Ăn sáng nhớ nhau với cô Kiêm Hường
Sáng thứ Năm 12-3-2015, Gia đình THKT đã một lần nữa có được niềm vui hạnh phúc đoàn tụ khi được mừng đón cô Tạ Thị Kiêm Hường từ Chicago (bang Illinois, Mỹ) về dự Họp mặt Gia đình THKT Về Thăm Trường Xưa Xuân Ất Mùi 2015. Và theo truyền thống “gặp nhau là ăn” của thầy trò THKT, cô Kiêm Hường đã mời thầy trò THKT ở Saigon cùng “ăn sáng nhớ nhau” với cô.
Đây cũng là lần đầu tiên Gia đình THKT gặp nhau tại quán cà phê Đà Lạt Phố (góc Lữ Gia – Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11). Điểm hẹn mấy năm qua là cà phê Cát Đằng (Sư Vạn Hạnh nối dài, quận 10) bị chê vì sau này xuống cấp quá chừng – cả về cơ sở vật chất lẫn cung cách phục vụ. Cô Kiêm Hường đã luôn miệng “ngạc nhiên chưa” khi tới quán cà phê rộng rãi và khá đẹp mang đậm sắc tím Đà Lạt này.
Đây là lần thứ hai cô Kiêm Hường về Việt Nam (lần trước năm 2005). Bây giờ, cô không còn người thân ở Việt Nam, nên lần về này là vì tình nghĩa sâu nặng với thầy trò THKT. Thật xúc động khi cô sử dụng ngon lành cái “thuật ngữ chỉ có ở Kiến Tường” là “cà phê nhớ nhau”, “ăn sáng nhớ nhau”, “đám cưới nhớ nhau”, thậm chí cả “đám giỗ nhớ nhau” (tự ý đục bỏ cái chữ “đám ma nhớ nhau” cho dù thực tế là thầy trò THKT vẫn thường tranh thủ ngay cả những lần đi đám tang để… gặp nhau). Nghe nói nửa đêm về sáng ngày 10-3-2015, khi vừa về tới sân bay Tân Sơn Nhất, cô đã rủ nhóm THKT ra đón cô đi “cà phê nhớ nhau” và thức tới sáng luôn. Báo hại mấy học trò “mém 6 bó” hết hồn, biết mình biết ta, hỗng thể nào “đua” với cô được, vì cô đã quen giác đó ở bên Mỹ là… ban ngày. Bởi vậy, phần lo cô mệt sau chặng bay dài gần cả ngày từ Mỹ về, phần tự lượng sức mình hỗng kham nổi nên đành năn nỉ cô về nghỉ, sáng gặp lại. Sáng nay, ngồi ăn sáng, cô Kiêm Hường đã nhắc tới ý nghĩa của chữ viết tắt THKT mà thầy trò tán ra là “Theo Hoài Không Tha”, “Thương Hoài Không Thả”,…
Sáng nay, cùng đi ăn sáng có cô Hoàng Thị Cẩm Thạch, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, cô Lê Mỹ Thanh và thầy Nguyễn Văn Hòa. Các thầy cô này từng cùng dạy chung với cô Kiêm Hường ở Trung học Công lập Kiến Tường. Cô về trường năm 1973, sau thầy Hòa gần một năm. Hơn 40 năm rồi, họ mới gặp lại được nhau lần đầu tiên vào sáng này. Thầy cô Hòa – Ngọc Thủy đã kéo theo “đệ tử chân truyền” là bạn Hạ Trân, ái nữ của thầy cô và “sư tử” của học trò THKT, tới chào ra mắt các đồng nghiệp THKT của thầy cô. Hồi cô Kiêm Hường rời Việt Nam, Hạ Trân còn phiêu lưu nơi đâu đó. Còn lần cuối gặp cô Mỹ Thanh (sống tại Tầm Vu, Long An), bạn này mới lẫm chẫm.
Cũng hơn 40 năm, hai học trò là Vũ Thị Cúc Chi và Trần Văn Chiêu mới được gặp lại cô giáo của mình. Cúc Chi còn tranh thủ ăn theo dẫn theo anh chàng “người dưng khác họ” của mình tới ra mắt với tư cách “con rể THKT”.
Có mặt có vợ chồng cựu học sinh Đỗ Văn Tám – Huỳnh Thị Kiều Nga từ Wichita (bang Kansas) về, bạn Đẹp – cựu học sinh THKT lần đầu tiên sum họp (con của chủ tiệm tạp hóa Lợi Thanh Bình đối diện cầu tàu Kiến Tường xưa), và ba gã “mõ THKT” ở Saigon là Kiến Già Trần Ngọc Bách, Kiến Xẹp Nguyễn Thanh Phong và Kiến Đen.
Cô Ngọc Thủy hồi THKT là một trong “Tứ đại mỹ nhân THKT”, giờ còn thêm nổi tiếng với tài bếp núc, thêu thùa. Cô đã tặng cô Kiêm Hường và cô Mỹ Thanh mỗi người một chiếc khăn quàng cổ bằng len do cô đan. Cô Kiêm Hường được tặng khăn màu hường, còn cô Mỹ Thanh khăn màu trắng (có lẽ cô Thủy hết len màu xanh chăng?) Cô Kiêm Hường xúc động nói rằng từ nay ở Chicago cô hết còn sợ lạnh cổ vì đã có hơi ấm THKT. Chỉ tội nghiệp cô Mỹ Thanh, về Long An quanh năm nóng bức chắc chỉ lâu lâu mới có thể lấy chiếc khăn ra quàng cho đỡ nhớ sau khi đã mở quạt máy chạy vù vù. Cô Ngọc Thủy phân bua rằng cô đã được cô Cẩm Thạch đưa cho 20.000 đồng (chưa tới 1 USD) để dành mua len đan khăn tặng các cô giáo THKT. Cô Cẩm Thạch đúng là “cô giáo trưởng” và nữ hiệu trưởng THKT.
Nhưng đặc biệt hơn cả là khi cô Kiêm Hường lấy từ túi xách ra hai mảnh của bài hát Lòng Mẹ (Y Vân) in hồi trước 1975. Cô nói rằng đây là bài hát mà cô mượn của cô Ngọc Thủy hồi năm 1974 mà cô luôn đem theo và giữ gìn cẩn thận suốt từ đó tới nay. Ừ, chỉ cần nhìn thấy chúng được cất giữ trong hai miếng clear sheet protector là đủ biết bản nhạc đã được cô giữ gìn ra sao. Cô cho biết thêm, hồi đó nghe thầy Nguyễn Văn Hòa hát bài này hay quá nên cô mượn bài hát về hát. Bây giờ, cô hoàn lại cố chủ. Tội nghiệp thầy Hòa cứ mân mê bản nhạc xưa. Chắc chắn bao nhiêu kỷ niệm xưa đang dồn dập ùa về trong tâm trí thầy. Thầy nghẹn ngào: “Bài hát này lúc này càng có thêm ý nghĩa”. Ý là thầy nói tới việc thân mẫu thầy vừa qua đời.
Sáng nay cô Cẩm Thạch ngồi giữa hai sư muội THKT của mình là hai cô Kiêm Hường và Mỹ Thanh. Do hai cô này ăn chay, nữ Trại chủ Khủng Long THKT coi mòi lúng túng khi sư tỷ xử món mì mặn, còn hai sư muội thỉnh mì chay. Cô Cẩm Thạch băn khoăn là bữa khoản đãi món bún bò Huế O Thạch do đích thân cô nấu mời Gia đình THKT sắp tới, làm sao hai sư muội thưởng thức được. Vậy nên cô ra sức rù quến cô Kiêm Hường ăn mặn. Cô Mỹ Thanh cũng đồng ý. Vậy là các cô hạ quyết tâm khi về với THKT, gặp mặn ăn mặn, có chay ăn chay.
Thầy Hòa nhắc cái vụ anh chị Trần Văn Ngỡi – Nguyệt mời Gia đình THKT tới nhà ăn cơm vào trưa thứ Bảy 14-3-2015, nhân có thầy cô Phạm Doanh Môn – Phương Mai là bạn chí cốt của anh chị từ Úc về quê. Già Bách và Phong Xẹp nhảy lên đong đỏng vì bữa đó phải tập trung chuẩn bị giờ cuối cho cuộc họp mặt THKT ngày hôm sau. Kiến Già còn thiệt thà khai là bữa đó anh phải đi siêu thị mua thức ăn dự trữ cho cả nhà. Ừ, cái tài nội trợ bếp núc của Già Bách thì xưa nay đâu ai lạ. Chỉ thành chuyện khi cô Ngọc Thủy gọi Kiến Già là “chị Bách” và yêu cầu anh (hay chị) này photocopy mấy trang trong cuốn bí kíp đó gởi cho phu quân cô là thầy Hòa. Vậy là bữa nay mới biết được một Kiến Già khác với cái ngoại hiệu “Chị Bách”. Cô Kiêm Hường hý hửng nói rằng từ nay chuyện mua quà tặng Bách sẽ dễ hơn nhiều, chỉ cần vài thỏi son, hộp phấn, chai lotion là OK.
Thầy Hòa thổ lộ: “Nãy giờ nghe Già Bách khoe tài nội trợ mà tui bủn rủn tay chân.” Chưa hết đâu, cô Ngọc Thủy nói với “đệ tử” Hạ Trân rằng: “Con phải kêu các cô giáo này là dì, vì là bạn của mẹ, chớ hỗng phải bạn của cha đâu.” Thậm chí cô Ngọc Thủy còn nói: “Ngay cả thầy Hữu Thành, cô Kim Thọ từ Colorado về, con cũng phải kêu là cậu, là dì.” Vậy là thầy Hòa bị phu nhân xí hết các đồng nghiệp THKT rồi. Thầy phân bua: “Tui đang sống trong chế độ mẫu hệ.”
Nghe vậy, Già Bách vọt miệng: Hèn chi có tin đồn thầy sắp đi vô chùa tu. Cô Kiêm Hường nghe vậy nói thêm: “Anh Hòa có đi tu rủ tôi đi theo tu với nghen.” (Cô Kiêm Hường ăn chay mà.) Vậy là trước sự chứng kiến của thầy trò THKT, thầy Hòa và cô Kiêm Hường đứng lên bắt tay nhau hứa hẹn về cái vụ án “đi tu”. Híc, hỗng lẽ thời gian sau sẽ thấy xuất hiện một cái chùa do thầy Hòa và cô Kiêm Hường chủ trì, còn cô Ngọc Thủy vừa làm “reception”, vừa làm hỏa đầu vụ? Nè nè, đừng có ai xúi lập cái “THKT Tự” à nghen. Kiến Đen mần ông Từ chăm sóc cho Từ đường THKT là đủ rồi, hỗng có ham làm chú tiểu nhang khói cho chùa đâu nghen.
Ăn sáng, cà phê xong thì sao nè? Tám đủ chuyện xưa, chuyện nay. Làm sao có đủ thời gian mà hàn huyên tâm sự. Vậy là bèn hẹn gặp lại nhau ngày Chủ nhật 15-3-2015 khi cùng Về Thăm Trường Xưa.
KIẾN ĐEN
(Saigon 12-3-2015)