Những lời nói cuối cùng của viên phi công trưởng chuyến bay QZ8501
Sau khi tải thành công dữ liệu được ghi trong hai chiếc hộp đen của chuyến bay AirAsia QZ8501, các nhà điều tra bắt tay vào việc giải mã các dữ liệu đó để có thể hiểu điều gì đã thật sự xảy ra cho chuyến bay định mệnh sáng 28-12-2014 giết chết toàn bộ 162 người trên chiếc Airbus A320-200 của Indonesia.
Nurcahyo Utomo, một trong các chuyên gia của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, tham gia cuộc điều tra, là bạn thân của Iriyanto, phi công trưởng chuyến bay QZ8501 đó. Ông cùng một nhóm chuyên gia có nhiệm vụ nghe lại và phân tích dữ liệu âm thanh ghi trong chiếc hộp đen có nhiệm vụ ghi lại toàn bộ các âm thanh và các cuộc nói chuyện trong buồng lái máy bay từ khi chuẩn bị cất cánh tới lúc lâm nạn. Sau khi nghe những dữ liệu đầu tiên, Utomo tâm sự: “Tôi không thể tưởng tượng ra nổi mình sắp phải nghe những lời nói cuối cùng của anh ấy như thế nào.” Bởi đó không chỉ là lời nói cuối cùng của người sắp chết nào đó mà là của một người bạn thân của ông.
Vậy những lời nói cuối cùng của phi công Iriyanto là gì? Băng ghi âm phát ra từ “Allahuakhbar” (Thượng đế chí tôn, tiếng Anh dịch là God is Great). Viên phi công trưởng đã thốt lên nhiều lần những lời cuối cùng đó. Đây là câu nói mà tín đồ Hồi giáo thường dùng để vinh danh Thượng đế của mình hay để cầu khấn khi nguy khốn. Nó giống như câu “Lạy Chúa tôi” của người Thiên chúa giáo hay “Nam mô a di đà Phật” của Phật tử.
Có lẽ trong lúc sinh tử đó, chỉ có 2 viên phi công trong buồng lái mới biết điều gì đang và sắp xảy ra. Có lẽ chỉ có họ mới biết là mình sắp chết tới nơi. Và như bất cứ tín đồ một tôn giáo nào trong cơn nguy khốn đó, họ cầu khấn Thượng đế của mình.
Chỉ có điều là một số trang thông tin đã giựt tít đó là “những lời nói rùng rợn” hay “rợn người”. Không rõ khi thốt lên lời cầu khấn đó, ngữ điệu của viên phi công ra sao, có hốt hoảng, sợ hãi hay không? Nhưng bất luận thế nào, ý nghĩa của chữ “Allahuakhbar” chỉ là như vậy, can cớ chi mà cần phải “rùng rợn hóa vấn đề” khiến thiên hạ háo hức tìm đọc để rồi như bị tạt xô nước lạnh.
Chuyên gia điều tra Nurcahyo nói rằng việc nghe những dữ liệu từ các hộp đen như vậy là một cực hình đối với các nhà điều tra. “Việc phải lắng nghe tới nghe lui nhiều lần các dữ liệu ghi trong những chiếc hộp đen có thể gây bối rối và đòi hỏi phải có sức mạnh tâm thần cực kỳ vững chắc. Lắng nghe dữ liệu phát lại của một chiếc hộp đen của một vụ tai nạn không hề giống như nghe nhạc hay một cuộc trò chuyện. Có những lần các nhà điều tra bị mất bình tĩnh khi lắng nghe những ghi âm đó.”
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 17-1-2015)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.