Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Đức Giáo hoàng Francis lần đầu tiên đến Mỹ

150922-pope-visited-us-first-time-01

 

Chiều 22-9-2015, chiếc máy bay của hãng hàng không Ý Alitalia đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Joint Base Andrews (bang Maryland) – sân bay dành cho các tổng thống Mỹ và các thượng khách quốc tế của Mỹ – đưa Đức Giáo hoàng Francis (người Việt gọi là Đức Giáo hoàng Phanxicô) tới Mỹ trong chuyến công du chính thức nước này lần đầu tiên từ sau khi ngài đăng quang Giáo hoàng Giáo hội Vatican hồi tháng 3-2013. Để tỏ lòng kính trọng vị thượng khách đặc biệt – vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo Rome toàn cầu hiện có hơn 1,2 tỷ giáo dân, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có một hành động khác thường là cùng Đệ nhất Phu nhân Michelle và 2 cô con gái ra tận chân cầu thang máy bay để đón chào Giáo hoàng Francis, người gốc Argentina vào tháng 12 năm nay sẽ mừng sinh nhật thứ 79. Theo nghi thức ngoại giao Mỹ, hiếm khi nào tổng thống ra đón khách tại sân bay chứ đừng nói chi là tận chân cầu thang máy bay. Phó tổng thống Joe Biden và phu nhân Jill cũng có mặt. Tổng thống Obama theo đạo Tin lành. Phó tổng thống Biden là tín đồ Công giáo.

150922-pope-visited-us-first-time-03

Đức Giáo hoàng Francis và Tổng thống Obama, Đệ nhất phu nhân Michelle.

Nghi thức mừng đón trang trọng mà thân mật đã diễn ra trên thảm đỏ trong lúc các học sinh Mỹ reo hò: “Hello, hey, hey, welcome to the USA.”

Nước Mỹ có đa số dân theo đạo Thiên chúa (khảo sát năm 2014 có 70,6% người lớn Mỹ thừa nhận mình là tín đồ Thiên chúa giáo). Nhưng Tin lành (Protestant) mới là tôn giáo lớn nhất ở Mỹ (chiếm 46,5% số dân), trong khi đạo Công giáo (Roman Catholicism) thuộc Giáo hội Vatican lớn thứ nhì với 20,8% số dân. Tin lành và Công giáo là hai tôn giáo khác nhau, tuy đều thuộc Thiên chúa giáo nhưng có một số khác biệt về giáo lý và các hành đạo. Chỉ có 5,9% trong tổng số 321 triệu người dân Mỹ (ước tính năm 2015) là tín đồ các tôn giáo không phải là Thiên chúa giáo.

Cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống Mỹ Obama và Giáo hoàng Francis diễn ra tại Nhà Trắng vào ngày 23-9. Sau đó, Đức Giáo hoàng sẽ ngồi trên xe đi qua những đài kỷ niệm chính tại thủ đô Washington trước đám đông những người chờ đón dự kiến đông tới nhiều vạn người.

150922-pope-visited-us-first-time-02

Trong chuyến công du 6 ngày ở Mỹ, Giáo hoàng Francis vào ngày 24-9 sẽ trở thành Giáo hoàng Vatican đầu tiên đọc diễn văn tại Quốc hội Mỹ và ngày hôm sau sẽ đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Ngài sẽ chủ tế thánh lễ ngoài trời tại thành phố Philadelphia (bang Pensylvania) ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu người từ khắp thế giới về tham dự. Đây là nơi đang diễn ra Đại hội Gia đình Thế giới (World Meeting of Families Congress) của Giáo hội Công giáo toàn cầu – sự kiện có đông đảo các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân từ Việt Nam sang tham dự – đứng đầu là Tổng giám mục Bùi Văn Đọc của Tổng giáo phận TP.HCM, cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN. Để giữ gìn an ninh trong sự kiện mừng đón Đức Giáo hoàng Francis, nhà chức trách Mỹ đã cấm mọi người đem vào nơi hành lễ loại gậy chụp ảnh tự sướng selfie stick.

Đức Giáo hoàng Francis trước đó đã công du 4 ngày ở Cuba. Ngài và Vatican đã có công lớn làm trung gian hòa giải giữa Cuba và Mỹ để dẫn tới kết quả tuyệt vời là hai nước láng giềng này đã chính thức tái lập quan hệ ngoại giao vào ngày 20-7-2015 sau 54 năm coi nhau là thù địch (cắt đứt quan hệ từ năm 1961 sau cuộc Cách mạng Cuba năm 1959). Trên máy bay từ Cuba sang Mỹ, ngài nói với các nhà báo tháp tùng rằng mình hy vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Cuba. “Điều tôi khao khát là họ kết thúc với một kết quả tốt đẹp, họ sẽ đạt được một hiệp ước làm hài lòng cả hai bên, một hiệp ước, chắc chắn là như vậy.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-9-2015)

+ Ảnh: Đón tiếp Đức Giáo hoàng Francis tại Maryland chiều 22-9-2015. Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

VIDEO do Nhà Trắng Mỹ thực hiện:

Thiên chúa giáo (Christianity) là tên được dùng để chỉ những tín đồ thờ phượng Thiên chúa. Theo Wikipedia, Thiên chúa giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới, hiện có khoảng 2,4 tỷ tín đồ (dân số thế giới hiện hơn 7 tỷ người). Ba nhánh Thiên chúa giáo lớn nhất là Gíao hội Công giáo Vatican (Catholic Church) – lớn nhất với hơn 1,2 tỷ giáo dân, Giáo hội Chính thống giáo phương Đông (Eastern Orthodox Church), và Tin lành (Protestantism). Công giáo Rome và Chính thống giáo phương Đông bị chia tách từ một tôn giáo chung trong sự kiện ly giáo thế kỷ 11. Còn Tin lành tách ra từ Công giáo trong thời kỳ Cải cách ở châu Âu thế kỷ 16. Khác với Công giáo và Chính thống giáo đều có giáo chủ đứng đầu giáo hội toàn cầu, Tin lành lại chia thành vô số giáo hội hoạt động độc lập. Ngay cả trong một nước cũng có nhiều giáo hội Tin lành khác nhau. Cũng có những nhóm giáo hội Tin lành hoạt động chung dưới hình thức tổng hội.

Anh giáo (Anglicanism) cũng được coi là một nhánh của Tin lành. Tuy nhiên, có khi họ nói mình là độc lập, không dính líu tới Tin lành.

Do Thái giáo (Judaism) là một dòng Thiên chúa giáo cổ đại từ thời nguyên thủy. Chủ yếu là người dân Israel.

Ngay cả Hồi giáo (Islam và Muslim) cũng có nguồn gốc Thiên chúa giáo nguyên thủy, thờ Thượng đế gọi là Thánh Allah. Đạo này tôn kính các nhà tiên tri mà Thiên chúa giáo cũng tôn kính như Abraham, Moses,… Họ coi Adam, Noah cũng là nhà tiên tri. Ngay cả Chúa Jesus cũng chỉ được Hồi giáo coi như một đấng Tiên tri. Nhưng nhà tiên tri cao trọng nhất của Hồi giáo vẫn là Muhammad (sinh năm 570, mất năm 632).