Thứ Bảy ngày 16 tháng 11 năm 2024

Một năm xài 9, còn 3

151001-usa-calendar-2016-1_resize

 

Chuyến này tôi đi Mỹ hơn một tháng mà hôm nay về gần 2 tuần rồi nhưng vẫn chông chênh trong cái cảm giác bay vèo. Thời gian ngày xưa như bóng câu qua cửa sổ. Thời gian ngày nay như tên lửa vũ trụ lao vào mênh mông. Hôm rồi ở California, anh bạn trẻ Paulus Vọng sống ở Alamada bên kia San Francisco nói với tôi: “Chú qua Mỹ sẽ thấy thời gian trôi qua nhanh lắm. Mới thức ban sáng chớp mắt vài cái đã tới giờ ngủ tối.” Tôi giải thích: Thời gian ở Mỹ là tiền bạc – không hào hứng thì cũng phải hối hả mà làm cho kịp tiến độ bill đổ về, mà hễ chịu làm là có tiền, làm giờ nào được trả lương cho giờ đó. Thời gian ở Việt Nam là số không – ngồi cữ cà phê từ khi mới bảnh mắt tới lúc phủi cẳng lên giường ngủ mới tạm gọi là xong. Chưa kể có khi làm bán mạng mà check lại cứ như chẳng hề làm gì, cứ như vào hư không.

Phải rào đón như vậy thì mới hiểu được cái cảm giác lơ lơ lửng lửng của tôi khi sáng nay nhìn lên tờ lịch nửa muốn thảng thốt, nửa lại dửng dưng thấy đã bước vào tháng 10-2015. Vậy là chỉ còn đúng 1 quý hay 3 tháng nữa là hết một năm. 9 tháng trong cái quỹ thời gian đời người của năm tài chính 2015 đã xài hết ráo trọi. Mở bảng Excel ra coi thấy chẳng làm được cái gì ra trò trống. Chỉ còn 3 tháng thì làm được cái gì đây.

Thường thì 3 tháng quý 4 hàng năm là thời gian để người ta chạy nước rút hoàn thành chỉ tiêu, doanh số của cả năm. Tôi thì độ chừng là có khá nhiều bạn năm nay cũng chạy – quen chân hàng năm thôi – nhưng mà là chạy trên cái máy chạy bộ, chạy rã cặp giò mà chẳng tới đâu.

Giở mấy tờ báo sáng nay ra thấy có tin bữa nay bắt đầu bán vé xe lửa Tết. Giàng ơi, kết quả năm nay chưa biết ra sao mà đã phải lo tới chuyện… về quê nghỉ Tết. Thống kê vào thời điểm 1-4-2014, số dân TP.HCM đã mấp mé 8 triệu người, chưa kể nhiều triệu dân từ các tỉnh thành khác tới làm ăn. Về quê ăn Tết hàng năm là nỗi đoạn trường nhiều tập của cả những người ngụ cư lẫn những cư dân có quê nơi khác. Có lần tôi nhìn thấy một cô em chung cơ quan vừa nghỉ Tết ở Quy Nhơn vào đã loay hoay đặt trước vé máy bay về quê Tết năm tới. Cô phân bua: “Không đặt liền là tới Tết năm tới không có vé về quê đâu.” Ừ, thân phận những người quê xa ở đâu cũng vậy. Còn nhớ một đêm nọ tại Bắc Kinh, cô em người tỉnh Hắc Long Giang (Heilongjiang) tỉ tê tâm sự: “Tết năm nào tao cũng mất ít nhất là 3 ngày để đi tàu về quê mày ơi.” (Chẳng biết nên dịch cái danh xưng “ngộ” và “nị” ra sao cho nó ổn).

Thời gian và cuộc sống. Người được tôn vinh là cha của đất nước Ấn Độ hiện đại Mahatma Gandhi (1869 – 1948) dặn rằng: “Hãy sống như ngày mai anh chết.” Còn nhà viết châm ngôn Latin thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên Publilius Syrus viết rằng: “Hãy sống qua mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng ta sống.” (Every day should be passed as if it were to be our last.) Câu này đã trở thành một “core” trong đời sống của huyền thoại Apple Steve Jobs (1955-2011). Ông viết trong hồi ký: “Khi tôi 17 tuổi, tôi đã đọc được một câu trích dẫn: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của bạn, một ngày nào đó, bạn sẽ đúng”. Câu nói ấy đã thực sự tạo được ấn tượng với tôi, và kể từ đó, 33 năm qua, tôi đã nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, thì tôi có muốn làm những điều mình sẽ làm hôm nay không?”. Và bất cứ khi nào câu trả lời là: “không” trong nhiều ngày liên tiếp, tôi biết tôi cần phải thay đổi.” Tôi thì tự nhận mình là phàm nhân tục tử nên kết với cái câu cửa miệng của nhân vật Chu Văn Quềnh do nghệ sĩ Hán Văn Tình đóng trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Đất và người” năm 2002 rằng: “Chớ nên trì hoãn cái sự sung sướng ấy lại.” Sau đó, tôi đâm ra khoái cái câu slogan của nhãn dầu gội đầu Sunsilk tung ra năm 2013 “Sống là không chờ đợi”. Ừ, tôi là như vậy. Như vậy là tôi. Mỗi ngày tới, tôi luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng (theo châm ngôn “Sắp sẵn – Be Prepared” của một hướng đạo sinh), không chờ đợi nhưng không có nghĩa là đốt cháy giai đoạn để mà “dục tốc bất đạt”. Cả cuộc đời và cách sống của tôi từ khi có hiểu biết tới giờ dựa trên nền tảng: “Điều gì không muốn người khác làm cho mình thì mình chớ nên làm cho người khác”. Tôi không thể “thánh thiện” tới mức “giơ má trái ra chào mời cho kẻ vừa tát mình vào má phải”. Nhưng khi lỡ bị nàng chân dài nào đó tát vào má trái, tôi cảm thấy mừng bị mình chưa bị thêm một cái vào má phải. Tôi không có cuốn sổ ghi chép “thù dai, hận vặt” nên chẳng có những từ “báo thù”, “ghim gút” lưu trong vốn từ vựng của mình. Chuyện gì đã xảy ra là thuộc về quá khứ. Tôi chỉ cố gắng để sống cho đáng sống ở hiện tại. Giữ lòng nhẹ nhàng, trí thanh thản mà sống.

Hôm rồi từ Mỹ về, tôi có mang theo một cuốn lịch tháng của năm 2016 do Mỹ xuất bản. Mấy năm nay, năm nào tôi cũng có lịch của Mỹ và Úc được gửi về từ rất sớm. Vậy là, bữa nay ngày đầu tiên của tháng 10-2015, tôi đã ngó thấy năm 2016 lấp ló phía trước rồi. Bắt ớn!

151001-usa-calendar-2016-2_resize

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-10-2015)