Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Mỹ và NATO tấp nập kéo vào Đông Âu

US troops in Poland April 2014

 

Đông Âu trở nên nóng bỏng hơn trong năm 2014 với cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Khu vực gồm các nước thuộc Liên Xô cũ và các nước thành viên Khối Đông Âu (Hiệp ước Warsaw) trở thành nơi đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây.

Phần lớn các nước Đông Âu hiện là thành viên của Khối quân sự NATO do Mỹ cầm trịch. Theo Điều 5 của Hiến chương NATO, việc tấn công một nước trong liên minh quân sự này được coi như tấn công vào chính nước Mỹ. Đó là lý do mà trong năm qua, Mỹ đã tăng cường sự có mặt quân sự của mình ở khu vực nhạy cảm này.

Hồi tháng 4-2014, sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bị đẩy lên tới đỉnh điểm là Bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine sáp nhập trở lại Nga và bùng nổ nội chiến ly khai ở Ukraine, các nước NATO trong khu vực lo ngại trước việc Nga huy động lực lượng quân sự áp sát biên giới Ukraine và bị Mỹ và phương Tây cáo buộc can thiệp vào Ukraine. Mỹ đã đưa 600 lính nhảy dù tới Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania, mỗi nước 150 quân để trấn an các đồng minh này.

Theo tiết lộ của Trung tướng Mỹ Ben Hodges, Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở châu Âu,  với hãng tin Pháp AFP (25-11-2014), trong khuôn khổ Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương (Operation Atlantic Resolve), Mỹ sẽ triển khai khoảng 150 xe tăng và xe bọc thép tới các nước NATO ở Đông Âu trong năm 2015. Suốt nhiều tháng nay, binh lính Mỹ đã có mặt ở đây để tham gia các cuộc tập trận chung. Gần 50 xe bọc thép của Mỹ đã có mặt sẵn. Thêm 100 xe tăng M1 Abrams và xe bọc thép chiến đấu Bradley sẽ được triển khai ở Đức và những nước NATO khác trong các cuộc tập trận. Tướng Hodges giải thích: “Lính Mỹ sẽ đến để huấn luyện rồi trở về, nhưng các khí tài, vũ khí sẽ được để lại.” Số xe tăng này sẽ được phiên chế thành những đơn vị nhỏ, cỡ đại đội hay tiểu đoàn, đóng ở các nước Baltic, Ba Lan, Romania, Bulgaria,… Chiến thuật “lót ổ” này sẽ ít tốn kém hơn là việc điều xe tăng chạy tới chạy lui khắp khu vực Đại Tây Dương, đồng thời hữu hiệu hơn trong các nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội các nước NATO.

m1-abrams-in-winter

Xe tăng M1 Abrams

bradley armored-2

Xe bọc thép chiến đấu Bradley

Hiện nay Mỹ đang có khoảng 29.000 quân đóng thường trực ở Đức, Ý và Bỉ. Sắp tới, Mỹ sẽ tăng thêm quân tạm thời tới các thành viên NATO Đông Âu để tập trận và huấn luyện. Tướng Mỹ Hodges nhấn mạnh: các cuộc tập trận này có ý nghĩa “cung cấp sự bảo đảm cho các nước đồng minh ở gần nhất với mối đe dọa (từ Nga)”.

Việc luân chuyển các đơn vị kỵ binh và bộ binh Mỹ ở châu Âu, thường là 3 tháng một lần, sẽ được tiến hành trong suốt năm 2015 và vào năm 2016.

Việc Mỹ và NATO tăng cường có mặt quân sự ở các nước Baltic và Đông Âu tất nhiên khiến Nga phản ứng. Nhìn lên bản đồ ta thấy rõ là vòng vây NATO đang ngày càng áp sát nước Nga. Ở vùng Biển Baltic, toàn bộ 4 nước Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania giáp Nga đều là thành viên NATO. Còn ở khu vực Biển Đen giáp Nga, ngoài Ukraine có Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia. Ba nước Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên của NATO. Georgia đang làm thủ tục gia nhập NATO. Ukraine sau những gì đã xảy ra giờ đã nghiêng hẳn về phương Tây.

russia vs nato

Rõ ràng, chuyện giữa Nga và Ukraine không được xử lý tốt đã tạo thêm cớ “hợp tình, hợp lý” cho Mỹ và NATO tăng cường có mặt ở sát bên Nga. Mà một khi súng đạn được giương ra, nguy cơ “tai nạn” như chỉ mành treo chuông.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-11-2014)

+ Ảnh: Lính Mỹ được điều động tới Ba Lan hồi tháng 4-2014. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)