Tiễn biệt ông Lý Quang Diệu từ xa
Từ trưa và trọn cả buổi chiều Chủ nhật 29-3-2015, tôi đứng, ngồi, nằm trước màn hình tivi để từ xa cùng 5,5 triệu người đảo quốc Sư Tử Biển và rất đông khách nước ngoài tiễn đưa lần cuối nhân vật Singapore huyền thoại Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) trong buổi lễ tang cấp nhà nước được trực tiếp truyền hình trên kênh Channel News Asia của Singapore.
Cảm giác của tôi dường như không bị ảnh hưởng bởi cái khoảng cách 1.090km (đường bay từ Saigon tới Singapore). Những đường phố mà linh cữu ông Lý được đưa qua để từ biệt các đồng hương của mình trong chặng đường dài 15,4km từ Trụ sở Quốc hội (Parliament House) ở khu Civic District of the Downtown Core – nơi mấy hôm nay quàn linh cữu ông Lý cho mọi người viếng, tới Trung tâm Văn hóa Đại học (University Cultural Center) của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) trên đường Kent Ridge Crescent – nơi diễn ra lễ tang chính thức từng in dấu chân tôi trong hơn 20 lần ta bà ở đất nước này. Những hình ảnh quen thuộc cứ chạy dài trên màn ảnh nhỏ kéo theo những hồi ức ùa về trong đầu tôi. Có khác chăng là hôm nay tôi chỉ có thể nhìn thấy chúng từ xa (trên tivi) và từ bên trong đầu mình.
Nhiều người ở nước ngoài ắt ngỡ ngàng khi thấy đám tang một trong những nhà lập quốc thành công nhất trong lịch sử loài người và người được gọi là cha đẻ (founding father) của đầt nước Singapore hiện đại lại đơn giản một cách ấn tượng. Giữa ông và người dân của mình chẳng có gì ngăn cách. Ngay từ chỗ quàn cho tới khi được đặt trên cỗ xe pháo, linh cữu của ông Lý hầu như chẳng bị đẩy lên cao quá tầm với tới của người dân. Như cốt cách của mình, ông Lý nằm trong vòng tay của mọi người. Đoàn xe đưa tiễn ông cũng gọn gàng, chỉ có những chiếc xe cảnh sát mở đường, ngay sau chiếc xe kéo linh cữu là một chiếc xe van chở người thân của ông, rồi tới mấy chiếc xe chở lính chào kính và sau cùng là xe cảnh sát. Nơi tổ chức lễ tang cấp nhà nước cũng đơn sơ. Chẳng có khẩu hiệu gì. Khi chuẩn bị di quan mới có nghi thức đặt 2 lẵng hoa, một của gia đình (do con trai trưởng Lý Hiển Long đại diện) và một của người dân Singapore (do Tổng thống Tony Tan thay mặt).
Đó là phần nghi lễ chính thức, nghĩa là được chi bằng ngân sách Nhà nước. Thời còn sống, ông Lý không bao giờ phung phí tiền thuế của dân.
Nhưng sự tôn vinh ông Lý chủ yếu là ở người dân. Cơ man là hoa do những người dân dâng lên ông tại 18 điểm tưởng niệm được người dân lập tại các cộng đồng trên khắp đảo quốc. Trong mấy ngày qua, hơn 451.000 người (chiếm 12% số dân Singapore) đã đội nắng xếp hàng rồng rắn tiễn biệt ông tại Trụ sở Quốc hội. Có ít nhất 850.000 người khác tới viếng ông tại các điểm tưởng niệm trong cộng đồng. Còn trong ngày tiễn đưa ông Lý về nơi an nghỉ cuối cùng, rất đông người dân đứng đông nghịt dọc hai bên các con đường linh cữu ông đi qua bất chấp trời mưa tầm tã chờ để được vẫy quốc kỳ tiễn biệt ông lần cuối và gọi rân trời tên của ông Lý Quang Diệu khi linh cữu đi qua.
Người ta nói rằng cứ quan sát đám tang một người ắt biết người đó từng sống ra sao. Ở Singapore, người dân chỉ làm những gì mà mình thật lòng muốn làm.
Người dân Singapore tự hào là con dân một đất nước có vị thế danh giá trên trường quốc tế. Singapore “nhỏ mà có võ”. Diện tích chỉ có 718km vuông (chỉ bằng 1 phần 3 TP.HCM), Singapore đã vươn lên thành một trong 4 con rồng kinh tế châu Á (3 kỳ tích châu Á kia là Hàn Quốc, Hong Kong và Đài Loan) với GDP (danh nghĩa) bình quân đầu người hiện nay lên tới 56.284 USD (thuộc nhóm cao nhất thế giới) so với chỉ 516 USD vào thời mới độc lập. Singapore là một trong số mấy nước châu Á hiếm hoi được Mỹ cho công dân nhập cảnh khỏi cần visa. Nhưng nhiều người Singapore hễ hỏi tới là “rủa” chính phủ của mình tưng bừng. Thuế cao, cuộc sống đắt đỏ, hở gì cũng bị phạt nặng róc mấu,… Tuy nhiên, họ luôn tôn kính ông Lý vì hiểu rằng không có ông, Singapore giờ này nếu không bị sáp nhập vào một nước láng giềng nào đó thì cũng vẫn là một làng chài nghèo khó, thậm chí có khi chẳng hề có tên trên bản đồ thế giới.
Nhưng tuyệt nhiên không ai gọi ông Lý là “cha của dân tộc”. Ông được xưng tụng là “cha đẻ của đất nước” mà còn được xác định là “đất nước Singapore hiện đại” (modern Singapore). Đâu đó rạch ròi, rõ ràng như cái tính trung thực được ông Lý coi là nhân tố cốt lõi của con người và của cả văn hóa, xã hội.
Ừ, dường như cả trời đất lẫn con người đều ngậm ngùi tiễn đưa một người hiền. Mùa này mà có mưa là chuyện lạ ở Singapore, nhất là lại mưa giữa trưa. Ngay trong mùa mưa, thường các trận mưa có dài nhất cũng chừng 30 phút là tạnh. Vậy mà hôm nay, Singapore mưa tầm tã suốt hơn tiếng đồng hồ, khiến linh cữu của ông Lý nằm dưới mưa từ khi rời Nhà Quốc hội cho tới tận Trung tâm Văn hóa Đại học.
Lễ tang ông Lý chủ yếu là của gia đình và người dân Singapore. Khách quốc tế có lòng tới viếng chỉ là những thượng khách. Vì thế, trong suốt 2 tiếng rưỡi đồng hồ của lễ tang nhà nước (State Funeral) chỉ có các thành viên gia đình và đại diện các cộng đồng lên kể về những kỷ niệm của mình với ông Lý. Một hình thức lễ tang theo phong cách của Mỹ và châu Âu. Đặc biệt có cả mấy “đồng chí” của ông Lý từng cùng sát cánh với ông từ thời lập quốc nay lụm khụm lên nói lời tiễn người đi trước. Còn các thượng khách quốc tế, trong đó có những nhà lãnh đạo quốc gia, cứ việc ngồi đó mà nghe.
Khách dự lễ tang cấp nhà nước dành cho một vị khai quốc công thần lừng danh thế giới như ông Lý cũng ăn mặc giản dị, Hầu hết là mặc áo sơmi trắng thắt cà-vạt đen. Ngay cả ông Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong), con trai trưởng và đương kim Thủ tướng Singapore, cũng mặc như vậy. Thậm chí con trai út của ông Lý là Chuẩn tướng hồi hưu Lý Hiển Dương (Lee Hsien Yang) – Chủ tịch Cục Hàng không Dân sự Singapore chỉ mặc áo sơmi trắng cổ cao không thắt cà-vạt.
Thật là xúc động và giàu ý nghĩa khi lễ tang ông Lý được kết thúc bằng nghi thức tất cả mọi người Singapore có mặt tại hội trường cũng như đang theo dõi buổi lễ đứng lên đặt bàn tay lên trái tim mình cùng đọc lại lời tuyên thệ công dân Singapore (national pledge) rồi cùng hát vang quốc ca nước mình.
Hãy thử xem người dân Singapore tuyên thệ những gì:
“We, the citizens of Singapore,
pledge ourselves as one united people,
regardless of race, language or religion,
to build a democratic society
based on justice and equality
so as to achieve happiness, prosperity and
progress for our nation.”
(Chúng tôi, các công dân Singapore thề nguyện là một dân tộc thống nhất, bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo, để xây dựng một xã hội dân chủ dựa trên pháp luật và sự bình đẳng, nhằm đạt được hạnh phúc, phồn vinh và tiến bộ cho đất nước mình.)
Xin mời xem video:
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 29-3-2015)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
Ông Lý Hiển Long đặt lẵng hoa.
Tổng thống Singapore đặt lẵng hoa.
Những người dân Singapore đọc lời tuyên thệ và hát quốc ca.