Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Indonesia chấp nhận căng thẳng ngoại giao để thẳng tay với buôn lậu ma túy

2015-australian-drug-smuggler Chan and Sukumaran

 

Mối quan hệ ngoại giao giữa Indonesia và Úc trong những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2015 lại trở nên căng thẳng khi nước Đông Nam Á này chuẩn bị hành quyết 10 tên tội phạm buôn lậu ma túy, trong đó có 2 công dân Úc, 1 người Pháp, 1 người Brazil và những công dân Ghana, Nigeria, cũng như Indonesia.

Hai tử tội Úc Myuran Sukumaran, 33 tuổi, và Andrew Chan, 31 tuổi, là thủ lĩnh của một đường dây buôn lậu ma túy gọi là Bali Nine. Chúng bị bắt quả tang năm 2005 khi tìm cách đưa lậu heroin ra khỏi Indonesia và bị tòa án Indonesia tuyên án tử hình hồi năm 2006.

2006-australian-drug-smuggler Chan and Sukumaran

Hai trùm buôn lậu ma túy Úc Andrew Chan (trước) và Myuran Sukumaran (sau) khi bị Indonesia tuyên án tử hình năm 2006. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

 

Trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực ngoại giao để đề nghị Indonesia tha tội chết cho những tử tội nước ngoài này. Nhưng cuối cùng, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo đã bác đơn xin ân xá của các tử tội và ngày 24-2-2015, tòa án cũng đã bác bỏ một nỗ lực cuối cùng để cứu hai tử tội ma túy Úc.

Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 26-2-2015 đã làm nhen nhóm lại một tia hy vọng sau khi ông gọi điện nói chuyện với Tổng thống Widodo và nói rằng nhà lãnh đạo Indonesia cho biết ông “đang xem xét cẩn thận quyết định của mình”. Tuy nhiên, ngay hôm sau, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của trang tin Kontan (Indonesia), Tổng thống Indonesia tuyên bố: “Lập trường của chúng ta rõ ràng. Luật pháp của chúng ta không thể bị can thiệp.” Trước đó, Muhammad Prasetyo, Tổng chưởng lý Indonesia, loan báo công việc chuẩn bị hành hình 10 tử tội này đã hoàn tất được 90%.

Hồi trung tuần tháng 2-2015, Thủ tướng Úc đã phải dùng cách bị coi là “gây áp lực” khi yêu cầu Indonesia hãy nhớ lại số tiền 1 tỷ USD mà Úc đã viện trợ giúp nước này khắc phục hậu quả của trận sóng thần tháng 12-2004 giết chết 170.000 người Indonesia. Ông Abbot nói như vầy: “Tôi muốn nói với người dân và chính quyền Indonesia rằng chúng tôi ở Úc luôn có mặt để giúp các bạn, và chúng tôi hy vọng các bạn giúp lại chúng tôi lần này.” Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Indonesia đáp trả rằng trong ngoại giao không có chỗ cho sự đe dọa. Ngoại trưởng Minister Retno Marsudi nói rằng chính phủ Indonesia đều ghi nhận các yêu cầu từ các nước, nhưng nhấn mạnh “đây là vấn đề thực thi pháp luật”.

Không chỉ có Úc, những nước khác trước nay có công dân bị Indonesia hành quyết vì phạm tội buôn lậu ma túy cũng căng thẳng với nước này khi cố gắng bảo vệ mạng sống cho công dân của mình nhưng bất thành. Hồi tháng 1-2015, khi Indonesia kiên quyết hành quyết 6 tử tội ma túy, trong đó có 5 người nước ngoài, Brazil và Hà Lan, hai nước có công dân bị hành quyết, đã phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ của họ ở Indonesia về nước. Trong vụ đang diễn ra, chính phủ Pháp đã triệu tập đại sứ Indonesia tới để phản đối và Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff đã từ chối nhận quốc thư bổ nhiệm của đại sứ Indonesia mới.

Nữ Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết bản thân Indonesia trước đây cũng đã cử các đại diện, gồm cả sự tham gia của ngoại trưởng, tới chính quyền các nước khác để yêu cầu tha chết cho những công dân Indonesia bị kết án tử hình ở nước ngoài. Tuy nhiên, bà không cho biết các nước đó có chấp nhận lời thỉnh cầu từ Indonesia không.

Ngày 5-3, Indonesia cũng đã bác bỏ đề nghị trao đổi tù nhân do Ngoại trưởng Úc Bishop đưa ra. Armanatha Nasir, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Indonesia,: nói: “Về cơ bản, Indonesia không có luật định hay khung luật pháp nào cho việc trao đổi tù nhân.” Nhưng Indonesia đã cho hoãn thời điểm thi hành án tử hình hai tử tội này lại, mặc dù cho biết là sẽ thi hành sớm. Văn phòng Tổng chưởng lý Indonesia ngày 6-3 cho biết họ cho phép tiến hành tất cả mọi thủ tục pháp lý đối với các trường hợp này trước khi thi hành án. Có nghĩa là, các luật sư của hai tử tội Úc có thể đưa ra các bằng chứng để gỡ tội cho thân chủ của mình, nếu họ có thể làm được. Ngày 4-3, hai tử tội ma túy này đã được cảnh sát võ trang hùng hậu chuyển từ nhà tù Kerobokan trên đảo Bali sang nhà tù khác trên đảo Nusakambangan được canh phòng cẩn mật.

140414-indonesia-immigration-form

Ngay trên phiếu nhập cảnh, khách nước ngoài đã được cảnh báo án tử hình dành cho tội buôn lậu ma túy.

 

Đất nước “Vạn đảo” Indonesia 252 triệu dân với 87,2% số dân theo đạo Hồi là một trong những nước áp dụng luật chống ma túy khắt khe nhất. Ngay trên phiếu nhập cảnh, khách nước ngoài đã được cảnh báo án tử hình dành cho tội buôn lậu ma túy. Tổng thống Widodo, được bầu năm 2014, nổi tiếng là người ủng hộ tử hình bọn buôn lậu ma túy. Ông đã nói thẳng với các nước khác rằng: “Đừng can thiệp vào các vụ hành quyết. Đây là chủ quyền tư pháp và chính trị của Indonesia”. Riêng về trường hợp hai tử tội Úc, Tổng thống Indoneisa nói trên trang báo Al Jazeera (5-3-2015) rằng: “Tôi vẫn còn được thuyết phục rằng hệ thống tư pháp ở Indonesia, ở đây là về tội phạm ma túy, vẫn còn có giá trị và được dựa trên các sự thật và chứng cứ. Đó là lý do vì sao tôi đã bác đơn xin ân xá của họ. Tôi đã xem xét các trường hợp của họ, số lượng ma túy mà họ vận chuyển.”

Cái khó của Indonesia, cũng như bất cứ nước nào khác, là không thể phân biệt đối xử giữa tội phạm nước mình và nước ngoài. Có lẽ, giải pháp hợp thời nhất là phân biệt rõ giữa kẻ chủ mưu (trừng trị nghiêm khắc) và những kẻ vận chuyển ma túy (tùy tình tiết mà cân phân). Việc định lượng rõ ràng hễ mang bao nhiêu ma túy là lãnh án tử hình tuy mang tính răn đe mạnh mẽ, nhưng nếu cứng nhắc có thể khiến những kẻ chỉ vì hám lợi (có khi là nạn nhân) mà vận chuyển ma túy phải đứng dựa cột chung với những kẻ cầm đầu. Còn thì tư pháp là độc lập, không nước nào có thể can thiệp vào luật pháp của nước khác

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-3-2015)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TPHCM 5-3-2015

Ngày 4-3-2015, hai tử tội ma túy Úc Andrew Chan và Myuran Sukumaran đã được cảnh sát võ trang hùng hậu chuyển từ nhà tù Kerobokan trên đảo Bali sang nhà tù khác trên đảo Nusakambangan được canh phòng cẩn mật. (Ảnh: ABC News, George Roberts, Greg Jennett,  Thanks)

150304-indonesia-transfer-drug-deaths-01

Cảnh sát Indonesia bảo vệ cẩn mật tại cổng nhà tù Kerobokan trong quá trình vận chuyển hai tử tội ma túy Úc. (Ảnh: ABC News – George Roberts, Thanks)

150304-indonesia-transfer-drug-deaths-02

150304-indonesia-transfer-drug-deaths-03

Chiếc xe bọc thép haft-truck gọi là Barracuda của cảnh sát đang chạy vào nhà tù. (Ảnh: ABC News – George Roberts, Thanks)

150304-indonesia-transfer-drug-deaths-04

Michael Chan, anh ruột, và bạn gái của Andrew Chan tới nhà tù Kerobokan với hy vọng nhìn thấy người thân của mình. (Ảnh: AAP – Johannes Christo)

150304-indonesia-transfer-drug-deaths-05

Xe bọc thép chở hai tử tù rời khỏi nhà tù Kerobokan. (Ảnh: ABC News – George Roberts, Thanks)

150304-indonesia-transfer-drug-deaths-06

Cảnh sát vũ trang bảo vệ con đường vận chuyển hai tử tù Úc tại thị trấn Cilacap trên đảo Java.

150304-indonesia-transfer-drug-deaths-07

Xe chở hai từ tù Úc chạy qua thị trấn thị trấn Cilacap trên đảo Java. (Ảnh: ABC News – Greg Jennett,  Thanks)

150304-indonesia-transfer-drug-deaths-08

Phà chở xe vận chuyển hai từ tù cập bờ trên đảo Nusakambangan . (Ảnh trích từ kênh truyền hình Channel 7. Thanks.)

150304-indonesia-transfer-drug-deaths-09

Bà Helen, mẹ của Andrew Chan, đang làm thủ tục tại sân bay quốc t6é Sydney (Úc) để sang Indonesia. (Ảnh: AAP – Dean Lewins. Thanks.)