Qualcomm tích cực hỗ trợ phát triển mạng 4G LTE ở Việt Nam
Đúng như ông Mantosh Malhotra, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Nam Á, nói trong cuộc trao đổi về công nghệ mạng di động 4G LTE với báo giới tại TP.HCM chiều 16-4-2015, thời điểm triển khai mạng 4G LTE ở Việt Nam đã điểm. Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam – Lào và Cambode, khẳng định: Qualcomm vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai mạng 4G LTE hữu hiệu nhất.
Theo lộ trình của chính phủ, sớm nhất là vào cuối năm 2015 hay chậm hơn là trong năm 2016, người dùng di động ở Việt Nam có thể bắt đầu được trải nghiệm mạng 4G LTE có tốc độ cao hơn 3G và tính năng bảo mật tốt hơn. Ông Nam chia sẻ: các băng tần mà Việt Nam dành cho 4G là rất tốt. Các băng tần 850/900/1800 MHz mà cơ quan chức năng Việt Nam sẽ cấp cho các nhà mạng trên cơ sở thỏa thuận giữa các doanh nghiệp là các băng tần phổ dụng trên thế giới. Riêng hai băng tần 2300MHz và 2600MHz sẽ được cơ quan chức năng tổ chức đấu giá vào cuối năm 2015 hay đầu năm 2016.
Trong thời gian gần đây, trên thị trường Việt Nam đang ngày càng xuất hiện thêm nhiều thiết bị di động hỗ trợ mạng 4G LTE. Tuy hiện nay, công nghệ này mới có ở những thiết bị cao cấp thuộc phân khúc high-end, nhưng nó sẽ sớm có mặt trên các thiết bị tầm trung và phổ cập. Qualcomm cũng đã đưa ra những chip xử lý di động tích hợp tính năng 4G cho mọi người như Snapdragon 210, 415, 425,… bên cạnh những chip cao cấp như Snapdragon 805, 810,… và sắp tới có thêm Snapdragon 820 với CPU Kryo 64-bit. Về modem LTE được tích hợp trong các CPU Snapdragon, Qualcomm cũng đã phát triển một dải rộng cho mọi phân khúc thị trường, như hiện nay có từ X5 (trong CPU Snapdragon 210 và 415, tốc độ 150Mbps DL và 50Mbps UL) tới X10 (Snapdragon 808 và 810, tốc đô 450Mbps DL và 50Mbps UL), hay X12 (Snapdragon X12 LTE Modem, tốc độ 450Mbps DL và 100Mbps UL).
Vấn đề hiện nay là các nhà mạng di động chuẩn bị triển khai 4G ra sao? Các nhà phát triển ứng dụng và cung cấp dịch vụ nội dung số cũng cần tích cực chuẩn bị khai thác mạng di động tốc độ cao này.
Trong bài trình bày của mình về triển vọng của Internet và những hứa hẹn của 4G, ông Malhotra nhấn mạnh: Di động hiện là nền tảng công nghệ lớn nhất. Công nghệ smartphone hiện nay đang mở rộng tới mọi ngõ ngách trong cuộc sống con người và tới nhiều lĩnh vực, thiết bị khác. Chẳng hạn như smartphone được tích hợp vào các ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, hệ thống mạng, điện toán di động, xe cộ, thiết bị di động, thiết bị thông minh có thể đeo được wearables,… Sự phát triển của công nghệ điện toán và di động đang tiếp tục hội tụ vào nhau, từ giai đoạn số hóa thông tin liên lạc di động (từ analog chuyển sang digital) với công nghệ di động 3G sang giai đoạn tái định nghĩa lại điện toán (từ máy tính desktop chuyển sang smartphone) với công nghệ 4G LTE, và đang chuẩn bị vào giai đoạn được gọi là “cạnh Internet” (The edge of the Internet) với nền tảng Internet cho vạn vật (Internet of Things, IoT) và công nghệ di động cực nhanh và cực an toàn như 5G, LTE-U,…
Ở giai đoạn sắp tới, công nghệ điện toán và di động sẽ kết hợp với nhau để mở rộng hơn nữa phạm vi và khả năng của Internet. Tiềm năng vẫn còn nhiều khi hiện nay có chưa tới 50% số dân thế giới truy cập Internet. Trong tương lai sẽ có thêm nhiều thiết bị không phải là smartphone kết nối với Internet (ước tính có hơn 5 tỷ thiết bị loại này sẽ được xuất xưởng vào năm 2018) và sẽ truyền tải nhiều trải nghiệm thú vị và hữu ích hơn cho cộng đồng.
Thực tế là mạng 3G ở Việt Nam hiện nay đang quá tải. Nguyên nhân chính là do số lượng người dùng ngày càng gia tăng, nhu cầu giải trí mobile ngày càng cao, trong khi chất lượng và khả năng cung cấp sóng 3G của nhiều nhà mạng bị coi là bất cập. Tất nhiên, việc đầu tư phát triển mạng 4G không phải chỉ để giải quyết vấn đề quá tải và băng thông. Bản thân công nghệ 4G không chỉ có tốc độ cao hơn gấp nhiều lần so với 3G mà còn có khả năng an toàn, bảo mật tốt hơn, cũng như có những tính năng ưu việt hơn.
Ta vẫn gọi là mạng 3G, mạng 4G thật ra chỉ là gọi tắt và quen cái miệng. Chính xác phải là mạng viễn thông di động với công nghệ truyền dữ liệu 3G, 4G hay chí ít cũng là mạng di động 3G, 4G. Công nghệ 4G (4th Generation) là công nghệ di động thế hệ thứ 4, bắt đầu được đưa ra từ năm 2007. Sau này, người ta thêm cho nó cái đuôi LTE (Long Term Evolution) để chỉ mạng di động 4G có thể đạt tốc độ cao nhất và chạy ngon lành nhất. Có người còn gọi đó là “4G xịn” (true 4G).
Nếu nói về tốc độ là yếu tố nhãn tiền và được mọi người quan tâm nhất, ta thử so sánh hén. Với mạng 3G, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) không đưa ra chuẩn cụ thể về tốc độ dữ liệu. Chuẩn IMT-2000 đặt mức tốc độ tối thiểu của 3G là 2Mbps DL (cho người dùng ở một chỗ hay đi bộ). Tất cả là tùy cái “tâm” và cái “tầm” của nhà mạng. Riêng ở Ấn Độ, các nhà mạng đưa ra mức tốc độ download 3G là tối thiểu 2Mbps và tối đa 28Mbps. Còn ở LTE, tốc độ tối đa ở Cat 3 là 100Mbps DL và 50Mbps UL; còn Cat 5 là 300Mbps DL và 75Mbps UL. Khi chuyển lên LTE Advanced, tốc độ vọt thành 1Gbps DL và 500Mbps UL.
Thế giới đang tăng tốc chuyển lên LTE. Hiện trên thế giới có 360 nhà mạng LTE với hơn 456 triệu thuê bao. Công nghệ thế hệ mới LTE Advanced với khả năng cao hơn cũng đã có 79 nhà mạng ở 40 nước đầu tư và hiện có 21 dịch vụ đã được cung cấp cho người dùng. Hy vọng Việt Nam đi sau thiên hạ một bước sẽ tỉnh táo và nhìn xa trông rộng không để bị “hốt vỏ” với những thiết bị công nghệ cũ mà sẽ thật sự “đi tắt đón đầu” công nghệ cho bà con được nhờ.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 17-4-2015)
BÀI TRÌNH DIỄN VỀ QUALCOMM VÀ CÔNG NGHỆ 4G LTE CỦA ÔNG MANTOSH MALHOTRA TẠI TPHCM CHIỀU 16-4-2015