Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Hớt tóc ở Mỹ

HOA KỲ DU KÝ: 

Chiều 17-9-2015 khi ghé lại tiệm hớt tóc của ông anh kết nghĩa tại Huntingtown (bang Maryland) để chào tạm biệt trở lại Saigon, tôi đã phải để lại Hoa Kỳ một mớ… tóc vốn hiếm hoi như lá xanh mùa thu trên cái đầu đã lâm vào cảnh giới “rửa mặt thì lâu, gội đầu thì chóng”. Bà chị quyết định retouch lại cái đầu tóc của tôi cho nó tinh tươm sau hơn một tháng thằng em chồng ngao du khắp đông tây nam bắc trung của nước Mỹ.

Ở Mỹ, tiệm hớt tóc phải thông thoáng, ngăn nắp và vệ sinh vì ngoài chuyện thường xuyên bị nhân viên chức trách tới kiểm tra, còn sợ khách thấy ngứa mắt gọi điện complain nhà chức trách.

Cũng như các nghề làm ăn ở Mỹ, thợ cắt tóc phải học và thi lấy bằng hành nghề. Thời gian học từ 800 giờ tới 1.800 giờ tùy theo tiểu bang. Sau đó qua 2 vòng thi trắc nghiệm và thực hành để được tiểu bang cấp bằng. Rồi cứ mỗi 2 năm phải renew bằng mới, tốn khoảng 50 USD. Và cũng như các ngành nghề khác, giấy phép hành nghề cơ bản chỉ có giá trị trong tiểu bang. Khi sang bang khác làm, người thợ phải xin bang sở tại cấp bằng mới. Theo quy định, người có bằng có thời gian học nghề lâu hơn yêu cầu của bang khác thì sẽ không phải học và thi lại ở bang mới. Thí dụ, người có bằng học 1.000 giờ khi tới bang chỉ yêu cầu học 800 giờ thì không phải học và thi lại. Nếu ngược lại thì phải học thêm cho đủ rồi thi.

Khi vào tiệm hớt tóc, khách thường phải nói cho thợ biết mình muốn cắt tóc số mấy. Đây chính là số tông-đơ. Có 8 số tương ứng với loại go canh chiều dài tóc để lại. Số 8 là lớn nhất, để tóc lại dài 1 inch.

Theo những thợ nhiều kinh nghiệm, đầu và tóc của người Mỹ da trắng dễ hớt hơn là da đen hay châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Mà thiệt, tóc của dân da màu thì cứng và đầu của dân da màu lại nhiều góc cạnh hay đồi núi chập chùng.

Hầu hết các tiệm hớt tóc chỉ có hớt tóc. Ít khách gội đầu. Vì cạo râu, gội đầu,… tính tiền thêm. Vào trung tuần tháng 9-2015, giá hớt tóc bình thường tại tiệm ông anh là 13 USD. Tỉa râu giá 6 USD và cạo râu tốn thêm 10 USD. Phần đông khách đều cho thêm tiền tip cho thợ. Đây chính là khoản thu nhập “ngoài luồng” của thợ ngoài khoản ăn chia theo tỷ lệ với chủ tiệm. Khách cũng chỉ tip một vài USD thôi. Khách được gọi là “cá mập” khi tip từ 5 USD trở lên. “Cá rô” khoảng 3 USD. Khi gặp khách xù tip, ông anh gọi là “nước lã” và thường nghêu ngao ca “cao ngất Trường Sơn,…”

Không chỉ bị xù típ, tiệm có khi còn phải chấp nhận cho khách nghèo hớt tóc “trả góp”. Xin đừng ngạc nhiên vì nghĩ có hơn 10 USD mà góp cái gì. Ở Mỹ, người Mỹ vẫn xài đồng quarter (25 cent) đó nghen. Họ tính từng USD. Có chừng 10 USD dằn túi đã là rủng rỉnh rồi.

Khi kinh tế khó khăn, nghề tóc cũng bị ảnh hưởng nặng. Nhưng may mắn đây là một loại dịch vụ không thể thiếu được trong xã hội. Thu nhập có èo uột, nhưng không trắng tay. Các tiệm không dám tăng giá theo kiểu Tết đến xuân về như ở Việt Nam. Lúc làm ăn rủng rỉnh, khách đến tiệm cắt tóc mỗi tuần hay 2-3 tuần một lần. Khi khó khăn, họ kéo dài thời gian trở lại tiệm hơn.

Không chỉ để lại mớ tóc, tôi còn xí xọn dùng kim gắn chiếc namecard của mình lên tấm biển lưu niệm của tiệm. Ông anh có thể khoe với khách: tiệm tôi có hót cả khách nước ngoài đó nghen.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Maryland 9-2015/Saigon 10-2015)

150912-maryland-anhtu-001_resize

150912-maryland-anhtu-002_resize

150912-maryland-anhtu-008_resize

150912-maryland-anhtu-009_resize

150912-maryland-anhtu-ss6-001_resize

150912-maryland-anhtu-ss6-002_resize

150917-maryland-017_resize

150917-maryland-019_resize

150917-maryland-023_resize

150917-maryland-barber-sportscut-ss6-001_resize

150917-maryland-barber-sportscut-ss6-005_resize

150917-maryland-barber-sportscut-ss6-007_resize

150917-maryland-barber-sportscut-ss6-011_resize

150917-maryland-barber-sportscut-ss6-015_resize

150917-maryland-barber-sportscut-ss6-016_resize

150917-maryland-barber-sportscut-ss6-017_resize