Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Thiết bị bay không người lái – thần Chết của bọn chỉ huy khủng bố

predator-firing-missile4

 

Thêm một tên chỉ huy quân Hồi giáo cực đoan trở thành thân chủ mới nhất của “thần Chết drone”. Al-Qaeda ngày 16-6-2015 đã xác nhận Nasir al-Wahishi, nhân vật số 2 của tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế khét tiếng này và là thủ lĩnh của al-Qaida ở Bán đảo Arập (AQAP) – chi nhánh mạnh mẽ của nó ở Yemen, vừa bị giết chết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) của Mỹ. Đây là đòn đau nhất giáng vào al-Qaeda kể từ sau khi ông trùm của nó là Osama bin Laden bị đặc nhiệm Mỹ đột kích giết chết hồi tháng 5-2011 ngay tại nơi ẩn náu của hắn trên lãnh thổ Pakistan. Báo chí Arập trước đó đưa tin có 3-5 tên tình nghi al-Qaeda đã bị drone Mỹ tiêu diệt trong cuộc tấn công ngày 9-6 tại Mukalla, thành phố cảng ở đông nam Yemen.

Ngày 17-6, quân al-Qaeda đã trả thù bằng cách giải hai người đàn ông Saudi Arabia mà chúng tố cáo làm gián điệp cho Mỹ tới bãi biển – nơi xảy ra cuộc tấn công bằng drone – bắn chết họ rồi treo xác họ dưới một cây cầu tại thành phố Mukalla.

Lâu nay, AQAP được coi là chi nhánh al-Qaeda nguy hiểm nhất. Nó có liên quan tới hàng loạt âm mưu tấn công vào nước Mỹ và đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công đẫm máu vào tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Pháp hồi tháng 1-2015.

Các cuộc tấn công bằng drone của Mỹ nhiều năm nay vẫn bị công chúng các nước mà chúng hoạt động lên án vì cho rằng chúng đã gây thương vong cho nhiều dân thường. Ngay ở Mỹ cũng có những phê phán và phản đối. Người ta tố cáo rằng Mỹ đã tấn công tiêu diệt cho bằng được mục tiêu bất chấp việc có nhiều dân thường ở chung quanh. Hồi cuối năm 2014, báo Guardian (Anh) đã dẫn số liệu do tổ chức nhân quyền Reprieve công bố để làm rõ thực chất điều mà Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả hoạt động của drone là “giết có mục tiêu”. Theo đó, tính tới ngày 24-11-2014, để tiêu diệt 41 kẻ là mục tiêu ở Pakistan và Yemen, các drone của Mỹ đã giết chết tổng cộng 1.147 người. Jennifer Gibson, người phụ trách cuộc nghiên cứu của Reprieve, nói rằng: Các drone chỉ hoạt động “chính xác” như phía Mỹ tuyên bố khi nào được tình báo Mỹ điều khiển chính xác từ thông tin chính xác. Theo thống kê mà Reprieve thu thập được, hầu như không có mục tiêu nào bị tiêu diệt mà không có thêm nhiều người chung quanh thương vong. Phe ủng hộ drone nói rằng bọn chỉ huy phiến quân khủng bố luôn khôn ranh lẩn vào giữa đám đông dân chúng biến dân thường thành bia đỡ đạn cho mình. Vào giữa năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi đó là Leon Panetta đã biện minh cho hoạt động của drone ở Yemen là một biện pháp để “tự vệ và bảo vệ nước Mỹ”. Có lẽ ý ông muốn nói là bảo vệ chủ động từ trước và từ xa. Và có một sự thật rõ ràng là sử dụng drone tuy tốn kém nhưng có thể giảm tới mức thấp nhất sự thương vong cho phía Mỹ.

Báo Guardian cũng dẫn số liệu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết 500 cuộc tấn công của drone Mỹ bên ngoài Iraq và Afghanistan đã giết chết 3.674 người. Riêng ở Afghanistan, tổng cộng các cuộc tấn công bằng drone tính tới ngày 22-11-2014 đã giết chết 2.184–3.858 người.

Bất luận ra sao, những chiếc drone luôn là nỗi ám ảnh, là thần Chết treo trên đầu những tên chỉ huy của phiến quân, khủng bố từ Taliban tới al-Qaeda và hiện nay là lực lượng Hồi giáo cực đoan tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” đang lộng hành ở Iraq và Syria.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 19-6-2015)

+ Ảnh: Một chiếc drone của Mỹ đang bắn tên lửa vào mục tiêu. (Nguồn ảnh: Internet.)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TP.HCM 19-6-2015

150619-baibao-catp_resize