Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Bán đảo Crimea một năm sau ngày gia nhập nước Nga

THẾ GIỚI TUẦN QUA:

ukraine-crimea-map

 

Nhiều hoạt động công chúng đã diễn ra ngay tại Crimea và cả ở thủ đô Moscow của Nga trong mấy ngày qua, nhân kỷ niệm tròn 1 năm (16-3-2014/2015) Bán đảo Crimea quyết định tách khỏi Liên bang Ukraine để trở về là một phần lãnh thổ của Liên bang Nga. Chỉ có điều, cái giá phải trả cho “sự trở về” này không hề rẻ và không chỉ có người dân Crimea phải gánh. Cho tới nay, Nga vẫn đang phải hứng chịu hàng loạt biện pháp cấm vận chính trị và kinh tế nặng nề mà phương Tây do Mỹ cầm trịch áp đặt. Cho tới nay, tình hình Ukraine vẫn tiếp tục căng thẳng với cuộc chiến gay gắt ở miền đông giữa các lực lượng ly khai và chính quyền Kiev. Những tổn thất của Nga và Ukraine ở mức độ trầm trọng.

Vùng duyên hải phía bắc Biển Đen này vốn có một lịch sử thay vua, đổi chủ phức tạp. Năm 1802, nó chịu sự cai trị của Đế chế Nga. Sau cuộc Cách mạng Nga 1917, Crimea trở thành một nước cộng hòa trong thành phần Liên bang Xô viết. Năm 1954, bán đảo này được Liên Xô tặng cho Ukraine như một món quà kỷ niệm 300 năm Hiệp ước Pereyaslav đặt nền móng cho mối quan hệ Nga- Ukraine. Năm 1922, Ukraine là một trong những nước cộng hòa sáng lập ra Liên Xô. Tới năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Crimea trở thành một nước CH tự trị thuộc Liên bang Ukraine.

Tuy nhiên, Crimea vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với Nga. Không chỉ vì lịch sử (dân tộc Nga chiếm đa số tới 58,5% trong khi người Ukraine chỉ chiếm 24,4% số dân Crimea năm 2001), mà Crimea còn có những căn cứ quân sự quan trọng của Nga, đặc biệt là tổng hành dinh của Hạm đội Biển Đen. Vì thế, trong những năm qua, chủ quyền và việc kiểm soát Crimea đã trở thành sự tranh chấp căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Đầu năm 2014, giữa tình hình bất ổn chính trị ở Ukraine mà lực lượng thân Moscow bị hạ bệ, Nga đã đưa quân vào Crimea với lý do bảo vệ các căn cứ và công dân của mình. Sự có mặt của quân Nga đã trở thành chỗ dựa quá tuyệt cho lực lượng đang mưu toan tách Crimea khỏi Ukraine. Và ngày 16-3-2014, Crimea tự ý tổ chức trưng cầu ý dân với kết quả được công bố là có 83,1% cử tri đi bỏ phiếu và có tới 96,77% đồng ý sáp nhập Crimea vào Nga. Cuộc trưng cầu ý dân này đã không được Liên Hiệp Quốc và hầu hết các nước khác công nhận. Ngay sau đó, Quốc hội Nga đã phê chuẩn việc tiếp nhận Bán đảo Crimea. Từ đó, sóng gió nổi lên, Nga bị cấm vận, Ukraine chìm trong nội chiến.

Thật ra, Crimea ra sao là do chính người dân của nó tự quyết định. Trong bối cảnh tình hình lúc đó và với những đặc điểm lịch sử của Crimea, việc đa số cử tri quyết định trở lại Nga là điều chẳng có gì phải ngạc nhiên. Vấn đề làm nên chuyện là ở cách thức tiến hành quá trình tách ra và nhập vào. Phương Tây trước nay vẫn cáo buộc Moscow dùng sức mạnh quân sự để tách Crimea ra khỏi Ukraine. Không ít nước khác có hoàn cảnh tương tự không muốn Crimea trở thành một tiền lệ cho người khác bắt chước.

150314-crimea-children-flashmob

Trẻ em ở Crimea ngày 14-3-2015 tham gia tiết mục nhảy múa tập thể (flash mob) kỷ niệm 1 năm trở thành công dân Nga.

 

Tất nhiên trong 1 năm qua, các cư dân Crimea gốc Nga là những người cảm thấy hạnh phúc nhất khi trở thành công dân Nga – ít ra thì cũng danh giá hơn. Còn người Nga thì bị chia rẽ giữa ủng hộ và phản đối, nhất là sau nhiều tháng trời nếm mùi vị cấm vận kinh tế.

Có lẽ châu Âu rồi cũng phải quen dần với thực tế Crimea giờ là một phần lãnh thổ Nga. Đặc biệt là sau khi giải quyết xong cuộc khủng hoảng Ukraine. Hãng tin truyền hình Nga RT (16-3-2015) nhắc là các cuộc đàm phán 4 bên ở Minsk ngày 12-2-2015 về miền đông Ukraine đã không đề cập tới cái vụ trưng cầu của Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không gọi đây là một sự sáp nhập (annexation) mà là một sự tái thống nhất (reunification).

Mustafa Dzhemilev, thủ lĩnh tinh thần của dân tộc thiểu số Tatar ở Crimea ngày 19-3-2015 nói tại Liên Hiệp Quốc rằng Moscow đang biến Bán đảo Crimea từ một trung tâm du lịch thành một căn cứ vũ khí hạt nhân.

Ngày 16-3-2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố: Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp cấm vận Nga cho tới khi nào Moscow không còn cai quản Crimea. Coi mòi chuyện vẫn còn phức tạp và dai dẳng.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-3-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TP.HCM 21-3-2015