Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Cơ hội và thời điểm cho giải pháp Ukraine

Ukraine-Conflict-Map2

 

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin là nguyên thủ quốc gia ra về sớm nhất tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm 20 nước G20 ở Brisbane (Úc) hôm 16-11-2014 đã bị truyền thông phương Tây suy diễn là phản ứng của ông trước việc những nước thành viên phương Tây gây áp lực với ông về viêc Nga can dự vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, sau khi về Nga, ông Putin đã nói với các nhà báo rằng truyền thông phương Tây đã quá cường điệu về những xung đột giữa ông và các nhà lãnh đạo phương Tây. Ông đánh giá cuộc họp G20 có “bầu không khí xây dựng”. Nhà lãnh đạo Nga giải thích việc chiếc chuyên cơ của mình rời Úc sớm nhất là vì ông cần trở về Moscow để làm việc và trước hết là cần “ngủ 4, 5 tiếng”. Ông nói mình thiếu ngủ trầm trọng. Cuộc họp G20 diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-11 gần như ngay sau cuộc họp thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh ngày 10 và 11-11. Chuyến bay từ Moscow tới Brisbane dài tới 18 giờ. Quả thật là những hình ảnh mà các phó nhòm phương Tây ghi được cho thấy ông Putin đã rời khỏi khách sạn Úc với vẻ mỏi mệt.

141116-g20-vladimir-putin-leave-hotel-01

Tổng thống V. Putin ngày 16-11-2014 rời khách sạn ở Brisbane ra sân bay về nước với vẻ mặt mỏi mệt. (Photograph: Jason Reed/Reuters)

Khách quan mà nói rằng, ở cuộc họp Bắc Kinh, ông Putin cảm thấy thoải mái như ở nhà mình. Trung Quốc chủ nhà và Nga vừa là láng giềng, vừa là bạn làm ăn lớn và lâu dài của nhau, cũng như là hai nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “tâm đầu ý hợp” với nhau nhất. Có đối phó thì ông Putin chỉ phải bận tâm tới Tổng thống Mỹ Barack Obama thôi, vì mối quan hệ giữa hai nước hiện quá căng thẳng, chủ yếu cũng do vụ Ukraine. Còn tại cuộc họp G20, tuy trong số 20 thành viên có 7 nước châu Á – Thái Bình Dương mới gặp tại APEC, nhà lãnh đạo Nga coi có vẻ bị cô lập với cả Cộng đồng châu Âu (EU) và nhiều cường quốc phương Tây.

Báo Anh The Guardian (16-11-2014) viết rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đã xếp hàng tại G20 để lên án (condemn) các hành động của Nga ở Ukraine và vai trò của Nga trong thảm kịch chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi khi đang bay qua bầu trời miền đông Ukraine giáp Nga ngày 17-7-2014 giết chết toàn bộ 298 người trên máy bay. Khi bế mạc cuộc họp G20, Thủ tướng Úc Tony Abbott kể với báo giới rằng ông đã có một “cuộc thảo luận rất thẳng thắn và mạnh mẽ” với ông Putin tại cuộc họp APEC và ông cho rằng nhiều nhà lãnh đạo phương Tây cũng vừa có những cuộc nói chuyện tương tự với nhà lãnh đạo Nga ở G20. Về cá nhân, Thủ tướng Úc không đồng ý với những gì đang xảy ra ở miền đông Ukraine và yêu cầu Nga hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra về thảm kịch chuyến bay MH17. Còn tại G20, ông Putin là thượng khách của nước Úc giống như các nhà lãnh đạo G20 khác.

Tuy không tin là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang xuất hiện, nhưng Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng mình đã “mạnh mẽ” trong những ý kiến với nhà lãnh đạo Nga tại G20. Còn Thủ tướng Canada, Stephen Harper, cũng vừa gặp nhau tại Bắc Kinh, cho biết ông đã thẳng thắn nói với ông Putin hãy rút khỏi Ukraine.

Trong khi đó, cũng chính báo Anh The Guardian (16-11-2014) đã đưa tin khá đậm về quan điểm của Tổng thống Nga về Ukraine và G20. Theo đó, ông Putin nói rằng các cuộc thảo luận về Ukraine tại cuộc họp G20 là thẳng thắn và có nhiều thông tin. Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Một số cái nhìn của chúng tôi không đồng nhất, nhưng các cuộc thảo luận đó đã trọn vẹn, có tính xây dựng và rất hữu ích.”

Nhưng điều mà cả thế giới chờ đợi nhất là khi Tổng thống Nga Putin nói rằng đã có “một cơ hội tốt cho giải pháp” về cuộc xung đột Ukraine. Trước đó, ông Putin nhấn mạnh rằng việc tăng cường và kéo dài cấm vận kinh tế của phương Tây chống Nga có liên quan tới Ukraine sẽ làm tổn hại cho nền kinh tế của cả thế giới. Nga cũng đã cho Mỹ và châu Âu biết sức mạnh quân sự đáng sợ của mình. Vì thế, phải chăng đã tới lúc các bên cùng nhau khép lại cuộc khủng hoảng Ukraine mà trong năm 2014 này đã khiến hơn 4.000 người ở miền đông nước này bị giết chết. Mỗi bên phải biết nhượng bộ nhau một bước. Và điều tiên quyết là mỗi nước khác phải đặt mình vào hoàn cảnh của Nga đối với Ukraine để hiểu hơn vì sao Nga muốn Ukraine là một vùng đệm trung lập giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là với khối quân sự NATO.

Hãng tin Anh Reuters (17-11-2014) cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn dài 30 phút của đài truyền hình Đức ARD hôm 16-11, Tổng thống Putin nói ông đã được thuyết phục rằng có khả năng tìm được phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng ông lo ngại sẽ xảy ra thanh lọc sắc tộc ở đó. Để tỏ thiện chí, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Nga sẽ hoãn nợ số tiền 3,2 tỷ USD mà Ukraine vay Nga hồi năm ngoái. Có gỡ được cục rối Ukraine, cộng đồng quốc tế mới có thể tập trung chống lại mối đe dọa toàn cầu của bọn Hồi giáo cực đoan ISIS đang ngày càng thách thức và lộng hành.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 18-11-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM 18-11-2014

Một khu dân cư bị trúng đạn pháo tại thành phố Slovyansk (miền đông Ukraine).

141005-ukraine-donetsk-shelling

Một ngôi nhà ở thành phố Donetsk (miền đông Ukraine) trúng đạn pháo.

ukraine-eastern-slovyansk-mortar-01

Bà Yekaterina Len 61 tuổi đứng khóc trước ngôi nhà của mình bị trúng đạn pháo tại Slovyansk (miền đông Ukraine).

ukraine-eastern-slovyansk-mortar-02 ukraine-eastern-slovyansk-mortar-03 ukraine-eastern-slovyansk-mortar-04 ukraine-eastern-slovyansk-mortar-05 ukraine-eastern-slovyansk-mortar-06