Thế giới trước những cuộc chiến tranh lần thứ ba
Không ít lần người ta đã nghe thấy những lời cảnh báo về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba khi Nga và phương Tây do Mỹ dẫn đầu căng thẳng với nhau với ngòi nổ là cuộc khủng hoảng Ukraine.
Điều may mắn cho thế giới là cho dù rất cứng rắn và quả quyết, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giữ được cái đầu trong độ lạnh Siberia. Mọi người đều hiểu được hậu quả sẽ trầm trọng như thế nào nếu như các nhà lãnh đạo Nga đáp trả theo kiểu ăn miếng trả miếng khi phải chịu những biện pháp trừng phạt, cấm vận tưởng chừng không thể chịu nổi từ Mỹ và châu Âu. Và cuộc khủng hoảng này đã được chính châu Âu tự tháo ngòi nổ cho nhau với sáng kiến của hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp hồi thượng tuần tháng 2-2015, dẫn tới cuộc họp thượng đỉnh 4 nước Đức, Nga, Pháp và Ukraine tại Minsk (Belarus) ngày 11-2-2015. Với thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine được gọi là Minsk II, các bên tham chiến tại Ukraine phải ngừng bắn từ ngày 15-2-2015 và triệt thoái các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực chiến tuyến. Nhìn chung các bên đều đã tuân thủ thỏa thuận Minsk này, tuy một số nơi vẫn còn nổ súng, đặc biệt là tại thị trấn Debaltseve do quân nổi dậy chiếm. Cả Kiev lẫn quân nổi dậy đều tố cáo nhau vi phạm. Ngày 24-2, ngoại trưởng 4 nước Đức, Nga, Pháp và Ukraine đã họp tại Paris (Pháp) và kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn ở miền đông Ukraine. Cũng trong ngày hôm đó, quân nổi dậy đã cho thấy việc họ rút vũ khí hạng nặng ra khỏi các chiến tuyến. Hãng tin Anh Reuters (25-2-2015) cho biết xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Nga Putin nói ông không nghĩ Nga và Ukraine sẽ xảy ra chiến tranh. “Tôi nghĩ rằng cái viễn cảnh tận thế như thế là không thích hợp và tôi hy vọng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.” – nhã lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Nhưng giới bình luận quốc tế hồi hộp nhận xét rằng việc ngừng bắn ở Ukraine là mong manh. Điều cần phải có vẫn là một giải pháp toàn diện mang tính căn cơ đáp ứng được các yêu cầu và sự bức xúc của cả Nga lẫn Ukraine, cũng như các lực lượng nổi dậy và cả phương Tây. Cụ thể là nếu như NATO vẫn cứ nuôi tham vọng mở rộng tới Ukraine sát nách Nga, các hệ lụy quả là khôn lường.
Trong khi đó, báo Business Insider (24-2-2015) đưa ra lời cảnh báo là cuộc chiến tranh Iraq lần thứ ba đang tới gần, lần này sẽ thật khó chịu. Ngòi nổ lần này không phải là Tổng thống Saddam Hussein và cái cớ Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt nữa (như Mỹ công bố trước khi đưa quân vào Iraq năm 2003 và tham chiến ở đó tới năm 2011); mà là sự quá quắt của lực lượng Hồi giáo cực đoan tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” IS đang chiếm những vùng lãnh thổ lớn ở Iraq và Syria. Bọn này đã thật sự vay nợ máu với Mỹ, Nhật và Jordan khi hành hình những con tin là công dân những nước này.
Cuộc chiến tranh Iraq lần này nếu nổ ra là giữa Liên minh chống IS do Mỹ chỉ huy hiện gồm 60 nước và quân IS bao gồm hơn 10.000 tay súng của 74 nước. Quy mô thật khủng khiếp. Nó không chỉ là một cuộc Thánh chiến Hồi giáo Jihad mà còn giống như một cuộc thế chiến giữa quân của gần trăm nước. Mục tiêu hàng đầu sẽ là giải phóng Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq nằm ở miền bắc nước này. Đây cũng là thành phố lớn nhất ở Iraq và Syria đang nằm trong tay IS. Cuộc chiến ở thành phố hơn 1 triệu dân này sẽ là một cuộc chiến thành thị và bọn IS chắc chắn sẽ không hề ngần ngại khi phải hy sinh cả thành phố này. Tổn thất của các bên và cư dân địa phương sẽ cực kỳ nghiêm trọng.
Cuộc chiến ở Ukraine có thể tháo ngòi nổ nếu các bên có liên can cùng thật lòng muồn có giải pháp hòa bình. Còn cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria là khó lòng tránh khỏi. Trong cuộc thăm dò dư luận do Viện Gallup (Mỹ) tiến hành và công bố hồi trung tuần tháng 2-2015, người Mỹ coi IS là nguy cơ hàng đầu (chiếm 84% số người được thăm dò), còn cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chỉ ở hàng thứ yếu (44%).
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 26-2-2015)
+ Ảnh: Quân IS ở Iraq và Syria. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)
+ Có thể đọc bản in trên báo CA TP.HCM ngày 26-2-2015