Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Tháng Tư và câu chuyện khác nhau của hai người Mỹ gốc Việt thế hệ hậu chiến

 

 

40 năm sau khi cuộc Chiến tranh Việt Nam kết thúc (30-4-1975/2015), người ta càng hiểu rõ hơn rằng tương lai thuộc về những thế hệ hậu chiến. Báo Mỹ Huffington Post (28-4-2015) cho biết hiện có tới 60% trong tổng số 90 triệu dân Việt Nam được sinh ra sau cuộc chiến. Số người Mỹ và người Mỹ gốc Việt sống trong thời kỳ chiến tranh, gồm cả những người có hay không can dự vào cuộc chiến, đang ngày càng ít dần đi và hiện đã thuộc về thiểu số. Bởi lẽ dễ hiểu là những người có can dự vào cuộc chiến này giờ đây trẻ nhất cũng đã xấp xỉ 60 tuổi. Vào tháng 5-1975, nước Mỹ đón nhận 120.000 người Việt di tản từ miền Nam Việt Nam. Hiện nay, sau 4 thập niên, con số người Việt ở Mỹ đã lên tới 1,7 triệu người.

Nhưng rõ ràng cả ở Việt Nam lẫn ở Mỹ, những thế hệ với những cái nhìn khác nhau về cuộc chiến vẫn đang cùng sống bên nhau. Hai bài viết vào hạ tuần tháng 4-2015 trên hai tờ báo lớn của Mỹ (New York Times và Huffington Post) có thể cho ta thấy hai cái nhìn khác nhau của những người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ hậu chiến.

 

“Cuộc Chiến tranh Việt Nam của chúng tôi không bao giờ kết thúc”.

150424-newyorktimes-vietthanhnguyen

Trên báo New York Times (24-4-2015), tác giả Viet Thanh Nguyen đã viết trong mục Ý kiến một bài có tựa đề: “Cuộc Chiến tranh Việt Nam của chúng tôi không bao giờ kết thúc”. Ông tới Mỹ vào năm mới 4 tuổi, hiện là Phó giáo sư nghiên cứu về Anh và Mỹ và sắc tộc tại Đại học Nam California, tác giả của một số sách, gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer” (Sự cảm thông) viết về những giằng xé của những con người có can dự tới cuộc chiến ở Việt Nam.

Cha mẹ của Viet Thanh Nguyen theo những người từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 khi còn ở tuổi thiếu niên, bỏ lại cha mẹ và anh chị em. Hơn 20 năm sau, gia đình họ lại có mặt trong số những người di tản ra nước ngoài. Họ là một gia đình may mắn, không có người thân nào chết trong cuộc chiến hay trong những cuộc di tản, vượt biên; sang Mỹ, họ thành đạt, giàu có. Nhưng Chiến tranh Việt Nam luôn là một nỗi ám ảnh trong họ. Nhất là khi họ sống ở San Jose (bang California) vốn được mệnh danh là “thủ phủ của người Việt ở Mỹ”, nơi có người nói rằng nhiều người từ khi qua Mỹ cho tới lúc lìa đời có thể chỉ cần giao tiếp bằng tiếng Việt.

Viet Thanh Nguyen nói rằng đối với gia đình của những người Mỹ vẫn còn mất tích hay chưa tìm thấy hài cốt trong Chiến tranh Việt Nam, và của cả 58.300 quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh ở Việt Nam có tên trên những tấm bia kỷ niệm tại thủ đô Washington, cuộc Chiến tranh Việt Nam không bao giờ kết thúc.

Ngay cả những người Việt tị nạn ở Mỹ cũng vậy. Tháng 4 hàng năm được họ gọi là “Tháng Tư Đen”. Vào dịp 30-4, những cựu binh và cựu viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa thường đưa gia đình tới các nơi kỷ niệm để ôn lại những câu chuyện chiến tranh của mỗi người.

Điều làm những người Việt thế hệ di tản ở Mỹ lo lắng là sau khi họ mất đi, thế hệ con cháu họ sẽ dần trở nên xa lạ với cuộc chiến mà cha ông chúng can dự. Bản thân họ cũng bị giằng xé nội tâm giữa việc cáo buộc chính phủ Mỹ bỏ rơi đồng minh và việc tri ân nước Mỹ đã dung nạp họ.

Trong khi đó, người Mỹ và những người Mỹ gốc Việt thế hệ hậu chiến chủ yếu chỉ biết về cuộc Chiến tranh Việt Nam qua sách báo Mỹ và đặc biệt là những bộ phim Hollywood như “Apocalypse Now”, “Platoon”,… Và tất cả họ đều nhìn theo con mắt của người Mỹ.

Viet Thanh Nguyen viết: “Những dịp kỷ niệm là thời điểm để kể lại những câu chuyện chiến tranh… Mặc dù gia đình tôi và những người tị nạn khác mang theo những câu chuyện chiến tranh của mình tới Mỹ, những câu chuyện đó phần lớn vẫn không được nghe và không được đọc, ngoài trừ bởi những người như chứng tôi.” Như vậy, cuối cùng chỉ có người Việt kể chuyện cho người Việt nghe. Người Mỹ chẳng quan tâm.

Thực tế điều người Mỹ chủ yếu quan tâm về Việt Nam là cái “Hiểm họa Vàng” (Yellow Peril) hay “Cuộc xâm lược của châu Á” (Asian Invasion), khi họ có nguy cơ bị những di dân da vàng châu Á tranh mất công ăn việc làm, chia bớt phúc lợi xã hội, làm xã hội của họ thêm rối ren. Viet Thanh Nguyen viết: “Tôi biết rằng trong trí tưởng tượng của người Mỹ, tôi là một người nước ngoài, bất kể tôi nói tiếng Anh lưu loát ra sao, hành xử theo kiểu Mỹ thế nào.”

Ông cho biết mình không trở về Việt Nam suốt 27 năm vì “tôi hoảng sợ về nó, giống như rất nhiều người Việt khác ở Mỹ. Tôi nhìn thấy những người Việt ở Mỹ vừa thân thiết, vừa xa lạ, nhưng bản thân Việt Nam đơn giản là xa lạ.” Bởi lẽ, cho dù là một người Mỹ gốc Việt, Viet Thanh Nguyen lớn lên ở Mỹ và được giáo dục như một người Mỹ. Ông và thế hệ mình nhìn về Việt Nam cũng giống như những người Mỹ gốc nước ngoài khác nhìn về quê cha đất tổ của mình.

 

“40 năm sau chiến tranh Việt Nam”

150428-huffingtonpost-david-duong

Trong khi đó, một người Mỹ gốc Việt khác là David Duong đã viết một bài tựa đề “40 năm sau chiến tranh Việt Nam” đăng trên báo Huffington Post (28-4-2015) với một cái nhìn khác. Năm lên 5 tuổi, ông rời Việt Nam cùng gia đình sang Mỹ sau khi cha ông, một sĩ quan cao cấp của Quân đội VNCH ra khỏi trại sau 7 năm tập trung học tập cải tạo. Bây giờ David Duong là một bác sĩ, nhà kinh doanh lĩnh vực xã hội, nhà cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe.

David Duong đã trài qua 2 năm vừa qua ở Việt Nam với tư cách tham gia chương trình Học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Mỹ và cố vấn cho chương trình của Đại học Y khoa Harvard ở Việt Nam. Ông chia sẻ: “Chủ đề trung tâm của tôi khi trở lại Việt Nam là “Trở về quê cha đất tổ: Hoàn thành Giấc mơ Mỹ của mình ở Việt Nam”.

Ông viết: “Tôi đã lớn lên học để nhớ Việt Nam, để yêu Việt Nam, nhưng cũng mang những nỗi sợ hãi và khổ tâm từ đất nước mà mình bỏ lại phía sau. Và 40 năm sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam, tôi đã tự tìm đường quay về, sống ở đất nước – nơi cha mẹ tôi từng bị ngược đãi và từ đó mà chúng tôi bỏ chạy.” Ông về Việt Nam để thấy: “Đất nước này rất khác với đất nước mà cha mẹ tôi từng bỏ ra đi….” Sau khi ghi nhận sự có mặt khắp Việt Nam của những thương hiệu Mỹ, ông viết: “Các mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam giờ đã được bình thường hóa, các mối quan hệ ngoại giao đang mạnh mẽ, sự hợp tác quân sự đã bắt đầu. Việt Nam bây giờ đang trong bước thương thảo để gia nhập Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TTP) do Mỹ đứng đầu.”

Ông kể mình đã đi khắp cả nước và ở đâu cũng được đón mừng nồng ấm. “Khi đất nước bị chiến tranh tàn phá này đang hối hả hướng tới tương lai, những người Mỹ gốc Việt như tôi đang trở về với nỗi khát khao được góp phần xây dựng đất nước thông qua lăng kính giáo dục và văn hóa Mỹ của mình.”

David Duong kết lại rằng: “Việt Nam đã quyết định khép lại quá khứ, những nỗi đau, sự giận dữ, oán hận từ các cuộc xung đột của mình với rất nhiều cường quốc thế giới và nắm bắt lấy vị trí của họ là một dân tộc trên thế giới này. Nếu như toàn bộ một đất nước có thể bỏ qua cái quá khứ đó và tập trung vào tương lai, có lẽ những người Mỹ gốc Việt đang giữ nỗi đau, sự giận dữ và oán hận cũng có thể quan tâm tới việc nắm bắt nền ngoại giao từ người tới người với bàn tay rộng mở. Tôi tin và hy vọng các người Mỹ gốc Việt bạn bè của tôi sẽ là chiếc cầu nối giữa văn hóa và xã hội của hai đất nước này.”

lebahung-01

Một trong những người Mỹ gốc Việt thế hệ hậu chiến: Đại tá Hạm trưởng Lê Bá Hùng, Phó tư lệnh đội Tàu khu trục số 7 của Liên đội tàu Khu trục (DESRON) Hải quân Hoa Kỳ (bìa phải), trong lần chỉ huy đoàn chiến hạm Mỹ tới thăm Đà Nẵng hồi đầu tháng 4-2015. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 30-4-2014)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TPHCM 30-4-2015

150430-bao-catp-2_resize