops-03 afghanistan-us-troops-04 afghanistan-us-troops-05 Shane W. Cantu afghanistan-us-troops-08