Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Cái giá phải trả để rời bỏ quân khủng bố “cờ đen”

 

 

Trong khi những phần tử cực đoan, quá khích Hồi giáo ở các nước khác hào hứng tìm cách qua Syria cầm súng cho quân khủng bố tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo”, nhiều tay súng qua tới nơi rồi mới vỡ mộng. Ghaith, một người Tunisia may mắn rời bỏ được IS nhưng mang một vết sẹo dao đâm trên cổ, nói với hãng tin Mỹ AP (3-2-2015) rằng: “Nó không phải là một cuộc cách mạng hay thánh chiến chi hết. Nó là một kẻ thảm sát.”

Vào cuối tháng 12-2014, người ta ước tính có 11.000 tay súng từ 74 nước đang cầm súng cho IS ở Syria, trong đó có 2.800 tên từ phương Tây, đông nhất là Pháp, Đức, Anh,… Nhưng có hàng ngàn tay súng nước ngoài đã chết trong các trận đánh của IS. Mạng sống của chúng càng bị đe dọa trước mức độ không kích đang gia tăng của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu.

Ghaith, chỉ dám xưng tên vì sợ bị giết, kể rằng ban đầu anh đã bị những tay súng khác kề dao vào cổ bắt đọc một câu kinh Koran mà chúng yêu cầu để chứng minh anh là người Hồi giáo. Sau một thời gian, anh nhận ra bọn IS chẳng phải là thánh chiến kèm theo nỗi sợ hãi nên đã tìm được cách đầu hàng binh lính Syria.

Các tay súng nước ngoài cũng nhanh chóng phát hiện rằng một khi đã gia nhập IS, chúng không còn đường quay trở lại. Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết bọn IS trong 6 tháng qua đã giết chết 120 chiến binh của chúng, hầu hết là người nước ngoài, về tội tìm cách trở về nhà. Ngay cả IS cũng áp dụng những biện pháp đề phòng các tay súng nước ngoài bỏ trốn. Các tay súng nước ngoài khi mới tới Syria đều bị IS thu giữ toàn bộ hộ chiếu và giấy tờ tùy thân. Chúng phải trải qua những lớp tuyền truyền về thánh chiến và cuối cùng được yêu cầu phải chọn một trong 2 công việc: cầm súng chiến đấu hay đánh bom liều chết.

Câu chuyện về chiến binh IS Youssef Akkari do người anh là Mehdi Akkari kể lại là một minh chứng bi kịch. Youssef là một tín đồ Hồi giáo Tunisia mộ đạo hàng ngày vẫn dành nhiều giờ nghe kinh, đọc sách thánh. Một ngày nọ, gia đình nhận được tin nhắn là anh ta đã sang Syria. Do bị mất kính không thể chiến đấu được, Youssef – cận thị nặng – được IS giao nhiêm vụ tuyên truyền về thánh chiến cho những tân binh. Sau 7 tháng, anh ta cùng 2 người anh em mình bỏ trốn. Hai người kia bị IS phát hiện giết chết. Youssef tự nộp mình cho các chiến binh người Kurd và trở về Tunisia. Nhưng do không chịu nổi sự trừng phạt của cảnh sát, Youssef đã quay lại Syria và bị giết chết trong một vụ không kích hồi tháng 10-2014.

141204-is-fighter-tunisia-youssef

Mehdi “DJ Costa” Akkari, một nghệ sĩ rap Tunisia, đang xem lại ảnh em trai mình là Youssef Akkari đã mất mạng khi sang Syria gia nhập IS. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

Ngay cả sau khi thoát được khỏi tay IS và trở về nước được, các tay súng nước ngoài cũng bị nước mình coi là phần tử khủng bố. Hàng ngàn kẻ từng tham dự các lớp huấn luyện của các tổ chức khủng bố Hồi giáo hay gia nhập IS trở về đang chịu sự giám sát hay phải ngồi tù ở Bắc Phi và châu Âu.

141205-is-fighter-tunisia-Ibrahim Doghri

Ibrahim Doghri, một thành niên Tunisia ở khu dân cư lao động Mhamdiya, ngoại ô thủ đô Tunis, buồn bã lo cho số phận những người bạn đang chiến đấu cho IS ở Syria. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

Marc Trevidic, thẩm phán chống khủng bố số 1 của Pháp, giải thích: “Không phải mọi kẻ trở về đều là tội phạm tiềm năng hay sẽ giết người. Nhưng có một số nhỏ có thể làm bất cứ chuyện gì.” Bằng chứng nhãn tiền là vụ ba tên khủng bố đã gây ra một loạt vụ bắt cóc con tin và thảm sát ngay tại thủ đô Paris hồi thượng tuần tháng 1-2015 khiến 17 người chết.

Nước Pháp nằm trong số những nước có nhiều công dân sang Syria và Iraq gia nhập IS nhất. Giờ đây họ cũng chịu gánh nặng nguy cơ an ninh cao nhất. Số lượng các tay súng Pháp trở về nước đang ngày càng gia tăng. Một quan chức an ninh hàng đầu của Pháp nói với hãng tin Mỹ AP trong điều kiện giấu tên rằng các tay súng trở về do cả vỡ mộng với sự thật về IS lẫn quá sợ hãi trước các chiến dịch ném bom ngày càng khốc liệt của liên minh chống IS. Thậm chí một số tay súng đã viết thư về nhà than rằng chúng đang bị bọn IS cầm giữ không thoát được.

Cho tới nay, Pháp đã bắt giam hơn 150 tay súng IS trở về nước. Ngày 3-2-2015, nhà chức trách Pháp tống giam thêm 8 tên nữa. Có khoảng 3.000 tên khác đang bị giám sát. Anh đã bắt giam 165 công dân trở lại. Trong tổng số 180 tay súng IS trở về quản lý được, nhà chức trách Đức đã phân lọc được khoảng 30 tên cực kỳ nguy hiểm. Tunisia đang giám sát 400 tay súng IS trở về.

Dính vào IS giống như tay đã nhúng chàm. Ali, một người Tunisia trở về sau một thời gian sang Syria đầu quân cho IS, nói rằng: “Tôi có cảm giác như mình là một tên khủng bố. Tôi đã bị sốc vì những gì mình đã làm.”

+ CẬP NHẬT: Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Đảng CSTQ (5-2-2015) đưa tin: 3 công dân Trung Quốc đang chiến đấu cho IS đã bị bọn này hành quyết ở Syria và Iraq khi chúng tìm cách đào ngũ về nước. Cũng tờ báo này hồi tháng 12-2014 cho biết có khoảng 300 công dân TQ đã sang Syria qua ngõ Thổ Nhĩ Kỳ để cầm súng cho bọn IS. Chính quyền TQ đang lo ngại sự nổi lên của IS sẽ truyền cảm hứng cho khu vực Tân Cương (Xinjiang) của nước này giáp biên giới Pakistan và Afghanistan. Đây là nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) theo Hồi giáo lâu nay chống lại Bắc Kinh.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-2-2015)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TPHCM ngày 5-2-2015.