Khai bút đầu năm
Sau tất niên tất nhiên là tới tân niên. Với một kẻ đã chọn nghề báo làm nghiệp dĩ đời mình và từ khi xuất gia… nhập thế cho tới nay may mắn và hạnh phúc vẫn giữ trọn được một nghề, viết lách đối với tôi không chỉ là một bổn phận (cơm áo gạo tiền), mà còn là một đam mê và một sự giải thoát. Người ta nói “nghề báo là một thiên chức”, tôi thì coi đó là một sứ mạng.
Cho dù là một nhà báo lỗi lạc như những người đã trở thành những tượng đài nghề nghiệp, viết lách vẫn có khi là một cực hình nếu như nó không phải là một nhu cầu tự thân của người viết. Có người ví việc viết lách như một cơn “đau đẻ”. Không hề có ý mạo phạm tới các người mẹ đâu, nhưng thực tế là có nhiều lúc cái mặt và cái bộ dạng của người viết nó thảm hại y như một sản phụ trong một ca đẻ khó. Rặn hoài mà đứa con của mình chẳng chịu ra!
Nghề chọn người thì không bàn. Còn nếu một khi đã chọn nghề báo, người ta phải chuẩn bị tâm lý, cả sức lực nữa, để mang vác những gánh nặng. Gánh nặng ở đây không có nghĩa là bài dài hay ngắn, vấn đề lớn hay nhỏ. Đó chính là gánh nặng trách nhiệm. Nếu nói trách nghiệm với nghề thì có thể chung chung. Cụ thể là trách nhiệm với những nhân vật được viết tới và với những bạn đọc của mình. Người xưa dạy: “lời nói đọi máu”. Người viết cũng cần phải hiểu: “mỗi con chữ là một đọi máu”. Nó đòi hỏi người ta phải không chỉ “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” mà là multi-cẩn trọng trước khi viết hay gõ một chữ trong bài viết của mình.
Thiệt lòng là tôi rất đau lòng mỗi khi nghe ai đó gọi người viết báo nào đó là “lều báo”. Nghề nào mà chẳng có người này, kẻ khác. Tôi vẫn thường tâm sự đời tôi với những đồng nghiệp trẻ rằng: không phải hễ viết được bài đăng báo là đã mặc nhiên trở thành nhà báo đâu. Vì thế, người viết báo thì đông như quân Nguyên, còn nhà báo thì như những “Bông Hồng Vàng” (xin mượn ý từ truyện cùng tên của nhà văn Nga gốc Do Thái Konxtantin Paustovski). Nhà báo phải hội đủ hai yếu tố: Tâm và Tầm. Cái Tâm làm nên một nhà báo tốt, cái Tầm tạo ra một nhà báo giỏi. Đừng ngộ nhận là chỉ cần có thẻ nhà báo, thậm chí thẻ hội viên hội nhà báo là đã mặc nhiên trở thành nhà báo. Thực chất đó chỉ là giấy phép hành nghề và giấy chứng nhận là thành viên một tổ chức. Chỉ có một nơi có đủ thẩm quyền để công nhận một người viết là nhà báo, đó chính là bạn đọc.
Tôi cũng tin rằng bạn đọc rất công tâm phân biệt rõ đâu là “bản chất con người”, đâu là “tai nạn nghề nghiệp”. Nhân vô thập toàn; có làm là có thể có sai sót, miễn là biết sai và chịu sửa. Giống như tôi đã vô số lần được bạn đọc rộng lòng “xá tội” do biết tôi sơ ý hay thậm chí sự hiểu biết còn hạn hẹp.
Nghề báo là kế sinh nhai của tôi suốt 4 thập niên qua. Có lẽ tôi là một kẻ “đẻ bọc điều” may mắn và hạnh phúc hơn nhiều đồng nghiệp là được hầu như chỉ viết những gì mình thích. Bất cứ vật thể nào trong cõi đời lập thể và đa chiều kích này cũng có thể được nhìn từ nhiều góc khác nhau, ăn thua ta biết chọn cho mình một chỗ đứng và một góc nhìn. Bí quyết nghề của tôi là thuật phân thân. Trước hết tôi hóa thân làm người đọc để xem họ cần những gì, rồi tôi trở lại là người viết để phục vụ người đọc. Có lẽ tôi cũng được “tổ đãi” nên luôn có được những người đọc sẵn sàng mở lòng đón nhận mình. Họ chính là những Tử Kỳ của Bá Nha tôi. Vậy đó!
Xin cảm ơn bạn Ng Sinh Thủy. Viết về mảng Quốc tế là công việc của tôi suốt 30 năm nay, nhiều hơn 1/3 so với viết về Tin học và công nghệ sau này. Viết Quốc tế là một công việc rất nặng nề, cần phải vận dụng các chiêu thức của nghệ thuật viết lách (kể cả hiểu theo nghĩa chiết tự). Người viết phải biết uốn dẻo, luồn lách qua nhiều cột tiêu để tới đích an toàn. Nhiều khi người viết báo giống như nghệ sĩ xiếc đi dây, luôn phải giữ được sự cân bằng để khỏi bị té lộn nhào. Bạn phải viết làm sao để báo có thể đăng được mà vẫn có thể đạt được mục đích nhất định của mình. Nhà báo có bản lĩnh phải biết quân bình và dung hòa. Không hề có chuyện muốn gì viết nấy, nghĩ sao viết vậy đâu. Có những đề tài mang vô số những điều tế nhị và nhạy cảm, đặc biệt trong quan hệ đối ngoại và lập trường, cách nhìn của nước mà người viết đang sống. Vì thế, trong chừng mực có thể được, tôi cố gắng cung cấp thiệt nhiều thông tin xác thực và nhiều chiều cho người đọc nắm bắt. Người đọc ngày nay có dư bản lĩnh và thừa thông minh. Cái mà họ cần chính là dữ liệu thông tin. Hơn nữa, bất cứ sự việc nào cũng có thể nhìn từ nhiều góc độ với những não trạng khác nhau. Như chân dài có người khen đẹp mê hồn, có kẻ chê tốn vải. Tôi chỉ là người cung cấp cái số đo độ dài của cặp chân đó, cho dù chẳng xơ múi được gì từ chúng. Nhà báo – reporter – là người thu thập, viết và truyền tải thông tin và tin tức thời sự. Từ điển bách khoa Wikipedia định nghĩa nhà báo như sau: “A journalist is a person who collects, writes or distributes news or other current information.” Một bài báo hay hoặc dở tùy thuộc vào năng lực của người viết và cảm nhận của người đọc. Cái cốt lõi là bất luận hay hoặc dở, bài báo vẫn phải cung cấp các dữ liệu thông tin chính xác cao nhất có thể được. Không phải bất cứ thông tin nào cũng có thể được đưa lên mặt báo, cũng giống như có những chuyện riêng tư mà bạn chỉ để biết với nhau chứ không post lên Facebook. Với trách nhiệm với nghề và với người đọc, tôi luôn cố gắng tới hết sức mình để không xả rác thông tin chữ nghĩa.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 26-2-2015)