Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Những vị thầy ẩn mặt

Trong buổi khai mạc Đại hội Điện ảnh Zurich năm 2013, siêu sao Hugh Jackman (chuyên thủ vai người sói Wolverine trong bộ phim X-Men) đang bước trên thảm đỏ tiến vào hý viện. Các ký giả đứng dọc hai bên lối đi để săn tin. Jackman chợt chạy tới vỗ vai một ký giả rồi nói, “Rollo hả! Thể chất của cậu có tiến triển không? Tôi là thầy dạy thể dục của cậu hồi còn ở trường Uppingham School, tỉnh Rutland, England.” Hai người nhìn nhau bật cười sung sướng.

jackman

Hugh Jackman (bên phải) gặp lại học trò cũ Rollo Ross tại Zurich năm 2013.

Trí nhớ của thầy Jackman thật hiếm có. Có lẽ ông là wolverine, mang bản tính sói, nên “đánh hơi” ra ngay cậu học trò cũ, dù cậu này đã đổi hình dạng. Thế rồi báo chí khắp nơi đều loan mẩu tin về cuộc gặp gỡ này. Ngôi trường Uppingham bỗng trở nên nổi tiếng với Wolverin Jackman là hình ảnh độc đáo của trường.

Tuy nhiên chẳng riêng gì trường Uppingham, bất cứ trường học nào cũng có nét độc đáo riêng. Lý do giản dị vì nó là mảnh đất thần tiên của những tâm hồn ngây thơ và đầy tiềm năng. Chỉ cần lắng đọng tâm hồn một chút là thấy ngay nét thần tiên của nó. Chẳng hạn ngôi trường trong câu chuyện của tôi. Tôi dạy học ở Kiến Tường, một ngôi trường nghèo, ở tỉnh lẻ vùng biên giới, nơi chẳng thể nào có vị thầy siêu sao. Lúc ấy gia tài của tôi chỉ có ba bộ quần áo và một đôi giày. Tôi tự giặt quần áo, nhưng chưa bao giờ bỏ công đánh bóng đôi giày. Tôi có cuộc sống của người: ở nhà trọ, ăn cơm tháng, tối soạn bài. Phải, tôi tự soạn bài rồi đọc cho học trò chép tay. Cuộc sống của các vị đồng nghiệp của tôi đại khái cũng vậy. Kể ra cũng có vài vị oai phong hơn vì đã lập gia đình, nhưng là oai với người trong nhà. Trường học nghèo, thiếu phòng ốc, thiếu thầy cô, thiếu trợ huấn cụ… Nếu hỏi, “Vậy trường có cái gì độc đáo?” Tôi nhớ ngay đến cái nét tinh túy nhất của ngôi trường nghèo này, đó là tiếng kẻng gang. Vào những giờ nhất định, thầy giám thị cầm thanh sắt gõ vào kẻng. Tiếng coong coong có uy lực làm tất cả mọi sinh hoạt đang diễn ra đều phải đổi chiều. Có lần sau khi bình giảng xong bài thơ, tôi bảo lớp học, “Các em hãy soạn đại ý của bài thơ.” Chừng 10 phút sau, tôi chỉ tay vào một cậu ngồi ở bàn phía “bên kia” rồi nói, “Em cho biết ý kiến.”  Em đứng lên mới mở miệng định nói thì tiếng kẻng vang lên. Em từ từ ngậm miệng lại. Tôi nhìn em… rồi ra dấu cho cả lớp ra về. Câu trả lời của cậu học trò này ra sao, chỉ mình cậu ta biết.

Đối với tâm hồn của tôi, tiếng kẻng vượt xa hơn tiếng vang của âm thanh. Nét độc đáo của nó không phải vì âm điệu tuyệt vời, nhưng vì gợi ra mối hoài niệm xuyên qua thời gian. Nó là biểu tượng cho tiếng gọi thuần khiết mộc mạc nhất vọng lên từ học đường. Không phải chỉ riêng nơi ngôi trường tôi dạy, nhưng là học đường nói chung. Nó lay động lòng học trò, trong đó có người học trò là tôi, rồi chia thời gian và không gian thành hai hướng lửng lơ.

Trong cuộc gặp gỡ giữa thầy trò Hugh-Rollo nói trên, có điều lạ là trò Rollo Ross không nhận ra “Mr. Jackman”. Sau này khi bị người ta chất vấn, anh ta nói, “Ai mà ngờ ông thầy cũ của mình bây giờ là siêu sao.” Có thể Rollo có trí nhớ tồi, nhưng nói chung tất cả chúng ta, ai cũng có những vị thầy bị lãng quên. Thông thường nếu tính từ lúc học lớp vỡ lòng cho đến khi thôi học, chúng ta khó nhớ được tất cả các vị thầy của mình. Mỗi người đều có nhiều thầy, nhất là đối với những ai như tôi thường thay đổi chỗ ở, nên cũng phải thay đổi trường, và tất nhiên phải có nhiều thầy. Rồi vào cái tuổi ngồi ôn lại chuyện cũ, chúng ta nhận ra nhiều vị thầy đã phai mờ trong ký ức. Họ trở thành những vị thầy ẩn mặt trong dòng thời gian.

Âm vang của tiếng kẻng như lời những vị thầy ẩn mặt vọng về từ lớp học. Người ta chỉ nghe được âm thanh chứ không thể nhìn thấy âm thanh. Lời thầy vọng về, biết là có đó nhưng không thể hình dung, vì hình dáng và ngay cả tên của thầy cũng đã hoàn toàn bị xóa trong trí nhớ. Tiếng kẻng đã rất nhiều lần cắt ngang thời gian, đặt những vấn đề dở dang vào trí óc học trò, để họ tự mở. Cũng vậy, những vị thầy ẩn mặt đã mất dấu trong thời gian, nhưng để lại hạt giống trí thức vào tâm học trò, để trò tự trồng. Tâm biết là có tri thức và trí óc biết là từ thầy. Tôi xin mượn giai thoại “Bờ bên kia” của họ nhà Thiền để nói về thực tại này.

Chuyện Thiền kể rằng có chú tiểu về quê thăm nhà. Khi tới một dòng sông lớn, nước chảy xiết, chú không biết làm cách nào để qua sông. Vào lúc thất vọng, chú chợt thấy lờ mờ bên kia bờ có thầy tăng. Chú gào to lên, “Thầy ơi, làm ơn chỉ cho con biết cách qua bờ bên kia.”  Ông tăng nhìn xuôi nhìn ngược dòng nước chảy cuồn cuộn rồi hét lại, “Con ơi, thì con đang đứng ở bờ bên kia mà.”

Đó là cuộc đối thoại giữa người học trò và tiếng vọng của vị thầy ẩn mặt. Chuyện thiền đặt ra không phải để giải quyết việc đời, nhưng để dẫn vào thế giới cảm thức. Thầy tăng chẳng có cách nào giải quyết việc sang sông, nhưng ông lợi dụng thời điểm “đôi bờ” để khai mở tâm thức chú tiểu. Là con người, thông thường ai cũng sống hướng vào một nguồn lợi nhuận nào đó. Ai cũng muốn đi tới một điểm đích nào đó, muốn thăng tiến địa vị, muốn “đến bờ bên kia”, một nơi cao hơn, tốt hơn. Hãy thức tỉnh, thầy không thể chỉ cho ta làm thế nào để thành công. Thầy chỉ có thể cho ta những hạt mầm thành công, chính ta phải tự làm cho những hạt mầm nảy nở thành cây. Cây thành công sẽ lớn hay sẽ nhỏ là tùy ở khả năng của ta. Đến bờ bên kia, hay đến bờ thành đạt, đang ở ngay nơi ta đứng. Cô giáo Alexandra K. Trenfor là người Mỹ, chẳng phải thiền sư, nhưng cũng có lời nói đầy chất thiền như vậy. Cô nói,  “Những vị thầy giỏi là những người chỉ cho bạn hướng nhìn, nhưng không nói nhìn cái gì.”

image002

Nếu thầy cho biết phải nhìn cái gì thì bạn cần gì phải tìm tòi. Suy tư của bạn sẽ rất hạn chế và cũng đâu có tự do. Nhưng nếu thầy chỉ về hướng nhìn, rồi lánh mặt. Bạn bắt buộc phải tự suy nghĩ và tìm tòi những gì có ở nơi đó. Nhờ vậy mà tri thức mở mang. Thầy dạy bạn biết đọc, nhưng khi biết đọc rồi bạn phải tự chọn sách mà đọc. Tôi thích mượn ý của Trenfor để nói rằng: “Thầy là người đặt cho bạn câu hỏi, nhưng bạn chưa kịp hỏi ý thầy thì tiếng kẻng vang lên.” Thế là bạn chẳng thể ỷ vào thầy. Bạn một mình tìm câu trả lời. Ít nhất câu nói này thích hợp với ngôi trường tôi dạy, vì quả thật thời cuộc biến đổi, bỗng nhiên thầy trò chúng tôi chia tay nhau giữa dòng. Cụ Albert Einstein, vốn là nhà khoa học không nói theo kiểu triết lý, cụ phát ngôn thẳng thừng. “Giáo dục không phải là học về những sự kiện, nhưng là để rèn luyện óc suy tưởng”.  (Education is not the learning of facts, but the training of mind to think).

Ai cũng biết Einstein vượt trội hơn tất cả những vị thầy của mình, nhưng trước hết cụ vẫn phải là học trò của những vị bình thường đó. Nhờ có thầy khai mở trí óc, siêu sao Einstein mới tìm ra sự bí mật của năng lượng vũ trụ. Einstein đã cô đọng lời giải đáp trong một công thức rất ngắn gọn: E=mc2. Một công thức nhỏ, nhỏ tới mức người ta có thể viết trọn vẹn nó trên đầu ngón tay. Rồi với ngón tay này, thầy Einstein lại chỉ về một hướng vô cùng bao la cho những học trò của những thế hệ kế tiếp.

Cuối cùng tôi xin mượn lời của một người rất nổi tiếng là ông Bill Gates nói về những vị thầy của ông. Bill Gates là người sáng lập ra đại công ty Microsoft, một công ty cung cấp phần mềm máy tính (computer solfware). Muốn biết Bill Gates là siêu sao tầm cỡ nào, chúng ta hãy tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu không có Microsoft. Ông Bill Gates cho biết nhờ những vị thầy dạy toán và kịch nghệ mà ông đã trưởng thành trong sự nghiệp tin học và trong lối suy tư. Bill Gates không nói những vị thầy của ông là ai, tôi nghĩ chắc ông cũng không thể nhớ hết về họ. Nhưng những bài toán căn bản của họ đã giúp Bill Gates tạo ra những lập trình cho computer. Ông tâm sự, “Nếu không có họ sẽ không thể có Microsoft.” Thật là một câu nói khác thường vì Bill Gates cho công trình Microsoft là thành tích của các vị thầy vắng mặt. Để tỏ lòng tri ơn nền tri thức mà ông thụ đắc, Bill Gates đã bỏ ra nhiều triệu dollar để giúp cho nền giáo dục thế giới.

Chúng ta cũng vậy, làm sao có thể nhớ được tất cả các thầy, từ vị dạy chúng ta làm toán qua cách đếm ngón tay. Chúng ta còn có nhiều thầy nữa, nào thầy dạy đánh vần, dạy viết, dạy vẽ, dạy làm thơ… Những vị này bắt buộc phải có, nhưng chúng ta không còn nhớ họ. Hình chụp của họ cũng không có. Sự hiện diện của họ như tiếng kẻng, thoảng nghe thấy rồi tan dần trong gió. Xin tri ơn những vị thầy giấu mặt trong thời gian. Không có những vị thầy này, chúng ta không thể là chúng ta trong hiện tại. Quí thầy đã mang đến cho ngôi trường có nét độc đáo. Quí thầy ẩn mặt là những siêu sao.

Xin mời xem video clip tài tử Hugh Jackman gặp lại học trò cũ:


ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California 11-2014)

—–

Nguồn minh họa:

Bản tin “Hugh Jackman’s run in with ex-pupil Rollo Ross”. BBC oct. 1, 2013.

Những hình khác từ Internet.