Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Khoảng trống để lại phía sau nhân vật huyền thoại Singapre Lý Quang Diệu

 

THẾ GIỚI TUẦN QUA:

 

lee-kuan-yew-04

 

Không có một vĩ nhân nào thoát khỏi cái vòng sinh lão bệnh tử. Trái tim của nhân vật huyền thoại Singapore, ông Lý Quang Diệu đã ngừng đập ngày 23-3-2015 ở tuổi 91 (1923-2015). Được coi là một trong những chính khách lập quốc thành công nhất trong lịch sử nhân loại đương đại, ông không chỉ là “cha đẻ” hay “kiến trúc sư” của đất nước Singapore hiện đại mà còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng như một trong những cột cái của cộng đồng Đông Nam Á. Tổng thống Mỹ Barack Obama trong lời chia buồn cùng nhân dân Singapore đã gọi ông Lý Quang Diệu là “một người khổng lồ thật sự của lịch sử”. Nhà lãnh đạo Mỹ nhận xét rằng những lời tư vấn về điều hành chính phủ và phát triển kinh tế của ông Lý trong những năm qua đã được nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới tìm kiếm và vận dụng.

Là nhà đồng sáng lập và giữ chức tổng thư ký đầu tiên của đảng Hành động của Nhân dân (PAP) ra đời năm 1954, ông Lý Quang Diệu đã góp công lớn đưa Singapore thoát khỏi sự cai trị của thực dân Anh vào năm 1963 rồi tách ra khỏi Liên bang Malaysia thành Cộng hòa Singapore vào năm 1965. Ông là thủ tướng đầu tiên của Singapore từ năm 1965 và liên tục giữ cương vị này cho tới khi chuyển giao cho ông Goh Chok Tong, vị thủ tướng thứ hai của Singapore, năm 1990, nhưng vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chính phủ tới năm 2011.

Dưới thiên tài lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu, từ một đất nước nhỏ bé (718km vuông và 5,4 triệu dân, nghĩa là rộng chì bằng 1 phần 3 TP.HCM và ít dân hơn), Singapore đã vươn lên thành một trong 4 con rồng kinh tế châu Á (3 kỳ tích châu Á kia là Hàn Quốc, Hong Kong và Đài Loan), hiện có GDP (PPP) bình quân đầu người lên tới 78.762 USD (đứng thứ 3 trên thế giới).

Không ít người dân Singapore không hài lòng với chính phủ, chủ yếu vì thuế quá cao, cuộc sống đắt đỏ, phạt quá gắt gao,…, nhưng hầu như không người dân Singapore nào không tôn kính ông Lý Quang Diệu. Họ hiểu rõ rằng, chính ông là người đã đem lại cho họ một đất nước Singapore thành công và danh giá toàn cầu như hôm nay.

Mặc dù đảng PAP vẫn chiếm ưu thế ở Singapore và con trai của ông Lý Quang Diệu và Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn đang cầm quyền (từ năm 2004), nhưng rõ ràng kể từ ngày 23-3-2015, quốc đảo thành phố này đã bắt đầu bước vào thời kỳ không còn Lý Quang Diệu. Người ta có thể tin tưởng vào tài năng của ông Lý khi xây dựng những thế hệ kế thừa tài giỏi, nhưng thế hệ chính phủ thứ tư tới đây của Singapore sẽ phải tự mình chèo chống con tàu đất nước (cho dù là tàu sân bay) giữa biển khơi ngày càng dữ dằn. Bất luận thế nào, cộng đồng ASEAN cũng sẽ bị ảnh hưởng khi thiếu vắng một cột trụ mẫu mực và là một hạt nhân đoàn kết kết dính khu vực lại với nhau.

Lee Kuan Yew, people bowing

Người Singapore đã chọn ảnh tưởng niệm ông Lý Quang Diệu là một tấm ảnh chụp ông đang ngồi chống hai tay lên má với ánh mắt suy tư. Dường như họ muốn thể hiện tâm trạng của mình và muốn củng cố lòng tin rằng “quốc phụ Singapore đương đại” vẫn luôn ở bên họ.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-3-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TPHCM ngày 28-3-2015

Singapore Lee Kuan Yew Reaction

lee-kuan-yew-03